TP.HCM còn dư địa cho vay 100.000 tỉ đồng
Trong những tháng tới, TP.HCM còn dư địa cho vay 100.000 tỉ đồng, tương đương mức tăng tín dụng khoảng 6% nên không có chuyện thiếu vốn cho doanh nghiệp làm ăn cuối năm.
TP.HCM còn dư địa cho vay 100.000 tỉ đồng.
Trong những tháng tới, TP.HCM còn dư địa cho vay 100.000 tỉ đồng, tương đương mức tăng tín dụng khoảng 6% nên không có chuyện thiếu vốn cho doanh nghiệp làm ăn cuối năm.
Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước, đã khẳng định như trên tại hội thảo Nâng cao hiệu quả kết nối NH – doanh nghiệp (DN), diễn ra chiều 19-10.
Tuy nhiên, ông Tú đặt câu hỏi: Vì sao các NH nói không cho vay được trong khi nhiều DN kêu khó tiếp cận vốn?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Phước Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội DN TP, cho biết kết quả khảo sát của hiệp hội cho thấy có trên 50% DN nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được vốn vay do thiếu tài sản đảm bảo, tài sản được định giá không đúng, số liệu tài chính chưa đáp ứng… “Đây chính là nút thắt lớn mà nếu tháo gỡ được, DN nhỏ sẽ phát triển nhanh” – ông Hưng nói.
Theo ông Trần Việt Anh – chủ tịch Hội DN Q.Thủ Đức (TP.HCM), nhiều DN Trung Quốc và Thái Lan bắt đầu sang tìm đất mở nhà máy tại VN. Do vậy, các DN trong nước phải đầu tư, mở rộng để cạnh tranh nhưng lãi suất vay vốn trung dài hạn còn cao, lên đến 8-10%/năm, nên DN ngại vay.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, thừa nhận dù có cơ chế nhưng các NH chỉ cho vay tín chấp với các DN đã có mối quan hệ tín dụng từ trước và được xếp hạng nội bộ cao…
“Nếu DN có khó khăn về tiếp cận vốn, về tài sản thế chấp, có thể căn cứ vào quy chế để thỏa thuận với NH. Trường hợp NH cố tình khó dễ, DN nên phản ảnh về đường dây nóng. NH Nhà nước sẽ tác động đến các NH, đồng thời giữ bí mật thông tin của DN” – ông Minh nói.
Theo bà Trương Thị Thúy Nga – phó tổng giám đốc Vietcombank, DN nên minh bạch hơn trong các báo cáo để tạo cơ sở cho NH cho vay. Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ cần tư duy báo cáo sao cho trung thực và tôn trọng kỷ luật tài chính để tạo niềm tin cho NH. “Trong giai đoạn khó khăn, có những DN nổi lên và NH đã cùng DN hoạch định tầm nhìn, giải ngân được những gói lớn” – bà Nga khẳng định.
Cũng theo bà Nga, nên nghiên cứu để có giải pháp mới hơn cho DN nhỏ và vừa, thông qua cơ chế quỹ bảo lãnh.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch cho rằng không thể bắt các NH phải lo vốn tín chấp cho các DN nhỏ mà Nhà nước cần xây dựng lại đúng nghĩa quỹ bảo lãnh tín dụng để tổ chức này thực hiện chức năng của mình.
Ông Đào Minh Tú cũng cho biết có DN phản ảnh rằng không tiếp cận được vốn nhưng khi tìm hiểu thực tế, việc NH từ chối cho vay là do DN chơi không đẹp, có dòng tiền về lại lén rút ra gửi NH khác để nhận lãi suất cao hơn.
“Tín dụng không phải là cấp phát an sinh xã hội, cho vay là phải có điều kiện” – ông Tú nói, đồng thời cho rằng nhiều DN chủ yếu dựa vào vốn NH bởi vốn tự có rất ít nên rất rủi ro.
Ông Đào Minh Tú (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước): Quản chặt cho vay lĩnh vực rủi ro Chưa bao giờ cơ chế tín dụng mở như hiện tại, dù nguy cơ nợ xấu vẫn tiềm ẩn. Để chặn nguy cơ nợ xấu tăng, tới đây NH Nhà nước sẽ quản lý chặt những lĩnh vực rủi ro như cho vay bất động sản, cũng như giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình. Thời gian tới, NH Nhà nước sẽ siết hoạt động cho vay ngoại tệ nhằm ngăn chặn hiện tượng DN lợi dụng, đồng thời chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ khi các điều kiện phù hợp. |