Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):
Cân nhắc mức phí, thời gian thu
Theo tôi, trong bối cảnh kẹt xe ở TP.HCM thì triển khai thu phí vào trung tâm TP là việc nên làm. Thế nhưng cần xem xét nhiều khía cạnh của đề án thu phí này là có hay không hiện tượng phí chồng phí?
Việc thu phí này liệu có làm tăng giá vận chuyển hàng hóa và hành khách và có làm giảm sức cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải so với các nước trong khu vực Đông Nam Á hay không?
Tôi cho rằng Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải TP cần xác định mức phí và thời gian thu phí để không ảnh hưởng đến giá cả dịch vụ.
Bên cạnh đó, ở dự án này cần phải tính đến những con đường cho người dân có nhu cầu đi ngang qua trung tâm TP chứ không vào trung tâm TP để họ không phải nộp phí. TP cũng cần phải tính đến những khu đất làm bãi đậu xe ở vòng ngoài khu trung tâm để người dân không đi xe vào trung tâm TP.
Ông Tạ Long Hỷ (chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM):
Hành khách sẽ phản ứng
Từ trước đến nay các hãng taxi ở TP đều xác định hành khách sẽ là người trả tiền phí bến bãi, trạm thu phí do các cơ quan, đơn vị nhà nước thiết lập và quy định.
Như vậy, việc hình thành khu vực thu phí ở trung tâm TP sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu của các hãng taxi. Tuy nhiên, sẽ có nhiều hệ quả khi thu phí vào trung tâm.
Chẳng hạn hành khách đi quãng đường ngắn từ bên ngoài vào trung tâm TP tốn 20.000 đồng mà nộp thêm tiền phí 30.000 đồng (phí taxi vào trung tâm) thì chắc họ sẽ phản ứng.
Hiện nay Sở Giao thông vận tải TP đã xếp loại hình taxi vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng. Vì vậy, Hiệp hội Taxi TP đề nghị không nên thu phí taxi vào trung tâm hoặc chỉ nên thu 50% mức phí là phù hợp.
Sơ đồ vành đai thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM theo đề xuất – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT
Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM):
Doanh nghiệp khó khăn hơn
Các doanh nghiệp vận tải hiện nay đã phải gánh rất nhiều chi phí cho quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí hình thức BOT mọc lên khắp nơi từ Bắc vào Nam… Những khoản phí này là gánh nặng của doanh nghiệp và làm giá thành vận tải tăng cao, giá thành hàng hoá cũng bị ảnh hưởng.
Thời gian gần đây, do cạnh tranh gay gắt, hàng loạt doanh nghiệp vận tải thường xuyên phải bù lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản.
Bây giờ, nếu TP.HCM lại thu thêm 50.000 đồng/xe/lượt vào trung tâm Q.1, như vậy doanh nghiệp nào có xe vận tải hàng hoá ra vào khu vực trung tâm nhiều lần mỗi ngày sẽ tốn chi phí lớn, doanh nghiệp lại càng khó khăn hơn.
Vấn đề ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, như quy hoạch đô thị chưa hợp lý, nhiều chung cư, cao ốc liên tiếp mọc lên thu hút người dân tập trung hết vào trung tâm để sinh sống và làm việc… Do đó, Nhà nước nên tập trung vào các giải pháp lâu dài hơn.
Bên cạnh đó, TP thực hiện thu phí vào trung tâm nhằm giảm ùn tắc giao thông trong nội đô. Như vậy, số tiền thu được sẽ sử dụng vào mục đích gì cần nói rõ cho người dân biết, đồng thời nếu thu phí mà TP vẫn kẹt xe, ùn tắc thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Ôtô lưu thông vào đường Nguyễn Thị Minh Khai trong khu vực vành đai thu phí ôtô tại khu vực trung tâm thành phố. Trong ảnh: hàng dài ôtô và xe máy chen chúc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3 và Q.1, TP.HCM) đoạn giao với đường Hai Bà Trưng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức):
Bố trí 36 cửa thu phí hợp lý
Việc triển khai thu phí ôtô vào trung tâm TP là có thể thực hiện được, nhưng lãnh đạo UBND TP cũng phải quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau thì mới có hiệu quả giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Nhiều nơi trên thế giới đã tiến hành giải pháp này nhưng chỉ có vài TP làm được. Chúng ta phải lập một bảng so sánh đặc điểm dân cư, phân tích tại sao các nước thực hiện thất bại, từ đó rút kinh nghiệm khi áp dụng tại Việt Nam.
36 cửa thu phí ôtô vào trung tâm TP phải được bố trí hợp lý đảm bảo không ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị và các hoạt động giao thông khác. Để làm được điều này, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, khảo sát vị trí các cửa rồi trình Sở Giao thông vận tải, UBND TP xem xét.
Số tiền phí thu phải được sử dụng 100% cho phát triển giao thông công cộng, xây dựng hạ tầng đường sá xung quanh trung tâm TP. Khi tiến hành thu phí, nhiều xe sẽ chuyển sang đi lại trên các tuyến đường ngoài vành đai trung tâm TP nên đường sá xung quanh TP cũng cần được đầu tư đúng mức.