29/11/2024

Dự án BT: Mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng

Hàng loạt những bất cập, hạn chế trong hình thức đầu tư BT đã được nêu ra tại hội thảo “Cơ chế đầu tư BT – Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức hôm 19-10.

 

Dự án BT: Mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.

 

Hàng loạt những bất cập, hạn chế trong hình thức đầu tư BT đã được nêu ra tại hội thảo “Cơ chế đầu tư BT – Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức hôm 19-10.


Dự án BT: Mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng - Ảnh 1.

Sau khi xây dựng tuyến đường trục phía bắc Hà Đông (dài hơn 5km, tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài), Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường được Hà Nội giao 197ha đất để nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) – Ảnh: TRẦN CÔNG ĐẠT

Hầu hết dự án BT đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu, không qua đấu giá. Đến khi giao đất cho nhà đầu tư, địa phương cũng không đấu giá quyền sử dụng đất. Đất lại được giao ngay sau khi phê duyệt dự án, gây thất thoát rất lớn cho ngân sách và là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực.

Hàng loạt những bất cập, hạn chế trong hình thức đầu tư BT đã được nêu ra tại hội thảo “Cơ chế đầu tư BT – Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức hôm 19-10.

Tại hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết việc thu hút nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng qua hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (gọi tắt là BT) được nhiều địa phương triển khai. 

Hình thức thanh toán chi phí đầu tư cho dự án là Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư. 

 

Do đó, hình thức này còn được gọi là đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này đang bị méo mó, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa của địa phương.

Hình thức đầu tư này đang bị méo mó, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa của địa phương
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Doanh nghiệp vẽ đường cho chính quyền

Trao đổi bên lề hội thảo, TS Phạm Quang Tú – chuyên gia Tổ chức Oxfam Việt Nam – nhận định hầu hết các chủ đầu tư xây dựng dự án BT là ông chủ kinh doanh bất động sản.

Vì thế mục đích để họ đầu tư dự án BT chỉ là vì đất. Bởi sau khi đầu tư làm con đường, hầu hết doanh nghiệp được địa phương giao cho chính quỹ đất ở hai bên con đường đó. 

Ngay sau khi nhận đất, rất nhiều mảnh đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất đô thị, đất ở để xây chung cư. 

Chính cơ chế lỏng lẻo, những lỗ hổng hiện nay khiến việc triển khai dự án BT là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Cụ thể, ông Tú phân tích có đến hơn 90% dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu, dù chính sách có quy định cả hình thức đấu thầu công khai. 

“Cơ chế chỉ định thầu là cơ chế xin – cho. Thực tế, chủ đầu tư dự án BT không có thế mạnh về xây dựng đường sá, nhưng thông thường nhiều dự án là sáng kiến của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẽ đường cho chính quyền chứ không phải chính quyền đặt hàng cho doanh nghiệp tham gia dự án BT”.

Cùng quan điểm với ông Tú, bà Trương Hải Yến – phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước – bổ sung thêm lỗ hổng thứ hai là quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án còn bất cập, không rõ ràng. 

Trên thực tế, qua kiểm toán cho thấy hầu hết các dự án BT được giao đất ngay sau khi dự án được phê duyệt, khiến giá đất rất thấp. 

Mặt khác, khi giao đất, địa phương lại không đấu giá quyền sử dụng đất nên dẫn đến có lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – phó giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước – cho biết tháng 1-2008, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường khởi công xây dựng tuyến đường trục phía bắc Hà Đông (dài hơn 5km, tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài) với tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng. 

Cùng năm này, Hà Nội đã bố trí hơn 197ha để nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng là khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). 

Tại thời điểm bàn giao quỹ đất, cơ quan chức năng áp giá đất với nhà đầu tư chỉ khoảng 8,5 triệu đồng/m2. 

Tuy nhiên, sau khi tuyến đường trục phía bắc Hà Đông được hoàn thành, giá đất tại đây đã vọt lên tới 30-40 triệu đồng/m2.

Qua thực tiễn nhiều dự án không nằm trong quy hoạch, chưa xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và xã hội mà trước hết nhằm phục vụ lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích nhóm. 

Chính vì thế theo ông Tú, đã mang lại quá nhiều lợi ích cho nhà đầu tư và có cả lợi ích cho cá nhân những người làm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Dự án BT: Mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng - Ảnh 3.

Sau khi xây dựng tuyến đường trục phía bắc Hà Đông, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường được Hà Nội giao cho 197ha đất để nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) – Ảnh: TRẦN CÔNG ĐẠT

Phải đấu thầu chọn nhà đầu tư

PGS.TS Đặng Văn Thanh – chuyên gia kế toán, kiểm toán – đề nghị cần phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn để ngăn chặn lợi ích nhóm giữa cơ quan quyền lực với doanh nghiệp thực hiện dự án BT. 

Cụ thể dự án BT phải đấu thầu chứ không có chuyện chỉ định thầu trong việc chọn nhà đầu tư. Chỉ như vậy mới chọn được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực đầu tư hạ tầng. 

Mặt khác, chính quyền địa phương phải đặt hàng, xây dựng chủ trương đầu tư, tổ chức đấu giá, đấu thầu, đưa ra yêu cầu, đơn hàng cho dự án chứ không thể để nhà đầu tư giành thế chủ động như lâu nay.

Ngoài ra, ông Tú còn đề xuất chỉ nên triển khai dự án BT tại những địa phương có điều kiện khó khăn. 

Ngược lại phải chấm dứt đầu tư bằng hình thức này tại những địa phương khá giả như Hà Nội, TP.HCM… 

Bởi theo ông Tú, BT là một hình thức đầu tư công, mà đã đầu tư công thì phải đầu tư vào những dự án quan trọng, cấp thiết. 

Hiện tại phần lớn các đô thị đã phát triển rồi thì mức độ thiết yếu có giảm bớt. 

Ngoài ra, ngân sách các địa phương khá giả, phát triển thì Nhà nước đầu tư làm đường sá, sau đó đất hai bên dự án tăng lên thì tổ chức bán đất đó để thu tiền về. Chắc chắn tiền thu được sẽ nhiều hơn là giao cho nhà đầu tư như lâu nay.

Hà Nội có 15 dự án BT thì 14 dự án chỉ định thầu

Giữa tháng 7-2017, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn TP Hà Nội.

Kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2008 – 2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án theo quy định.

Điều này khiến các thông tin cần thiết về chủ trương, các lĩnh vực, dự án cần kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Thực tế, tại thời điểm thanh tra, trong 15 dự án theo hình thức hợp đồng BT thì chỉ có 1 dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.

LÂM HOÀI

Kiểm toán Nhà nước cho biết qua kiểm toán 22 dự án BT trong thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gồm thu hồi nộp ngân sách, giảm quyết toán trên 3.815 tỉ đồng đối với 21 dự án.

Điều đáng nói là tỉ lệ kiến nghị xử lý rất lớn, tương đương 12,5% giá trị được kiểm toán.

Ông Hồ Đức Phớc lo ngại gần đây việc rầm rộ xây dựng các dự án BT nóng trở lại. Do đó, rất cần thiết phải tăng cường kiểm toán các dự án BT để ngăn chặn thất thoát, lãng phí vì thấy rõ có lợi ích nhóm ở đây.

LÊ THANH