Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cổ phần hoá Hãng phim VFS
Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng Phim truyện VN trong 30 ngày, tập trung vào quá trình cổ phần hoá từ năm 2014 đến khi thành lập Công ty CP Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.
Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cổ phần hoá Hãng phim VFS.
Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng Phim truyện VN trong 30 ngày, tập trung vào quá trình cổ phần hoá từ năm 2014 đến khi thành lập Công ty CP Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ trước đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết sau khi xem xét lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này mới “vỡ lẽ” việc quản lý đất có vấn đề.
Trong số đó, đặc biệt là đất thuê của Nhà nước được cho thuê lại sai mục đích, hợp tác kinh doanh quá thời hạn thuê đất…
Cho thuê đất, hợp tác kinh doanh sai quy định
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, VFS đang sử dụng bốn khu đất, trong đó khu đất số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) rộng hơn 5.500m2 và số 6 Thái Văn Lung (Q.1, TP.HCM) rộng 1.208,7m2, hiện xảy ra tranh chấp.
Trong số đó, theo kết luận thanh tra của Sở TN-MT Hà Nội vào năm 2015, VFS cho thuê 828m2 đất trái thẩm quyền tại khu đất số 4 Thụy Khuê, trong đó gần 280m2 đất cho thuê kinh doanh nhà hàng ăn uống và 550m2 cho thuê vượt quá thời hạn hợp đồng thuê đất đã ký kết với Sở Địa chính – nhà đất Hà Nội.
Trong kết luận thanh tra, Sở TN-MT đã đề nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu VFS chấm dứt ngay các hợp đồng thuê đất này, nếu không sẽ xem xét thu hồi.
Chưa hết, dù cho thuê lại đất sai phép nhưng VFS đã không trả tiền thuê đất của Nhà nước.
Do chây ì nộp tiền thuê đất tại khu đất số 4 Thụy Khuê, tháng 11-2015 Chi cục Thuế quận Tây Hồ đã gửi công văn yêu cầu VFS nộp số tiền thuê đất hơn 5,7 tỉ đồng, trong đó tiền thuê đất hơn 4,4 tỉ đồng và số tiền chậm nộp hơn 1,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến nay công ty đang… xin miễn giảm số tiền thuê đất truy thu trên.
Khu đất số 6 Thái Văn Lung được VFS thuê của TP.HCM trong bốn năm, từ năm 2003 đến 2007. Ngay sau khi ký hợp đồng thuê đất, tháng 7-2003 VFS đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Xây dựng thương mại và du lịch Sài Gòn (Sai Gon Cotra) trong thời hạn 30 năm.
Theo đó, VFS góp vốn bằng quyền sử dụng khuôn viên khu đất, Sai Gon Cotra lo nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất để kinh doanh các hoạt động dịch vụ văn hóa tổng hợp và tổ chức các hoạt động dịch vụ giao lưu văn hoá.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết UBND TP.HCM từng họp với các sở, ngành về việc VFS hợp tác kinh doanh sai quy định để khai thác khu đất số 6 Thái Văn Lung.
Tuy nhiên, hơn 10 năm trôi qua vẫn chưa giải quyết rốt ráo. VFS hiện đang quản lý khối nhà 4 tầng trên diện tích mặt bằng 74m2.
Khối nhà 11 tầng trên phần diện tích gần 1.200m2 do Sai Gon Cotra đầu tư xây dựng và sử dụng, hiện cho một số công ty thuê làm trụ sở.
Cổ phần hoá không đúng quy trình
Dù đất đai đang tranh chấp nhưng tháng 12-2015, Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt phương án CPH VFS, đồng thời khẳng định VFS và đơn vị tư vấn đã tuân thủ các quy định về việc xác định giá trị doanh nghiệp.
Trong đó việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh khi CPH công ty là 0 đồng, do hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty lỗ liên tiếp trước khi CPH.
Sau CPH, doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền đất hằng năm nên theo quy định, không tính tiền thuê đất và giá trị lợi thế địa lý và giá trị doanh nghiệp. Trong bản phê duyệt phương án CPH này, Bộ
VH-TT&DL nêu rõ: “Để đảm bảo tiến độ cổ phần hoá đã được Thủ tướng phê duyệt, VFS tiếp tục được quản lý, sử dụng nhà, đất đối với khu đất số 4 Thụy Khuê và với khu đất số 6 Thái Văn Lung”.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, từ năm 2011 Chính phủ đã yêu cầu khi CPH doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành đồng thời với việc sắp xếp xong các vấn đề liên quan đến đất đai.
Trong khi đó, VFS công bố phương án cổ phần hoá và bán cổ phiếu lần đầu khi chưa xử lý xong vấn đề đất đai.
“Việc cho phép VFS sử dụng hai lô đất đang có tranh chấp sau khi cổ phần hóa cho thấy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp này không thực hiện đúng quy trình” – ông Tiến khẳng định.
Theo ông Tiến, lẽ ra VFS phải xác định mục đích sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hoá và việc sắp xếp sử dụng đất đai sao cho hiệu quả là trách nhiệm của doanh nghiệp.
“Theo quy định, khu đất đó không đầy đủ giấy tờ thì phải trả về cho địa phương, không đưa vào phương án cổ phần hoá. Việc để doanh nghiệp sử dụng đất hết thời hạn là ở khâu quản lý của chính quyền địa phương và bộ chủ quản quản lý về tài sản nhà nước” – ông Tiến nhấn mạnh.