Xăng E5, vì sao khó bán?
Đến thời điểm này thực tế thị trường cho thấy cả người tiêu dùng và bán lẻ đều không ‘mặn’ với xăng sinh học E5.
Xăng E5, vì sao khó bán?
Đến thời điểm này thực tế thị trường cho thấy cả người tiêu dùng và bán lẻ đều không ‘mặn’ với xăng sinh học E5.
|
Báo cáo tại hội thảo, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học dẫn tính toán của Bộ Công thương cho hay, để thực hiện chủ trương này, trong năm 2018, cả nước sẽ cần khoảng 5,5 triệu m3 xăng E5, tương đương cần 275.000 m3 E100 để phối trộn. Với công suất thiết kế từ 6 nhà máy nhiên liệu sinh học hiện tại (gồm Nhà máy cồn Đồng Nai, Nhà máy cồn Quảng Nam, Nhà máy cồn Dung Quất, Nhà máy cồn Bình Phước, Nhà máy cồn Kon Tum và Nhà máy cồn Đại Việt) có thể cung cấp 520.800 m3/năm. Trong đó, nếu lấy thời điểm 1.1.2018 làm mốc thì chắc chắn có 4 nhà máy cồn có thể cung cấp được E100 (gồm Đồng Nai, Quảng Nam, Dung Quất và Bình Phước) với tổng công suất thực là 384.000 m3/năm. Như vậy, nhu cầu E100 để phối trộn là hoàn toàn đảm bảo được.
Phù hợp với các loại động cơ xăng
Ở góc nhìn của người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN, cho rằng xăng khoáng là nhiên liệu truyền thống, đã được kiểm nghiệm qua thời gian và thói quen người dân. Trong khi hiểu biết của người dân với xăng E5 còn hạn chế nên việc thay đổi thói quen là một thách thức. Cùng với đó, nhiều người tiêu dùng còn băn khoăn xăng E5 có gây hại cho động cơ và gây ra các tác động không mong muốn…
Giải đáp thắc mắc của ông Hùng, PGS Phạm Hữu Tuyến, Viện Cơ khí động lực (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết ông và các đồng sự đã có nhiều thử nghiệm trên cả xe ô tô lẫn xe máy, ở từng loại gia tốc khác nhau, trong tình trạng có tải, không tải… Kết quả thử nghiệm cho thấy nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể dùng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở VN mà không cần phải thay đổi kết cấu hay vật liệu chi tiết. |
Tiêu thụ kém vì ít tuyên truyền
Chiều 17.10, quan sát tại một số cây xăng có bán xăng E5 trên địa bàn TP.HCM cho thấy, đa số cả người bán lẫn người mua đều không “mặn” với sản phẩm này.
Tại cây xăng trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), dù trời mưa lớn nhưng cả 20 lượt người vào đổ xăng tại đây lúc khoảng 14 giờ không có ai mua E5. Chị Phan Minh Hà, đang đổ xăng cho xe máy, cho biết chị từng “đổ thử” xăng E5 đôi ba lần, nhưng sau nghe bạn bè nói xe máy không nên dùng nhiều loại xăng sẽ nhanh hỏng nên ngưng. “Không phải cây xăng nào cũng có xăng E5 nên thôi không thử nữa, vì đổ lẫn lộn các thứ tôi nghĩ không tốt”, chị Hà nói. Còn tại một cửa hàng xăng trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10), nhân viên cây xăng tên Tuấn cho biết: “Số người mua xăng E5 trong một ngày chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không có thói quen hoặc họ không biết có sản phẩm đó hay sao mà không nghe ai hỏi để mua”.
Ngoài thói quen, giá xăng E5 cũng được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Tại cây xăng trên đường Lý Thường Kiệt, anh Nguyễn Tuấn Long, chạy Grabbike, nhận xét: “Trong khi chất lượng xăng E5 vẫn còn quá nhiều thông tin về tính an toàn cho máy móc, thì giá xăng E5 thực sự chưa hấp dẫn lắm. Chỉ rẻ hơn vài trăm đồng chưa đủ để người tiêu dùng “đánh đổi” chuyển qua sử dụng một sản phẩm như vậy”. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, giá xăng A92-E5 bán tại cây xăng trên đường Bùi Thị Xuân là 17.730 đồng/lít trong khi giá xăng A92 là 17.990 đồng/lít, chênh nhau chỉ 260 đồng.
Theo chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng (Pháp), tại Pháp và nhiều nước phát triển châu Âu, Mỹ, hiện đã triển khai xăng sinh học E10. “Trong khi các nước phát triển và các hãng xe lớn đã nghiên cứu và khẳng định xăng E10 vẫn còn an toàn thì E5 không có gì để bàn. Xu hướng của thế giới là tiến đến hạn chế tối đa sử dụng nhiên liệu khai thác từ thiên nhiên, xe điện được coi là tương lai, thế nên giảm chi phí nhiên liệu lúc này là điều cần thiết. Hiện tại, giá thành một lít cồn tinh rẻ hơn giá thành một lít xăng. Nhưng dường như công tác triển khai sử dụng xăng E5 chỉ bằng mệnh lệnh hành chính chứ chưa chú trọng tuyên truyền cho người dân hiểu rõ”, ông Đồng nói, đồng thời khuyến cáo người sử dụng lưu ý không nên tích tụ xăng E5 quá lâu trong xe để đề phòng thành phần ethanol hút ẩm trong không khí gây nên hiện tượng tách lớp nước trong nhiên liệu, khó khởi động máy.
Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng – PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nhìn nhận xét từ nhiều góc độ khác nhau thì việc bước đầu đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng cho xe cơ giới sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đầu tiên là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm hiệu ứng nhà kính do độ phát thải khí thấp hơn so với khi sử dụng các loại xăng truyền thống. “Tuy nhiên, muốn người dân hưởng ứng chủ trương này thì đặt ra bài toán đối với công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi. Nếu chỉ đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ mà “quên” đầu tư cho truyền thông, phổ biến khoa học thường thức thì chắc chắn không tạo được sự hưởng ứng tích cực từ dân chúng”, ông Ninh nhấn mạnh.
Nguyên Nga
|
Chí Hiếu