Đề xuất cấm cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan công lập mặc quần jeans, áo thun khi làm việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận…
Mặc quần jeans, áo thun khi làm việc là phản cảm ?
Đề xuất cấm cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan công lập mặc quần jeans, áo thun khi làm việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận…
Thông tin Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất cấm cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan công lập mặc quần jeans, áo thun khi làm việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Như Thanh Niên ngày 21.10 đã thông tin, Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND TP bộ quy tắc ứng xử áp dụng cho cán bộ, công chức, người lao động (gọi tắt là công chức) làm việc ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ xã hội, trong đó có đề xuất cấm công chức ở các cơ quan này mặc quần jeans, áo thun khi làm việc. Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung xung quanh bộ quy tắc này.
Ngày 20.10, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung cho biết Sở đã trình UBND TP bộ quy tắc ứng xử, áp dụng cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ xã hội.
Triệt tiêu biểu hiện “chướng tai gai mắt”
Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung
Thưa ông, khi áp dụng bộ quy tắc ứng xử đối với công chức, TP hướng đến điều gì?
Mục tiêu công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước là xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của TP. TP.HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, thì đội ngũ cán bộ, công chức của một đô thị thuộc loại đặc biệt phải là đội ngũ hết sức chuyên nghiệp, gương mẫu, trong đó đòi hỏi có kỹ năng giao tiếp văn hoá ứng xử đối với người dân, doanh nghiệp, với đồng nghiệp ngay trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước.
Muốn được như vậy thì TP phải ban hành bộ tiêu chí chuẩn mực, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải lo rèn luyện để đạt được chuẩn mực đó. Như việc ăn mặc nơi công sở trong giờ làm việc phải phù hợp; tác phong, phát ngôn, thái độ ứng xử… phải thể hiện là người có văn hoá.
Ngay cả chuyện chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính cũng là một nét văn hóa cần phải có của công chức. Công chức phải tuân thủ nội quy, giờ giấc làm việc, có hiệu quả để mang lại lợi ích cho nhà nước, cho người dân. Bây giờ hiệu quả làm việc phải mang tính định lượng chứ không phải định tính. Sản phẩm anh làm ra cụ thể là cái gì, chứ không phải “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” mà đến tháng vẫn nhận lương đều đều là không được.
Chuẩn mực cơ bản nhất của ứng xử văn hoá đối với công chức được đặt ra như thế nào?
Trước hết công chức phải nhận thức mình là một người có thái độ, ứng xử văn hóa trong giao tiếp. Anh phải hiểu được điều đó. Thứ hai là phải chấp hành những quy chuẩn đó để khắc phục những khuyết điểm mà lâu nay báo chí, người dân hay than phiền về tình trạng công chức “không biết cảm ơn, không biết xin lỗi, không biết kính thưa, không biết kính chào”. Thứ ba là phải đúng hẹn. Giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân phải đúng hẹn, không được bày vẽ này nọ để hành dân, không được tiêu cực, nhũng nhiễu người dân. Những biểu hiện tiêu cực đó phải được khắc phục ngay.
Bộ quy tắc ứng xử mà Sở Nội vụ trình UBND TP hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, vì dân phục vụ. Người dân không thể chấp nhận công chức trong giờ làm việc mà hút thuốc, đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân… Những biểu hiện “chướng tai gai mắt” như vậy phải bị triệt tiêu.
Không khống chế quyền riêng tư
Hơn 120.000 người sẽ bị điều chỉnh
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, hiện TP có hơn 12.000 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan hành chính nhà nước (UBND các cấp, sở ngành) và khoảng 110.000 cán bộ, viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền (trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, trung tâm, nhà hát…). Nếu được UBND TP thông qua bộ quy tắc ứng xử, tất cả số cán bộ, công chức, viên chức này thuộc đối tượng sẽ bị điều chỉnh.
Quy tắc ứng xử có quy định trong quan hệ ứng xử gia đình, công chức không được tổ chức các hoạt động cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức và các hoạt động khác của bản thân và gia đình xa hoa, lãng phí… Vậy TP có định lượng thế nào là không xa hoa, lãng phí?
Tinh thần là khi tổ chức tiệc tùng phải tiết kiệm, có chừng mực, tổ chức không vì mục đích vụ lợi cá nhân. TP không có quyền can thiệp, khống chế quyền riêng tư của công chức nên không đưa ra định lượng cụ thể là đám cưới bao nhiêu bàn tiệc, tân gia được mời bao nhiêu khách… Thực tế khi tổ chức đám tiệc, có gia đình công chức đông con cháu thì phải lo nhiều bàn. Hay như lúc cưới xin, nếu như vì để “né”, người ta chỉ mời khách 10 bàn nhưng lại gửi hàng ngàn thiệp báo hỷ, rồi khách phải lo quà cáp này kia, thì mình có ra quy định khống chế cũng không được. Quy tắc ứng xử vẫn còn có những quy định chung chung như thế để khuyến khích thực hiện, bởi nếu như cụ thể ra hết thì có thể “đụng” vào quyền riêng tư, khó xử lý.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc yêu cầu cả viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập nghĩa là có cả trường học, bệnh viện, nhà hát… không mặc quần jeans, áo thun khi làm việc, là gò bó và thật sự không cần thiết, và như vậy là nặng về hình thức…
Quy định trang phục làm việc của nam là quần tây áo sơ mi, nữ quần tây, váy dài với chiều dài tối thiểu ngang gối, áo sơ mi có tay, complê, áo dài truyền thống. Công chức trong giờ làm việc không được mặc quần jeans, áo thun, trừ trường hợp tham gia các hoạt động, sự kiện của cơ quan đơn vị. Hiện nay, hầu hết người lao động, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập đều có đồng phục riêng khi làm việc rồi. Quy định trang phục là vậy nhưng tinh thần chung là tránh được việc ăn mặc phản cảm là được, chứ quan trọng nhất vẫn là điều chỉnh thái độ, hành vi ứng xử, tác phong và hiệu quả công việc của công chức.
Truy trách nhiệm người đứng đầu
Việc chế tài những biểu hiện tiêu cực, vi phạm sẽ như thế nào và liệu có khả thi?
Về thái độ giao tiếp, ứng xử của công chức, bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, bộc lộ yếu kém, có biểu hiện thiếu thân thiện, thiếu hợp tác với đồng nghiệp, thiếu lịch sự, thiếu tôn trọng người dân, có hành vi và biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực… Quy tắc ứng xử không chỉ áp dụng trong môi trường làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước để xử lý những biểu hiện tiêu cực đó, mà còn áp dụng cho công chức trong giao tiếp ngoài xã hội. Nếu anh đi ra đường vi phạm luật giao thông, bị xử phạt; hành xử không đúng với mọi người nơi công cộng bị lập biên bản, hay bị dư luận lên tiếng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, mạo danh để tạo thanh thế khi tham gia các hoạt động xã hội… cũng sẽ bị chế tài nặng để làm gương.
Để chế tài, người đứng đầu từng cơ quan, phòng ban, đơn vị phải kiểm soát kỹ trong nội bộ, lắng nghe dư luận. Nếu người đứng đầu lơ là trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, thì thanh tra công vụ của TP sẽ đi thanh tra đột xuất để chấn chỉnh ngay tại chỗ. Vừa rồi cũng đã có nhiều đợt thanh tra đột xuất ở xã, phường, quận, huyện, sở ngành nhằm kịp thời chấn chỉnh. Việc áp dụng bộ quy tắc đảm bảo khả thi vì gắn liền với việc xem xét, đánh giá, xếp loại công chức hằng năm.
Cần Thơ chưa xử lý trường hợp nào mặc quần jeans, áo thun đi làm
Chiều 21.10, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội Vụ TP.Cần Thơ (đơn vị tham mưu soạn thảo Quy tắc ứng xử), cho biết kể từ khi ban hành hồi tháng 9.2017 cho đến nay (trong đó cũng có quy định không cho công chức mặc quần jeans, áo thun đi làm), nhìn chung việc thực hiện quy chế trên địa bàn TP khá tốt. Sở chưa nhận phản ứng gì từ các cơ quan, đơn vị, những đối tượng phải thực hiện theo quy chế.
“Đến nay chưa có trường hợp cán bộ nào bị xử lý vì mặc quần jeans, áo thun đi làm. Còn việc kiểm tra hành chính thì chúng tôi vẫn thực hiện chung nhiều nội dung, trong đó có nội dung thực hiện quy tắc ứng xử của TP đã ban hành”, ông Ba cho biết thêm.
Đình Tuyển
Ý KIẾN
Điều người dân cần là hiệu quả công việc
Khi đi làm hồ sơ hành chính hay cần liên hệ công việc gì đó với cơ quan nhà nước, đa phần người dân không quan tâm lắm đến chuyện công chức mặc gì, mà cần nhất là hiệu quả công việc, giải quyết kịp thời, đúng hẹn, không bị sách nhiễu, vòi vĩnh. Một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển lâu nay là những bất cập trong bộ máy hành chính nhà nước, mà “thủ phạm” trong bộ máy đó không ai khác là các công chức thoái hóa, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng. Tôi cho rằng cần phải thực chất, tránh hình thức trong điều chỉnh hành vi, thái độ công chức.
Chúng ta cần tổ chức bộ máy và vận hành bộ máy hành chính vì dân phục vụ tốt hơn; tăng cường công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức để lựa chọn người công chức có tâm, có tầm, năng động, tận tụy với công việc. Đặc biệt, phải chế tài nghiêm, loại bỏ khỏi bộ máy những công chức thoái hóa, bởi cán bộ, công chức, dù một bộ phận nhỏ làm sai, ta thường ví là con sâu, sẽ đủ sức làm rầu nồi canh, thậm chí có thể làm hư cả nồi canh chung.
Ông Diệp Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ)
Động viên cán bộ, nhân viên ăn mặc đẹp
Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức TP.HCM vừa được Sở Nội vụ TP.HCM trình UBND TP.HCM là cần thiết và phù hợp tình hình ở TP. Trước đây, công tác ở UBND P.Bến Thành rồi qua UBND Q.1 và bây giờ là UBND Q.12, lúc nào tôi cũng động viên cán bộ, nhân viên mặc đẹp và có thái độ cư xử văn minh với người dân. Bởi, việc có ý thức chỉn chu về trang phục khi làm việc tức là tôn trọng người đối diện thì hiệu quả công việc thường rất tốt. Tuy nhiên, việc quy định công chức không được mặc “quần jeans, áo thun trong giờ làm việc” như Sở Nội vụ trình có vẻ hơi chi tiết và khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, UBND Q.12 sẽ không bắt buộc điều này. Hình thức bề ngoài quan trọng nhưng để đánh giá cán bộ, công chức thì phải nhìn vào hiệu quả công việc, xem họ có hoàn thành tốt công việc được giao hay không.