11/01/2025

Công trình chống ô nhiễm ở làng nghề của học trò lớp 9

“Nghiên cứu thất bại hoài, cũng có lúc tụi em nản tính bỏ cuộc. Nhưng rồi cứ nghe cái mùi chua thối của nước chua mì là lại muốn nghiên cứu tiếp” – học sinh Trần Thị Ngọc Thu kể.

 

Công trình chống ô nhiễm ở làng nghề của học trò lớp 9

 

“Nghiên cứu thất bại hoài, cũng có lúc tụi em nản tính bỏ cuộc. Nhưng rồi cứ nghe cái mùi chua thối của nước chua mì là lại muốn nghiên cứu tiếp” – học sinh Trần Thị Ngọc Thu kể.


Công trình chống ô nhiễm ở làng nghề của học trò lớp 9 - Ảnh 1.

Hai em Võ Khôi Nam, Trần Thị Ngọc Thu trong phòng thí nghiệm của trường – Ảnh: DUY THANH

Công trình “Công nghệ xử lý nước thải do sản xuất tinh bột khoai mì” của đôi bạn học cùng lớp Võ Khôi Nam, Trần Thị Ngọc Thu (lớp 9A1 Trường THCS Đào Duy Từ, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên – nhi đồng tỉnh Bình Định 2017”.

Xã Hoài Hảo có sáu thôn thì đến bốn thôn người dân chuyên làm nghề chế biến tinh bột sắn (khoai mì). Làng nghề nhiều, quy mô sản xuất của các hộ gia đình ngày càng lớn, ô nhiễm môi trường do xả nước thải sản xuất tinh bột mì (gọi là nước chua mì) ngày càng nghiêm trọng. 

“Mùi chua, hôi thối của nước chua mì gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân địa phương. Một số gia đình xả nước chua mì xuống kênh, mương, suối… làm nhiều loài thực vật, cá, cua chết. Đây là lý do mà tụi em quyết định nghiên cứu công trình này” – Nam kể.

Ngọc Thu đi xin nước chua mì từ các hộ sản xuất gần nhà, đem về nghiên cứu, thử nghiệm; còn Nam tập trung tính toán, đề xuất các phương án xử lý loại nước thải này. Việc nghiên cứu được bắt đầu vào tháng 10-2016, khi hai bạn còn đang là học sinh lớp 8. 

“Nghiên cứu nhiều lần thất bại hoài, cũng có lúc tụi em nản chí, tính bỏ cuộc. Nhưng rồi cứ nghe cái mùi chua thối của nước chua mì là lại muốn nghiên cứu tiếp” – Thu nhớ lại.

Hệ thống xử lý nước thải của hai học sinh gồm tám bể chứa nước, được xây dựng theo hình bậc thang. Nước chua mì được đưa từ lò sản xuất chảy ra bể đầu tiên được lắng lọc, xử lý, khử mùi bằng đá vôi, muối sắt NaOH, than hoạt tính, đến khi chảy ra bể số 8 nước đã đạt chất lượng thải ra môi trường.

“Nhà trường đã sẵn sàng chuyển giao mô hình hệ thống xử lý này để người dân ứng dụng. Nếu có hệ thống xử lý này, nạn ô nhiễm môi trường do sản xuất tinh bột mì ở địa phương sẽ được giải quyết” – thầy Phan Anh Phước, hiệu trưởng Trường THCS Đào Duy Từ, nói.

Ông Lê Văn Tâm – phó chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Bình Định, trưởng ban tổ chức cuộc thi – nhận xét: 

“Công trình của hai học sinh cho thấy có sự nghiên cứu, tính toán nghiêm túc và khoa học. Khả năng nhân rộng mô hình này ra thực tế rất lớn. Không chỉ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất tinh bột mì ở xã Hoài Hảo mà còn cho nhiều địa phương khác”.

DUY THANH