Tín dụng ‘đen’ mạo danh ngân hàng
Đánh vào thời điểm cần vốn cho sản xuất kinh doanh, hoạt động tiêu dùng dịp cuối năm, một số tổ chức, cá nhân mạo danh ngân hàng hoặc núp bóng dưới hình thức công ty tư vấn tài chính… để cho vay lãi cao.
Tín dụng ‘đen’ mạo danh ngân hàng.
Đánh vào thời điểm cần vốn cho sản xuất kinh doanh, hoạt động tiêu dùng dịp cuối năm, một số tổ chức, cá nhân mạo danh ngân hàng hoặc núp bóng dưới hình thức công ty tư vấn tài chính… để cho vay lãi cao.
Để tiếp cận người vay tiền, chủ yếu là các tiểu thương và cá nhân, tờ rơi quảng cáo cho vay gần đây được rải ở nhiều chợ. Để con mồi dễ cắn câu, hầu hết các tờ rơi này đều mạo danh ngân hàng (NH). Bởi NH là kênh vay vốn mà các tiểu thương và nhiều cá nhân rất khó để tiếp cận do không có tài sản thế chấp cũng như không thạo thủ tục.
Lãi “trên trời”
Theo quảng cáo trên một tờ rơi ghi “Tài chính Sacombank”, lời mời gọi hết sức hấp dẫn là vay 200 triệu đồng không cần thế chấp, không cần hồ sơ thủ tục rườm rà, nhận tiền ngay trong ngày, làm hồ sơ và giao tiền tại nhà, không thu tiền dịch vụ, không phải đóng phí bảo hiểm… Khi liên hệ số điện thoại 0909 xxxxxx trên tờ rơi, người nhận cuộc gọi khẳng định là “Tuấn Sacombank”. Ông Tuấn hỏi chúng tôi có giấy tờ nhà hay không? Trong trường hợp không có nhà cửa thì người đang cho ở nhờ như ba mẹ, anh chị em… có thể bảo lãnh.
Khi chúng tôi thắc mắc trong quảng cáo cho vay nói không cần thế chấp, người này giải thích, mặc dù cho vay không có tài sản thế chấp nhưng trong trường hợp khách vay không trả được nợ thì những người bảo lãnh này phải chịu trách nhiệm trả nợ thay. Không chỉ thế, theo ông Tuấn, giấy tờ nhà phải là bản gốc để tránh trường hợp nhà đã bán và đang thuê ở lại. Trong trường hợp nhà đã được thế chấp NH thì cung cấp hợp đồng vay.
Sau khi nghe hướng dẫn, chúng tôi đồng ý ký hợp đồng vay và hỏi địa chỉ NH Sacombank chi nhánh nào, ở đâu thì ông Tuấn né tránh và nói: “Tụi anh xem giấy tờ xong là cho vay ngay tại nhà mà không cần phải đến NH làm gì cho mất thời gian. Lãi suất cho vay thấp nhất thị trường. Vay 1 triệu đồng trả lãi 28.000 đồng/tháng. Hằng tuần, nhân viên NH sẽ đến tận nhà hay sạp chợ để thu tiền góp”.
Lãi suất ông Tuấn nói là 1 triệu đồng trả lãi 28.000 đồng/tháng (tương đương 2,8%/tháng, khoảng 34%/năm) nhưng lãi suất trên tờ rơi lại cao hơn nhiều. Cụ thể, vay 10 triệu đồng trong vòng 12 tháng, mỗi tháng sẽ trả góp 1,184 triệu đồng, hằng tuần góp 296.000 đồng. Như vậy, phần tiền lãi tính theo tháng lên đến hơn 4,2 triệu đồng, tính theo tuần gần 5,4 triệu đồng, chiếm 42 – 54% tiền gốc, tương ứng 3,5 – 4,5%/tháng.
Không chỉ phát tờ rơi, hình thức mạo danh NH cho vay trực tuyến cũng được một số tổ chức triển khai với lãi suất cao công khai mời gọi khách hàng vay nhanh, vay tín chấp. Trang vay tiền nhanh đăng thông tin gói tín dụng cho tiểu thương tại chợ mà “khách hàng không cần phải đến chi nhánh NH” được ghi là NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhưng ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tiếp thị – VPBank, khẳng định không phải. “Đây là trường hợp mạo danh NH để có thể tiếp cận các tiểu thương. Tại TP.HCM, NH có đặt bàn tư vấn ngay tại các chợ lớn nên tiểu thương có thể tiếp cận trực tiếp”, ông Việt cho biết.
Liên lạc với Sacombank, ông Lê Văn Ron, Phó tổng giám đốc Sacombank, cũng khẳng định những tờ rơi rải ở chợ trên địa bàn TP.HCM là mạo danh Sacombank nhằm tiếp cận với các tiểu thương tại các chợ đang cần vốn gấp hoặc không đủ điều kiện vay vốn NH. Việc này đã được Sacombank phát hiện từ hồi tháng 6 tại 12 chợ trên địa bàn TP. “Sacombank hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ và ngăn chặn những diễn biến có thể xảy ra. Để bảo vệ mình, để tránh rơi vào bẫy mạo danh NH, tiểu thương nên yêu cầu cán bộ tín dụng xuất trình thẻ cán bộ công nhân viên trước khi giao dịch và đọc kỹ hợp đồng trước khi giao dịch. Trong trường hợp cần thiết, tiểu thương có thể đến trụ sở Sacombank gặp trực tiếp các chuyên viên tư vấn để được hướng dẫn chi tiết”, ông Ron khuyến cáo.
Còn ở website có tên Doctor thì giới thiệu đây là công ty tư vấn tài chính (trụ sở tại TP.HCM) nhưng triển khai cho vay. Sau khi điền thông tin cá nhân, công ty này cho chúng tôi vay 2,5 triệu đồng với thời gian 1 tháng, tổng số tiền thanh toán là 3,48 triệu đồng, lãi suất 39,2%. Nhân viên của trang web này cho biết, do lần đầu tiên vay nên số tiền vay chỉ tối đa 2,5 triệu đồng, số tiền vay sẽ tăng lên khi vay lần thứ hai.
Dẹp quán trốn nợ
Thực tế, có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của tình trạng lừa đảo cho vay nặng lãi này. Chị Tâm (kinh doanh hủ tiếu tại Q.3, TP.HCM) vay 10 triệu đồng bên ngoài với tiền lãi mỗi ngày 200.000 đồng. Khoảng 3 tháng nay, ngày nào chị Tâm cũng trả lãi đều đặn 200.000 đồng (tính ra tiền lãi lên đến 18 triệu đồng) mà gốc vẫn còn nguyên. Do buôn bán không được nên chị Tâm đành phải bỏ trốn, gánh hủ tiếu cũng nghỉ bán.
Theo Bộ Công thương, cả nước có gần 8.600 chợ các loại, thu hút khoảng 2 triệu người kinh doanh. Giá trị hàng hóa, dịch vụ qua các chợ chiếm 40% tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ. Tổng cục Thống kê vừa công bố tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng từ tháng 1 – 9.2017 đạt trên 2,917 triệu tỉ đồng. Như vậy giá trị hàng hóa, dịch vụ qua các chợ lên khoảng 1,166 triệu tỉ đồng.
Ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (Q.5, TP.HCM), cho biết nhu cầu vay của tiểu thương hiện nay tăng cao do chuẩn bị hàng hoá sản xuất kinh doanh vào dịp cuối năm. Vừa qua ban quản lý chợ có làm một cuộc khảo sát nhỏ về nhu cầu vay vốn của các tiểu thương tại chợ. Kết quả cho thấy, nhu cầu vay vốn của các tiểu thương đa số ở mức 300 – 500 triệu đồng, một số ít muốn vay 800 triệu – 1 tỉ đồng. Nguyện vọng họ muốn NH cho vay theo hình thức tín chấp.
“Để tránh trường hợp các đối tượng cho vay tín dụng đen tiếp cận tiểu thương tại chợ, ban quản lý chợ sẽ tăng cường công tác bảo vệ. Đồng thời phối hợp với các NH triển khai đặt các bàn cho vay tại chợ để tiểu thương dễ dàng tiếp cận vốn NH”, ông Đinh Hồ Duy Ngọc cho biết.
Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng nhiều NH đã triển khai tiếp cận đến tận chợ cho tiểu thương vay, nên thị trường tín dụng đen tại chợ bị thu hẹp lại. Vì vậy, những người cho vay nặng lãi bằng mọi cách tiếp cận tiểu thương. Cạnh tranh của loại hình này là nhanh, ít thủ tục nhưng lãi suất gấp 3 – 5 lần so với lãi suất NH. Đặc biệt, dù thủ tục cho vay không cần tài sản thế chấp nhưng khi người vay không trả được nợ, ngay lập tức bị “gí”, “khủng bố” và có khi dẫn đến “siết nhà”.
TIN LIÊN QUAN
Túng thiếu, phải đi vay mượn ở các băng nhóm giang hồ, không ít người bị sa chân vào vòng xoáy ‘tín dụng đen’ không lối thoát.
Thanh Xuân