Ông Trump có quá lạc quan về tình hình Syria?
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Mỹ sẽ sớm chuyển sang “giai đoạn mới” trong các hoạt động ở Syria, vì nhiệm vụ giải phóng thành phố Raqqa đã hoàn thành.
Ông Trump có quá lạc quan về tình hình Syria?
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Mỹ sẽ sớm chuyển sang “giai đoạn mới” trong các hoạt động ở Syria, vì nhiệm vụ giải phóng thành phố Raqqa đã hoàn thành.
Thành phố Raqqa được xem là “thành trì” của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Công cuộc giải phóng Raqqa đã gần như hoàn tất sau các cuộc phản công của lực lượng chống chính quyền Damascus được liên quân do Mỹ dẫn dắt hỗ trợ tích cực trong thời gian qua.
“Thất bại của IS tại Raqqa cho thấy một bước đột phá quan trọng trong chiến dịch toàn cầu của chúng tôi nhằm đánh bại IS và tư tưởng độc ác của chúng. Với việc giải phóng thành trì của IS và phần lớn lãnh thổ của chúng, kết cục của đế chế Hồi giáo IS đã rõ”, Nhà Trắng đăng phát biểu của ông Trump ngày 21-10.
Sự trỗi dậy của IS từ năm 2014 đã khiến chiến sự Syria thêm phức tạp, do ngay nơi này cũng tồn tại rất nhiều thế lực đấu đá nhau và mâu thuẫn với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Dù vậy, ưu tiên của các bên trong thời gian qua – ít nhất xét về lý thuyết, là tiêu diệt IS. Và chỉ khi hoàn tất điều này, bước tiếp theo sẽ là tiến trình đàm phán hòa bình Syria và khôi phục hậu quả của nhiều năm nội chiến.
Ông Trump vừa qua khẳng định Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh đầu tiên: “Chúng ta sẽ sớm chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó sẽ hỗ trợ các lực lượng địa phương, giảm bạo lực trên khắp Syria và xây dựng các điều kiện cho hòa bình, để khủng bố không thể quay lại đe dọa an ninh chung lần nữa”.
Tổng thống Mỹ cũng nói thêm rằng Washington và đồng minh sẽ ủng hộ các cuộc đàm phán ngoại giao để kết thúc tình trạng bạo lực, cho phép người Syria quay về nhà và vạch ra con đường để “chuyển đổi chính trị theo ý nguyện của người dân Syria”.
Mặc dù vậy, báo Guardian cho rằng ông Trump có phần quá lạc quan về bối cảnh Syria sau khi IS sụp đổ ở Raqqa.
Thứ nhất, các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc điều phối đến nay chưa cho thấy dấu hiệu khả quan. Đơn giản tới lúc này, các bên chưa thống nhất được vai trò của tổng thống Syria ở giai đoạn hậu chiến.
Mỹ và phương Tây muốn ông al-Assad rời khỏi vị trí lãnh đạo, tức ủng hộ một số nhóm đối lập khác nhau. Trong khi đó Nga – nước thân cận với chính quyền al-Assad, luôn phản bác ý định đó.
Chưa kể, tới lúc này Mỹ đang ủng hộ các nhóm vũ trang người Kurd – vốn đã cộng tác đánh IS hiệu quả ở Syria, còn các nước như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ lại không muốn người Kurd tuyên bố độc lập và thành lập một vùng lãnh thổ riêng biệt.
Thêm nữa, việc tái thiết Syria cũng rất khó khăn. Đa phần cư dân nơi đây đã tháo chạy ra nước ngoài, cư trú tại các khu lều trại tị nạn và hiện rất ít khả năng họ sẽ trở về.