11/01/2025

Bị cấm vận, Triều Tiên buôn bán ra sao?

Hong Kong chính là nơi tập trung các công ty bình phong để CHDCND Triều Tiên làm ăn và né tránh trừng phạt quốc tế.

 

Bị cấm vận, Triều Tiên buôn bán ra sao?

Hong Kong chính là nơi tập trung các công ty bình phong để CHDCND Triều Tiên làm ăn và né tránh trừng phạt quốc tế.

 

CNN tìm đến địa chỉ ở Hong Kong của Unaforte Limited, một công ty bị Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách các công ty vi phạm trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên. 

Tuy nhiên tại phòng 2103 trên tầng 21 của tòa nhà Easey, đó lại là một công ty hoàn toàn khác và nhân viên công ty này khẳng định chưa từng nghe nói về Unaforte.

“Đất lành” Hong Kong

Hong Kong là một trong hai nơi tập trung các công ty bình phong của Bình Nhưỡng, điểm thứ hai là British Virgin Islands, theo điều phối viên Hugh Griffiths của Ban chuyên gia về Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát thực thi cấm vận đối với nước này.

 

“Không có gì ngạc nhiên khi Hong Kong nổi bật trong báo cáo của chúng tôi – ông Griffiths nói – Đó là trung tâm tài chính quốc tế lớn gần với Triều Tiên nhất… Trước nay, đó cũng là trung tâm thương mại của thế giới và có quy định lỏng hơn Bắc Kinh”.

Truy tìm trong dữ liệu của Hong Kong về Unaforte, điều tra của CNN chỉ tìm thấy một cái tên có hộ chiếu của Dominica nhưng không có số điện thoại. 

Việc đăng ký thành lập một công ty ở Hong Kong chỉ cần có một giám đốc và một thư ký (có thể là một người hoặc một công ty đặt tại đặc khu). 

Công ty mới thành lập phải đặt tại Hong Kong nhưng được phép chia sẻ văn phòng với công ty thư ký.

Do đó, Hong Kong có vô số công ty dịch vụ thư ký để hỗ trợ các khách hàng nước ngoài. Prolive Consultants, công ty thư ký của Unaforte, khi được hỏi về khách hàng bí ẩn của mình chỉ trả lời họ “không can thiệp vào chuyện làm ăn của khách hàng”.

“Việc này, dù hợp pháp nhưng đã để cho Triều Tiên nguỵ trang danh tính và quốc tịch, thực sự ai đứng sau các công ty đăng ký này?” – ông Griffiths đặt câu hỏi. 

C4ADS, một công ty phân tích an ninh tại Mỹ, xác định có tới hơn 160 công ty bình phong của Bình Nhưỡng trong báo cáo năm ngoái.

Còn Sayari Analytics, công ty chuyên theo dõi liên hệ giữa các công ty, xác định hơn 100 công ty tại Hong Kong dính líu đến các doanh nghiệp của Triều Tiên đang chịu cấm vận.

Đường đi của hàng, tiền

Năm 2016, Washington đã điểm mặt Công ty Trung Quốc Dandong Hongxiang Industrial Development (DHID) có dính líu đến Triều Tiên sau khi phát hiện giao dịch mua bán đường tinh luyện trị giá hơn 6 triệu USD của Bình Nhưỡng. 

Để mua số hàng này, Triều Tiên đã đánh một vòng rất lớn từ công ty Trung Quốc, qua một ngân hàng, một công ty của Canada.

Những công ty như DHID và Unaforte làm ăn bằng USD, nghĩa là những giao dịch của họ sẽ đi qua Mỹ và lọt vào tầm ngắm của Washington. 

Theo báo cáo của chuyên gia Anthony Ruggiero trình bày trước Quốc hội Mỹ, để tránh sự để ý của Washington, Bình Nhưỡng đã sử dụng cơ chế sổ cái tín dụng để ẩn nấp sau các giao dịch. 

Theo đó, khi mua bán với công ty Trung Quốc, số tiền thanh toán cho Bình Nhưỡng sẽ được công ty Trung Quốc giữ lại như một hình thức “tín dụng” và Bình Nhưỡng có thể đổi tín dụng lấy các mặt hàng khác. Mỗi bên sẽ giữ một sổ cái theo dõi chi tiêu. 

Để che giấu sự liên quan của Triều Tiên, các công ty Trung Quốc thường lập ra các công ty bình phong tại Trung Quốc hoặc các nơi khác.

DHID có 13 công ty bình phong tại Hong Kong, trong đó có bảy công ty nằm chung một địa chỉ ở Wan Chai, không xa địa chỉ của Công ty Unaforte. 

“Các công ty ở Hong Kong và Trung Quốc thường có liên hệ mật thiết, chẳng hạn có chung giám đốc hoặc chủ sở hữu, và hoạt động như là một phần mạng lưới hỗ trợ Triều Tiên – chuyên gia Jessica Knight của Công ty Sayari giải thích – Vì mạng lưới hỗ trợ Triều Tiên phần lớn đặt tại Trung Quốc nên không có gì ngạc nhiên khi mạng lưới này thường đi qua Hong Kong”.

Bình Nhưỡng bán những gì?

Theo trang Observatory of Economic Complexity, hoạt động xuất khẩu của Triều Tiên trong năm 2015 chủ yếu là xuất khẩu than (chiếm 34%), tiếp theo là quần áo và các mặt hàng như sắt, đồng, hải sản… và nhập khẩu vải, thiết bị điện tử, nhiên liệu, sản phẩm sắt thép, nhựa.

Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Bình Nhưỡng trong xuất khẩu lẫn nhập khẩu, tiếp theo là Ấn Độ, Nga, Pakistan, Philippines.

TRẦN PHƯƠNG