11/01/2025

12 triệu người dân kính viếng nhà Vua Thái Lan

Nghi lễ hoả táng là nghi thức đặc biệt theo truyền thống lâu đời của Hoàng gia Thái Lan qua nhiều đời vua.

 12 triệu người dân kính viếng nhà Vua Thái Lan.

 

Nghi lễ hoả táng là nghi thức đặc biệt theo truyền thống lâu đời của Hoàng gia Thái Lan qua nhiều đời vua.

Đài hoá thân, tiếng Thái là Phra Meru Mas, là một công trình được thiết kế riêng cho mỗi vị vua sau khi qua đời. 

Đài hóa thân đức vua quá cố Bhumibol Adulyadej là một công trình hình vuông, mỗi bề 60 mét, cao 53 mét và có ba tầng với cầu thang đi lên ở bốn phía. Tầng thứ ba là tháp chính với bảy tầng với đỉnh tháp nhọn.

Đài hóa thân tái hiện khái niệm về vũ trụ của Phật giáo, với đỉnh tháp cao nhất tượng trưng cho núi Tu Di là đỉnh cao nhất của của tiểu thiên thế giới nơi linh hồn con người sẽ trở về sau khi qua đời.

12 triệu người dân kính viếng nhà Vua Thái Lan - Ảnh 1.

Đài hoá thân của nhà vua trong quảng trường Sanam Luang – Ảnh: REUTERS

Đài hóa thân đã được hoàn thành ngày 18-10 trên quảng trường Sanam Luang và sẽ tiếp tục hiện diện tại đấy cho công chúng viếng đến một tháng sau nghi lễ hỏa táng. 

 

 

Các nghệ nhân đã làm việc cật lực trong 10 tháng qua để hoàn thành công trình mô phỏng cõi trời theo triết lí Phật giáo tiểu thừa.

Nghi thức đám tang

Nghi lễ hỏa táng nhà vua Rama IX quá cố diễn ra từ 25 đến 29-10. Trong ngày đầu tiên, các nghi lễ hoàng gia cho tang lễ nhà vua diễn ra tại Điện Dusit Maha Prasat trong Hoàng Cung.

Ngày 26-10, linh cữu nhà vua được rước bằng kiệu từ Điện Dusit Maha Prasat đến Đài hoá thân tại Sanam Luang để hoả táng. 

Khu vực Sanam Luang đã được phong toả từ ngày 24-10 và chỉ 7.500 người, chủ yếu là các khách mời của Hoàng gia, được vào bên trong vào ngày 26-10.

Tro cốt của nhà vua sẽ được thu nhặt trong ngày 27-10 và các nghi lễ hoàng gia tiếp diễn trong ngày 28-10 tại Điện Dusit Maha Prasat.

12 triệu người dân kính viếng nhà Vua Thái Lan - Ảnh 2.

Sơ đồ các nghi thức trong đám tang – Ảnh: Bangkok Post

Ngày 29-10 di cốt của vua Rama IX được đưa về sảnh Chakri Maha Prasat trong Hoàng Cung, nơi đặt di cốt tất cả vua thuộc Vương triều Chakri.  

Trong khi đó, phần tro cốt sẽ được rước, với kỵ binh hộ tống, về chùa Ratchabophit Sathit Maha Simaram và Bowonniwet Vihara, hai ngôi chùa gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của nhà vua.  

12 triệu người dân kính viếng nhà Vua Thái Lan - Ảnh 3.

Hình ảnh khu vực tang lễ ở quảng trường Sanam Luang bên trong Hoàng Cung – Ảnh: Bangkok Post

Trang phục áo đen và hoa vàng/trắng

Các quy định về trang phục và nghi thức được thông báo cho dân chúng bao gồm: mặc trang phục đen (tay áo dài) từ ngày 13-10 (ngày Đức vua qua đời năm ngoái) đến 27-10. Trong ngày 26-10 đeo thêm băng tang màu đen.

12 triệu người dân kính viếng nhà Vua Thái Lan - Ảnh 4.

Người dân bước qua chốt kiểm tra an ninh để tham dự lễ tang – Ảnh: REUTERS

Hoa được dùng trong lễ viếng là hoa giấy màu vàng nhạt hoặc trắng ngà. Có bảy loại hoa được lựa chọn gồm hoa hồng, hoa thuỷ tiên, hoa lily, hoa đàn hương, hoa nguyệt quới, hoa phong lan, và hoa dâm bụt (có giải thích rằng đây là dâng bụt hoặc từ râm là che bóng là hoa che bóng mát cho đức Phật). Hoa thủy tiên là loại hoa mà đức Vua quá cố thường tặng vợ khi họ sống ở Thụy Sĩ. 

Từ tháng 5 vừa qua, đã có nhiều lớp tập huấn để các tình nguyện viên – chủ yếu là phụ nữ – làm bảy loại hoa nói trên dùng trong lễ hoả táng nhà vua. Hàng triệu bông hoa được phát ra và khoảng 101 địa điểm tại Bangkok được lập ra để người dân đến đặt hoa tưởng niệm nhà vua.

12 triệu người dân kính viếng nhà Vua Thái Lan - Ảnh 5.

Người dân Thái Lan chờ rước linh cữu nhà vua quá cố ngày 26-10 – Ảnh: REUTERS

Quân đội Thái Lan đảm trách việc nấu khoảng 50.000 suất ăn mỗi ngày cho những người tham dự lễ tang.

Trong những ngày diễn ra tang lễ, hàng ngàn doanh nghiệp và cửa hàng đóng cửa để bày tỏ lòng tôn kính.

Chính quyền đã triển khai 11 tuyến xe buýt phục vụ miễn phí trong khu vực trung tâm Bangkok. Ngoài ra, từ ngày 23 đến ngày 31-10, người dân từ các tỉnh xa sẽ được miễn phí vé tàu hạng ba từ các tỉnh Hat Yai, Ubon Ratchathani, Nong Khai và Chiang Mai.

Tại các tỉnh khác, các địa phương cũng thực hiện các nghi lễ trong dịp này để bày tỏ lòng thương tiếc và kính trọng đến nhà vua.

12 triệu người dân kính viếng nhà Vua Thái Lan - Ảnh 6.

Vua Maha Vajiralongkorn tham dự đám tang ngày 26-10 – Ảnh: REUTERS

Cho đến nay, khoảng 12 triệu người, tương đương 1/6 dân số Thái Lan đã đến viếng và bày tỏ lòng kính trọng với đức vua quá cố tại Hoàng cung ở Bangkok, nơi đặt linh cữu của ông trong suốt năm qua.

Công tác an ninh nghiêm ngặt

An ninh đường sông sẽ được giám sát nghiêm ngặt trong suốt thời gian tang lễ dưới sự điều phối của một cơ quan an ninh mới được thành lập. Đặc biệt, khoảng 180 cảnh sát và 10 tàu tuần tra sẽ đảm bảo an ninh trên sông Chao Phraya gần Hoàng cung, nơi mọi tàu bè sẽ bị cấm đi lại.

12 triệu người dân kính viếng nhà Vua Thái Lan - Ảnh 7.

Binh lính Thái Lan canh gác gần khu vực Hoàng Cung – Ảnh: REUTERS

Về an ninh chung, máy quay điều khiển (flycam) bị nghiêm cấm trong một khu vực rộng lớn có bán kính 19km tính từ quảng trường Sanam Luang, người vi phạm có thể bị phạt đến một năm tù và/hoặc 40.000 bath.

Theo Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon, 50.000 sĩ quan, quân nhân thuộc bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái và các tình nguyện viên đã được huy động để bảo vệ an ninh cho nghi lễ hỏa táng tại Bangkok và các nghi lễ ở các tỉnh. 

Sau lễ tang, quảng trường Sanam Luang tiếp tục mở cửa cho người dân tham quan đến hết tháng 11-2017. Người dân sẽ được phát miễn phí các thông tin, hình ảnh để tưởng nhớ nhà vua. 

Họ có thể tải ứng dụng điện thoại để xem phim, hình ảnh về nhà vua quá cố. Hoàng Cung sẽ mở cửa trở lại cho người dân tham quan vào ngày 30-10.

Tân vương Maha Vajiralongkorn chính thức lên ngôi từ năm ngoái nhưng lễ đăng quang sẽ diễn ra vào cuối năm nay, sau đám tang. 

 

HỒNG VÂN – TRẦN PHƯƠNG