Việc thu hút nhân tài chỉ dựa vào bằng cấp, ít quan tâm tới năng lực thực tế cũng như nhu cầu địa phương khiến nhiều chính sách thu hút nhân tài gần như mang tính phong trào, không có hiệu quả thực tế.
Nhân tài chỉ dựa vào bằng cấp?
Việc thu hút nhân tài chỉ dựa vào bằng cấp, ít quan tâm tới năng lực thực tế cũng như nhu cầu địa phương khiến nhiều chính sách thu hút nhân tài gần như mang tính phong trào, không có hiệu quả thực tế.
Câu chuyện thủ khoa thất nghiệp, phải ở nhà phụ mẹ nuôi heo cùng với lá thư “đẫm nước mắt” gửi lãnh đạo tỉnh nhà của em Bùi Thị Hà (Hà Giang) gần đây dấy lên trong dư luận những băn khoăn về vấn đề thu hút, sử dụng người tài.
Bẽ bàng vì ngộ nhận
Bùi Thị Hà là thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016, được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cùng 99 thủ khoa xuất sắc khác tại Văn Miếu (Hà Nội). Chia sẻ với giới truyền thông, Hà cho biết cá nhân mình rất không may khi tốt nghiệp ĐH lại trùng thời điểm UBND tỉnh Hà Giang tạm dừng thực hiện chính sách thu hút nhân tài (tháng 7.2016), bởi nếu như chính sách đó vẫn còn thì Hà sẽ được tuyển thẳng công chức, viên chức mà không cần thi tuyển.
Nhiều địa phương thu hút các thủ khoa vào các cơ quan hành chính nhà nước nhưng những nơi như vậy không phải là chỗ cần phải ưu tiên để đưa nhân tài về. Vì với những thủ khoa giỏi thực sự, những nơi như vậy có thể làm thui chột tài năng của các em
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Từ nhiều năm nay, dư luận hầu như chỉ được biết nhiều đến khía cạnh khó khăn của các địa phương trong quá trình triển khai chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài với những con số chỉ tiêu thu hút đạt được rất thấp mà gần như ít biết tới một khó khăn khác: “người tài” có thực sự đáp ứng được kỳ vọng của các địa phương?
Chẳng hạn, trường hợp em Bùi Thị Hà, em đã từng có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với những người có thể cũng là tài năng nhưng không thuộc diện được thu hút khác (trong cuộc thi tuyển vào trường chuyên của tỉnh năm 2016) nhưng Hà đã không tự tin rằng mình đủ tài năng để dự thi, nên rốt cục đến nay vẫn chưa được làm công việc mà em mơ ước là đi dạy học.
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia cũng nhắc đến những “bẽ bàng” của cơ quan tuyển dụng trong quá trình thu hút, sử dụng nhân tài. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, người từng nhiều năm công tác tại Thành đoàn Hà Nội, cho biết từng nhận được phản ánh của nhiều sở, ban, ngành của TP về việc đã tuyển về nhiều thủ khoa có thành tích rất cao, nhưng thực tế các em không làm được việc. “Không phải thủ khoa nào về cũng làm được tốt. Có những thủ khoa khi về các cơ quan không đóng góp được gì nhiều vì quá lý thuyết, khó tiếp cận thực tiễn. Nhiều em có tâm lý tự kiêu, tự đại, không muốn bắt đầu từ những việc nhỏ rồi sinh ra tâm lý chán nản, phải bỏ việc”, ông Hiểu cho hay.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, Cục Tham mưu (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), cựu sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân, 1 trong 101 thủ khoa xuất sắc đầu tiên được Hà Nội vinh danh (năm 2003), cũng nhận xét, ngay tại thời điểm ấy, anh và các bạn đã nhận thấy có sự rất khác nhau về “chất lượng” của những thủ khoa được tuyên dương.
Sau 15 năm, cảm nhận đó càng có cơ sở, khi mà nhiều người trong số đó đến nay có sự nghiệp “rất là chìm”. “Có những bạn khẳng định được, nhưng có những bạn không đáp ứng được danh hiệu thủ khoa như xã hội mong đợi. Ngay cả việc xin một suất học bổng học tiếp ở nước ngoài nhiều bạn cũng không làm nổi. Có người thủ khoa một trường lớn khối ngành tài chính – kinh tế, nhưng hiện chỉ là cán bộ bảo hiểm bình thường”, anh Tuấn Anh nói, và lý giải: “Rất khó có thể khẳng định những người tốt nghiệp thủ khoa là nhân tài. Đúng là có nhiều bạn rất giỏi, đặc biệt với những trường mà yêu cầu đào tạo khắt khe. Nhưng có một số chuyên ngành mà bạn chỉ cần chăm chỉ hơn một chút là có thể đạt điểm cao”.
Tìm nhân tài dựa vào bằng cấp chỉ là phong trào
Nhiều tỉnh, TP đưa ra các chính sách ưu đãi lớn cho những người là GS, TS hay thạc sĩ về làm việc. Tuy nhiên, việc thu hút nhân tài chỉ dựa vào bằng cấp, ít quan tâm tới năng lực thực tế cũng như nhu cầu địa phương khiến nhiều chính sách thu hút nhân tài gần như mang tính phong trào, không có hiệu quả thực tế.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Nhiều địa phương thu hút các thủ khoa vào các cơ quan hành chính nhà nước nhưng những nơi như vậy không phải là chỗ cần phải ưu tiên để đưa nhân tài về. Vì với những thủ khoa giỏi thực sự, những nơi như vậy có thể làm thui chột tài năng của các em. Hay như việc nhiều tỉnh có chính sách mời các GS, TS về làm việc với mức lương rất cao nhưng những người là GS sẽ không biết làm gì khi về đó cả. Họ cần phải làm việc ở các cơ quan nghiên cứu, chuyên môn. Còn ở các cơ quan hành chính thì GS, TS chắc gì đã làm việc tốt bằng một chuyên viên có kinh nghiệm, làm việc chăm chỉ?”.
Tốt nghiệp ĐH loại khá, giỏi, thậm chí xuất sắc nhưng vẫn không tìm được việc, phải làm những công việc tay chân hoặc ở nhà… nuôi heo như trường hợp của Bùi Thị Hà (tỉnh Hà Giang) một lần nữa khiến dư luận dậy sóng. Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ đâu?
Ông Thi cũng cho rằng: “Anh nhận người ta về theo phong trào chứ không phải về để khai thác năng lực của người ta nhằm phục vụ cho công việc. Chính ra, trọng dụng nhân tài là tạo điều kiện để khai thác phát triển tài năng của họ để phục vụ công việc. Trọng dụng là trân trọng nhưng cũng phải sử dụng. Cần có chế độ tốt nhưng còn phải dùng nữa. Chỉ khi khai thác năng lực của những người được thu hút, để họ được phát huy năng lực thì đó mới là cách tôn trọng nhất đối với họ”.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), khi tìm kiếm nhân tài, việc dễ nhất là dựa vào thành tích học tập, bằng cấp nhưng nếu dựa vào bằng cấp để coi là nhân tài thì chưa đủ vì mới chỉ phản ánh phần nào về mặt trí tuệ và khả năng học vấn. “Khi hệ thống đo lường thi cử và đảm bảo chất lượng của ta rất có vấn đề thì bằng cấp không thật sự tin cậy lắm. Gọi là TS nhưng chưa chắc là TS”, ông Vinh nói, và cho rằng: “Nhân tài cần xem xét khả năng sáng tạo, xác định các vấn đề và luôn có giải pháp phù hợp giải quyết vấn đề có kết quả và mang lại ý nghĩa thiết thực. Mặt khác cần phân biệt nhân tài ở lĩnh vực này không luôn đồng nhất nhân tài ở lĩnh vực khác đối với cá nhân một nhân tài”.
Cần sàng lọc
Là người về Đà Nẵng làm việc theo chính sách thu hút nhân tài cách đây 10 năm, ông Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội TP.Đà Nẵng, cho rằng việc căn cứ vào bằng cấp để thu hút người có năng lực là cần thiết vì không căn cứ vào bằng cấp sẽ không biết căn cứ vào điều gì khác. Tuy nhiên, bằng cấp không nên là điều kiện quyết định để thu hút nhân tài.
Ông Sơn kể, khi ông về Đà Nẵng theo chính sách thu hút nhân tài đã phải trải qua 3 vòng phỏng vấn dù khi đó đã có bằng TS và là giám đốc một viện bảo tàng trong 8 năm. “Đầu tiên là cán bộ phòng nhân sự của Sở Nội vụ gặp tôi và tìm hiểu. Sau đó, chính Giám đốc Sở Nội vụ phỏng vấn và cuối cùng là đích thân ông Nguyễn Bá Thanh (nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) và Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khi đó phỏng vấn rồi mới ra quyết định chứ không chỉ dựa vào bằng cấp”, ông Sơn cho hay.
Từ đó, theo ông Sơn, để thu hút được nhân tài phù hợp, các địa phương cần phải xây dựng chương trình rất rõ là cần bao nhiêu vị trí, thuộc chuyên ngành nào, yêu cầu vị trí việc làm như thế nào chứ không thu hút chung chung.
Từ thực tế tuyển dụng và bổ nhiệm không đặt nặng bằng cấp ở những doanh nghiệp tư cho thấy nếu các cơ quan nhà nước tuyển dụng và các chế độ ưu tiên, thăng chức… không chú trọng bằng cấp nữa thì tâm lý chuộng bằng cấp sẽ dần biến mất.
“Bằng cấp sẽ là điều kiện đầu tiên, dùng để sàng lọc, loại bớt các ứng viên, sau đó người tuyển dụng phải trực tiếp làm việc với họ, thấy năng lực phù hợp với nhu cầu của địa phương thì mới tuyển. Điều quan trọng vẫn nằm ở người tuyển dụng. Với người giỏi chỉ cần hỏi một câu là có thể biết được năng lực tới đâu. Chẳng hạn, tôi sẵn sàng loại những người có bằng giỏi và nhận những người có bằng trung bình nếu qua phỏng vấn tôi biết họ có kỹ năng làm việc phù hợp”, ông Sơn nói.
Vẫn còn nhiều bàn cãi về khái niệm nhân tài
Theo ông Lê Hoàng Anh, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Quốc hội, hiện nay, Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực.
Tuy nhiên, cho tới nay, việc xác định thế nào là tài năng, là nhân tài vẫn đang còn bàn cãi. “Mỗi địa phương có chính sách trải thảm đỏ khác nhau để thu hút nhân tài nhưng không đồng bộ vì xuất phát điểm đã không làm rõ được thế nào là tài năng, là nhân tài để thu hút. Đó chính là cái gốc dẫn đến những khó khăn khi triển khai các chính sách thu hút nhân tài trong thực tế”, ông Hoàng Anh nhận định.
Ông Hoàng Anh cũng cho rằng, thời gian qua, có sự lúng túng của các địa phương khi nhận diện “nhân tài” để thu hút.
Chẳng hạn, hình thức tuyên dương thủ khoa là “đặc sản” của Thành đoàn Hà Nội, cho đến nay chưa nhân rộng sang địa phương nào, nhưng “thủ khoa” lại trở thành diện thu hút của nhiều địa phương trên cả nước.
Thậm chí, khái niệm “thủ khoa” còn được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài. Chẳng hạn, Nghị định 24 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định rõ người tốt nghiệp thủ khoa của các trường ĐH trong nước và người tốt nghiệp ĐH, sau ĐH loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài là những đối tượng được tuyển thẳng không cần qua thi tuyển.
“Tuy nhiên, cơ quan nào có đủ thẩm quyền xác nhận thủ khoa? Thủ khoa là thủ khoa của trường hay thủ khoa của một nhóm ngành, của một ngành… cũng không ai quy định rõ. Đó là chưa kể thủ khoa thì chưa chắc đã là nhân tài khi được đưa vào môi trường công việc thực tế”, ông Hoàng Anh nói.