12/01/2025

‘Tiếc đại học nhưng tôi vẫn chọn trường nghề’

“Học đại học, tôi vừa sợ ba mẹ khổ vừa lo thất nghiệp như mấy anh chị ở xóm. Nên dù tiếc đại học, tôi vẫn chọn trường nghề”, Tuyết kể.

 

‘Tiếc đại học nhưng tôi vẫn chọn trường nghề’.

“Học đại học, tôi vừa sợ ba mẹ khổ vừa lo thất nghiệp như mấy anh chị ở xóm. Nên dù tiếc đại học, tôi vẫn chọn trường nghề”, Tuyết kể.

 

Đam mê vẽ từ nhỏ, đoạt giải cao trong nhiều cuộc thi hội hoạ, đậu đại học ngành kiến trúc với điểm cao, nhưng Phạm Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1997) lại quyết định theo đuổi nghề đầu bếp tại Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist.

Vừa qua, Tuyết đoạt giải nhất cuộc thi The young talent escoffier Vietnam 2017, rồi đại diện Việt Nam sang Hong Kong thi đấu vòng khu vực cuộc thi nói trên và đạt huy chương đồng.

Học cách yêu nghề mình chọn

Thi kiến trúc, cầm tờ giấy báo nhập học trên tay, mấy đêm liền Tuyết không ngủ được. Cô là con đầu, sau cô còn có một em gái và một em trai. Năm đó, em gái học lớp 10 còn em trai mới vào lớp 1. 

Nhà Tuyết làm rẫy, trồng cà phê và tiêu, nhưng cha Tuyết bị bệnh, nên mẹ Tuyết gánh kinh tế cho gia đình.

“Ba mẹ tôi nói thích ngành nào thì cứ đi học ngành đó, nhưng tôi đi học thì khổ cho ba mẹ quá. Phần nữa, tôi sợ học đại học ra lại thất nghiệp như mấy anh chị ở xóm tôi. Nên dù tiếc đại học, tôi vẫn chọn trường nghề, vì muốn có một tương lai rõ ràng!” – Tuyết kể.

Vào học nấu ăn được hai tháng thì Tuyết biết Vũ Hoàng Trinh, một cô gái đam mê với nghề bếp, thường tham dự các cuộc thi tay nghề trẻ. Tuyết theo dõi Trinh qua các vòng thi, từ thành phố đến khu vực châu Á, rồi đại diện Việt Nam thi thế giới. 

“Qua quá trình theo dõi chị Trinh, tôi cảm thấy có động lực học tập hơn, yêu nghề hơn, rồi tôi cũng bắt đầu tập tành… đi thi. Tôi cũng không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu cuộc thi nữa. Nhỏ lớn gì tôi cũng đi thi hết. Nhưng hầu như tất cả là… thất bại” – Tuyết cười.

Ngoài đi thi, Tuyết còn tìm kiếm các chương trình và sự kiện về nấu ăn, ẩm thực rồi rủ các bạn cùng đi xem. “Mỗi lần đi thi và đi xem như vậy, tôi thấy mình tích lũy được thêm kiến thức. Nhưng quan trọng hơn, tôi muốn học hỏi nhiều hơn nữa” – Tuyết khẳng định.

“Bây giờ theo nghề bếp, tôi thấy nghề này cũng có nhiều thứ liên quan đến kiến trúc mỹ thuật. Đã vậy, vừa được thực hành nhiều, vừa tiếp xúc với nhiều người, nhiều nền văn hoá khác nhau.

Người đầu bếp phải biết nhiều thứ, chứ không chỉ nấu ăn. Lúc nấu ăn thì mình như một người nội trợ đảm đang. Đến lúc nấu xong, trang trí sản phẩm, thì đầu bếp như một nghệ sĩ” – Tuyết nói thêm.

Học hỏi từ điều nhỏ nhặt nhất

Khi biết mình sẽ đại diện Việt Nam đi thi vòng khu vực cuộc thi The young talent escoffier ở Hong Kong, Tuyết vừa phấn khích vừa lo lắng. Trong quá trình tập huấn và thực tập, chuẩn bị cho vòng thi này, Tuyết luôn tâm niệm mình chân thành trao tình cảm cho người khác, người khác sẽ chân thành đáp lại mình.

Tuyết kể ban đầu khi đến tập huấn tại một nhà hàng trước khi đi Hong Kong, mọi người có vẻ không thích Tuyết – một người xa lạ đột nhiên xuất hiện trong bếp của họ, và tỏ vẻ khó chịu ra mặt. 

Nhưng từng ngày một, Tuyết luôn chú ý quan sát học hỏi mọi thứ, rồi tới nhà hàng sớm hơn mọi người một chút để mở gas, dọn dẹp, sắp xếp bếp… Khi các nhân viên khác tới là mọi thứ đã sẵn sàng để nổi lửa. 

“Ngoài ra, việc bếp núc trong nhà hàng luôn chú trọng tinh thần làm việc nhóm – người này phải giúp đỡ, hỗ trợ người kia, chứ không thể chỉ một người là có thể thực hiện hoàn hảo được tất cả món ăn. 

Với một người có thái độ làm việc nghiêm túc, tinh thần tập thể cao như vậy, việc truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm làm bếp cho người này sẽ không bị uổng phí” – Tuyết vui vẻ chia sẻ việc đã “qua ải” tập huấn ra sao tại nhà hàng nọ…

Sau các cuộc thi, Tuyết dự định sẽ làm việc ở TP.HCM vài năm, sau đó ra đảo Phú Quốc. “Tôi muốn học hỏi và trải nghiệm công việc bếp núc ở nhiều môi trường khác nhau” – Tuyết nói.

Kể chuyện đời qua cuộc thi Kể chuyện đời qua cuộc thi ‘Tôi chọn nghề’

TTO – Cuộc thi “Tôi chọn nghề” nhằm cổ vũ học nghề để lập thân, lập nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.

PHƯƠNG NGUYỄN