10/01/2025

Người Ấn vất vả tìm việc làm

Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới vào năm 2022. Với 65% dân số đang trong độ tuổi lao động, New Dehli đang gặp nhiều áp lực trong tạo công ăn việc làm cho lực lượng đông đảo này.

 

Người Ấn vất vả tìm việc làm.

Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới vào năm 2022. Với 65% dân số đang trong độ tuổi lao động, New Dehli đang gặp nhiều áp lực trong tạo công ăn việc làm cho lực lượng đông đảo này.

 

Người Ấn vất vả tìm việc làm - Ảnh 1.

Công nhân trên công trường xây dựng ở Ấn Độ – Ảnh: REUTERS

Lao động trẻ và rẻ được coi là vũ khí bí mật của nền kinh tế Ấn Độ, nhất là trong thời điểm nhiều nước đang đối mặt với tình trạng dân số già. 

Tuy nhiên, “lợi tức dân số” (lợi ích có được từ biến đổi cơ cấu dân số) sẽ chỉ đến nếu nền kinh tế tạo ra đủ việc làm cho thanh niên.

Không đủ việc làm

Nhiều người Ấn Độ không lạ trước những thông tin trên báo chí như 19.000 hồ sơ tuyển dụng cho 114 việc làm; 75.000 hồ sơ cho 30 việc làm, trong đó có việc rót trà, nhiều người ứng tuyển là cử nhân, thạc sĩ…

 

Theo báo India Times, vấn đề thất nghiệp ở Ấn Độ từ sau năm 2016 sẽ trầm trọng thêm. Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ ra “số người thất nghiệp ở Ấn Độ là khoảng 17,8 triệu năm 2017 và năm 2018 là 18 triệu người”.

Nghiên cứu được thực hiện năm 2016 với 6.122 thanh niên từ 15-34 tuổi ở 19 bang tại Ấn Độ của Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội New Delhi (CSDS) phối hợp cùng Tổ chức Konrad Adenauer Stiftung (KAS) cho thấy 18% số người được hỏi thừa nhận thất nghiệp là vấn đề lớn nhất của Ấn Độ, trong khi 12% cho biết họ quan tâm tới chuyện nghèo đói và bất bình đẳng. Hơn 70% nói họ lo lắng về tình hình công việc.

Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) nhận định số việc làm được tạo ra và số người lao động có việc làm tại Ấn Độ không tương xứng với sự phát triển kinh tế. 

Một bài báo trên tờ Wall Street Journal cho biết trong khi lực lượng lao động Ấn Độ tăng 12 triệu mỗi năm, chỉ có 5,5 triệu việc làm mới được tạo ra.

Nguyên nhân một phần là vì những ngành nghề thu hút nhiều lao động như sản xuất và xây dựng đang gặp khó khăn, một phần khác là do hiệu quả làm việc được tăng lên, số lao động cần để hoàn thành cùng một khối lượng công việc giảm đi. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở những lĩnh vực không cần lao động lành nghề.

Thanh niên “ba không”

Khoảng 30% thanh niên trong độ tuổi từ 15-29 ở Ấn Độ thuộc nhóm “ba không”: không có việc làm, không tham gia đào tạo chính quy hoặc học nghề.

 

Số thanh niên “ba không” của Ấn Độ nhiều gấp đôi so với trung bình của các nước thành viên OECD và gần gấp ba Trung Quốc.

Nỗ lực giải bài toán việc làm

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ cũng đã tìm nhiều cách để giải quyết tình trạng này. Một trong số các nỗ lực đó là Luật bảo đảm việc làm nông thôn Mahatma Gandhi, đảm bảo 100 ngày làm việc mỗi năm cho mọi người lao động ở nông thôn mà không cần kỹ năng.

Chương trình Skill India (Kỹ năng Ấn Độ) do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra năm 2015 đặt mục tiêu đến năm 2022 đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho 400 triệu người (dân số Ấn Độ năm 2016 khoảng hơn 1,3 tỉ người). 

Năm 2016, cũng chính Thủ tướng Modi đề ra sáng kiến khuyến khích khởi nghiệp trong thanh niên với nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, báo India Times lại cảnh báo chính sách khởi nghiệp chưa chắc đảm bảo tạo ra nhiều việc làm mới.

Một bài viết trên Quartz mới đây đưa ra gợi ý để giải bài toán việc làm cho thanh niên tại Ấn Độ: (1) đầu tư cho giáo dục và dạy nghề và (2) hợp tác giữa hai khối công – tư.

Về giáo dục, hệ thống viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục phải thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường tương tự ở các nước Âu – Mỹ. 

Ngành giáo dục cần xác định mục tiêu học đi đôi với hành, có các khoá học đáp ứng nhu cầu của các thị trường lao động cụ thể cả về chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng mềm, và sau đó người lao động tiếp tục học hỏi từ thực tế và đào tạo tại chỗ.

Về hợp tác kinh tế công – tư: các ngành khác nhau cần ngồi lại để khai thác các cơ hội mới và thúc đẩy hợp tác dung hoà lợi ích xã hội với việc kinh doanh bằng các dự án cụ thể như: chính quyền đặt hàng các công ty công nghệ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính điện tử (giấy khai sinh, biểu mẫu…).

Đau đầu với chất lượng nguồn nhân lực

Ở Ấn Độ, giáo dục chất lượng cao chỉ đến với một số ít, còn giáo dục trung học cơ sở thì kém chất lượng với tỉ lệ bỏ học cao. Điều tra dân số năm 2015 cho thấy tỉ lệ mù chữ ở Ấn Độ là gần 37%.

Chỉ 8,15% có trình độ cao đẳng, đại học hay cao hơn, đa số ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học nhưng nhóm này cũng gặp khó khăn trên thị trường lao động do trình độ tiếng Anh hạn chế và thiếu kỹ năng mềm.

 

HỒNG VÂN