11/01/2025

Heo miền Tây đeo xuất xứ miền Đông

Tại buổi họp báo về đề án truy xuất thịt heo, do Sở Công thương TP.HCM tổ chức vào hôm qua 18.10, ông Tsàn A Sìn, Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, đã phản ánh thực trạng trên.

 

Heo miền Tây đeo xuất xứ miền Đông.

Tại buổi họp báo về đề án truy xuất thịt heo, do Sở Công thương TP.HCM tổ chức vào hôm qua 18.10, ông Tsàn A Sìn, Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, đã phản ánh thực trạng trên.

 

 

 

 

Thịt heo nhập vào chợ đầu mối Hóc Môn /// Ảnh: Ngọc Dương

Thịt heo nhập vào chợ đầu mối Hóc MônẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nhiều tỉnh chưa hợp tác tốt
Số liệu thống kê sau 3 ngày ra quân của Sở Công thương tại các chợ đầu mối cho thấy tỷ lệ heo có đầy đủ thông tin truy xuất vào chợ đầu mối Hóc Môn từ ngày 16 – 18.10 lần lượt đạt 22%, 51% và 76%.
Riêng tại chợ đầu mối Bình Điền có tỷ lệ cực thấp, từ 0% ngày đầu ra quân lên 4% và 6% ngày 18.10. Hiện mỗi đêm số lượng heo nhập vào chợ đầu mối Bình Điền là hơn 3.000 con (lấy tròn số) và vào chợ đầu mối Hóc Môn là 5.000 con. 



5 bước kích hoạt thông tin truy xuất gồm:
– Kích hoạt đầu tiên từ các trang trại, cơ sở chăn nuôi.
– Cán bộ thú y kích hoạt trước khi xuất heo ra khỏi cơ sở chăn nuôi.
– Cán bộ thú y tại các cơ sở giết mổ kích hoạt cho nhập heo vào lò giết mổ.
– Chủ lò mổ xác nhận kích hoạt thông tin đã giết mổ con heo đó.
– Cán bộ thú ý kiểm tra lần cuối trước khi đưa heo ra chợ đầu mối.



Lý giải về việc số thịt heo vào chợ Bình Điền có tỷ lệ thông tin truy xuất quá thấp, ông Tsàn A Sìn cho rằng nguồn heo về chợ Bình Điền chủ yếu ở miền Tây gồm các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, từ các hộ nuôi nhỏ lẻ. Nhiều hộ chăn nuôi tại Bến Tre không có, thậm chí không biết mã code gắn cho heo, không mua được vòng nhận diện để đeo cho heo.
“Để hợp thức hóa yêu cầu của đề án, một số thương lái về miền Tây gom heo ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lại mua vòng kích hoạt heo ở miền Đông Nam bộ để đeo vào đem đi mổ bán. Thế nên, có không ít heo nuôi ở miền Tây Nam bộ lại được gắn mác xuất xứ từ miền Đông Nam bộ để đối phó”, ông Tsàn A Sìn thông tin.
Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết thêm những hộ nông dân tại các vùng sâu xa trên địa bàn miền Tây Nam bộ không có internet để kích hoạt phần mềm truy xuất, cũng không được tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm này. Một điều cực kỳ quan trọng, theo ông Tsàn A Sìn, là chính sự phối hợp của một số lò mổ tại Long An với đề án cũng chưa tốt. Các chủ lò không kích hoạt xác nhận heo đã mổ tại lò, thú y tại các lò mổ tỉnh vẫn chưa tuân thủ việc kích hoạt thông tin đầu heo vào và xuất khỏi lò đến chợ…
Đồng ý với thông tin này, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết ngay chiều 17.10, ông và tổ công tác đã trực tiếp đến làm việc tại 2 lò giết mổ ở Long An mà chợ Bình Điền đã phản ánh. Qua kiểm tra trên máy chủ thấy toàn bộ heo mổ đưa vào chợ Hóc Môn được cơ sở này kích hoạt đầy đủ, nhưng số heo vào chợ Bình Điền thì không được kích hoạt.
Còn chờ “giờ G của giờ G”
Theo ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Quản lý chợ Hóc Môn, ban quản lý chợ đã phát cam kết, buộc thương nhân tại chợ Hóc Môn phải ký cam kết tuân thủ quy định về xuất xứ heo. Nếu sau 3 ngày vẫn còn vi phạm, sẽ cấm đưa hàng vào chợ luôn. “Thời điểm sắp tới có thể coi như “giờ G của G”. Khi tỷ lệ vi phạm còn cao, chúng tôi chọn giải pháp hoặc kêu gọi, răn đe bằng phạt cho đưa thịt vào chợ chậm hơn, chờ lập biên bản. Chúng tôi có kế hoạch, khi tỷ lệ vi phạm này xuống 5 – 10%, sẽ xin ý kiến TP, cấm đưa hàng vào chợ luôn. Có như vậy mới dẹp loạn được thịt không có nguồn gốc truy xuất”, ông Tiển khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà thừa nhận việc triển khai đề án này ngay từ đầu tổ công tác xác định là việc không dễ làm. Điều kiện cần là thương nhân nhận ra tầm quan trọng của việc truy xuất, nếu không chấp hành họ không bán được hàng. Song điều kiện đủ là phải siết quản lý và ra thời hạn cụ thể. Ông Hoà cũng tự đưa ra thời hạn cho chính Sở là đến cuối tháng 10 sẽ có báo cáo khả quan hơn cho tình trạng truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám vừa có ý kiến chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ. Theo đó, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm soát giết mổ tại các lò mổ. Tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc an thần, đảm bảo sử dụng đúng mục đích. Thẩm định và chỉ định phòng kiểm nghiệm đối với chất Acepromazine tồn dư trên thịt, nước tiểu và máu để phục vụ công tác xử lý vi phạm.
Chí Nhân

 

Nguyên Nga