28/11/2024

Lo giá điện tăng khi dừng thị trường phát điện cạnh tranh

Các chuyên gia lo ngại giá điện sẽ chịu áp lực tăng khi thị trường phát điện cạnh tranh bị tạm dừng vì mua giá điện khí cao thay cho thuỷ điện giá rẻ.

 

Lo giá điện tăng khi dừng thị trường phát điện cạnh tranh.

 

Các chuyên gia lo ngại giá điện sẽ chịu áp lực tăng khi thị trường phát điện cạnh tranh bị tạm dừng vì mua giá điện khí cao thay cho thuỷ điện giá rẻ.


Lo giá điện tăng khi dừng thị trường phát điện cạnh tranh - Ảnh 1.

Việc ưu tiên các nhà máy điện khí chào giá cao đương nhiên sẽ ít nhiều tác động đến giá điện… Việc ưu tiên giá cao vào thị trường là không đúng theo quy luật cạnh tranh tự nhiên

Ông Trần Đình Long

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng Việt Nam, cho rằng hiện chưa đến mức phải tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh, bởi các yếu tố tham gia thị trường chưa đến mức “bất thường”.

Lo áp lực giá điện tăng

“Tại sao lại dừng chỉ để ưu tiên cho một số nhà máy điện khí với tỉ lệ nhỏ. Nguyên tắc thị trường là giá nào rẻ thì cho chạy trước, chứ không thể ưu tiên nhà máy giá thành cao chen vào. Như thế chưa được thoả đáng lắm. Trước khi tạm dừng thị trường, cần nghiên cứu và phân tích các tác động lợi, hại rất cụ thể, chứ không thể dừng đột ngột”, ông Duệ nêu quan điểm.

Một chuyên gia lâu năm ngành điện từng nghiên cứu xây dựng thị trường điện cạnh tranh (đề nghị không nêu tên) cũng không đồng tình với lý do Bộ Công thương đưa ra. 

Theo vị này, hiện hệ thống thuỷ điện có thuỷ văn tốt, nên đây là lúc cần huy động phát điện tối đa, tận dụng giá điện rẻ, không thể nói do diễn biến bất thường. 

 
 

Việc thuỷ điện chào giá cao, không được huy động dẫn đến phải xả nước không qua tuôcbin, họ có thể ngay ngày hôm sau điều chỉnh lại, không cần quá lo cho họ.

Việc Bộ Công thương lấy lý do dừng cả thị trường phát điện cạnh tranh vì cần khai thác nhiệt điện khí trong bao tiêu theo vị này là không hợp lý.

Vì khi làm hợp đồng mua bán điện đã tính các trường hợp từng năm sử dụng bao nhiêu khí, chứ không phải giờ thấy chưa tiêu được hết thì phải bao tiêu.

Thị trường phát điện cạnh tranh là một bước trong lộ trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh. Tại giai đoạn phát điện cạnh tranh, các nhà máy phải chào giá và được huy động giá thấp trước.

Vì vậy, vị chuyên gia đề nghị không nêu tên trên cho biết các nhà máy khí miền Nam chủ yếu có công nghệ hỗn hợp (tuôcbin khí và hơi), có suất đầu tư cao, chi phí vận hành bảo dưỡng cao, đặc biệt là yếu tố nguyên liệu (giá khí) hợp đồng cũng cao.

Do đó, việc ưu tiên huy động nhiệt điện khí sẽ làm chi phí giá thành tăng.

Giáo sư Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cũng cho rằng việc ưu tiên các nhà máy điện khí chào giá cao đương nhiên sẽ ít nhiều tác động đến giá điện.

Ông Long cho rằng xét trên bình diện chung về điều hành vĩ mô, cơ quan nhà nước có thể tính toán để can thiệp vào thị trường, chứ không đơn thuần chỉ xét các yếu tố kỹ thuật.

Trong khi quy định ưu tiên giá thấp trước và giá cao sau, việc ưu tiên điện giá cao vào thị trường, theo ông Long, là không đúng theo quy luật cạnh tranh tự nhiên, ảnh hưởng đến giá thành chung mà người tiêu dùng điện phải trả.

Tạm dừng do… khẩn cấp?

Trả lời Tuổi Trẻ về quyết định tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương, cho biết việc tạm ngừng thị trường phát điện cạnh tranh xuất phát từ cả phía cung và phía cầu.

Theo ông Tuấn, trong tám tháng đầu năm 2017, nhu cầu điện chỉ tăng trưởng khoảng 8,5%, thấp hơn so với kế hoạch. Trong khi đó, các nhà máy thuỷ điện đều đã được huy động tối đa. 

Ông Tuấn công nhận thị trường phát điện cạnh tranh còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, nên các nhà máy thuỷ điện nộp bản chào giá trước một ngày. Và đã xảy ra trường hợp một vài nhà máy điện phải xả nước không qua phát điện do chào giá cao…

Ông Tuấn cũng cho biết việc tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh là để xử lý các tình huống khẩn cấp, và đặc biệt ông cho rằng điều này sẽ… không ảnh hưởng đến việc thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện. 

1

Tại một nhà máy đã tham gia thị trường phát điện cạnh tranh – Ảnh: TRUNG HÀ

Không nêu thời gian cụ thể sẽ vận hành thị trường trở lại, nhưng Bộ Công thương cho biết sau khi khắc phục được một số yếu tố khiến phải tạm dừng thị trường, bộ sẽ cho vận hành lại thị trường phát điện cạnh tranh.

Bộ này khẳng định đã và đang chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các đơn vị phát điện và các đơn vị liên quan bám sát tình hình thuỷ văn các nhà máy thuỷ điện, công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc – Nam, tình hình huy động các nhà máy tuôcbin khí… để có quyết định kịp thời khôi phục sớm nhất có thể thị trường phát điện cạnh tranh.

NGỌC AN