29/11/2024

Đứt cáp, sập nguồn… người dùng internet tự chịu

Cả 2 tuyến cáp quang huyết mạch truyền tải phần lớn dung lượng internet của VN với quốc tế lại gặp sự cố, khiến người dùng thiệt hại nặng nề, còn nhà mạng thì chờ khiếu nại mới xem xét.

 

Đứt cáp, sập nguồn… người dùng internet tự chịu.

Cả 2 tuyến cáp quang huyết mạch truyền tải phần lớn dung lượng internet của VN với quốc tế lại gặp sự cố, khiến người dùng thiệt hại nặng nề, còn nhà mạng thì chờ khiếu nại mới xem xét.




Rớt mạng internet khiến nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Rớt mạng internet khiến nhiều người tiêu dùng bị thiệt hạiẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH.

Liên tiếp gặp sự cố


5 tuyến cáp quang biển tại VN:
– Tuyến AAE-1: Dài 25.000 km, chạy qua 20 nước
– Tuyến AAG: Dài 20.000 km, chạy qua 10 nước
– Tuyến APG: Dài 10.000 km, chạy qua 11 nước
– Tuyến SMW-3: Dài 39.000 km, chạy qua 39 nước
– Tuyến IA: Dài 7.000 km, chạy qua 4 nước.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, vào khoảng 5 giờ sáng 12.10, tuyến cáp quang biển AAG ghi nhận lần thứ 4 trong năm nay gặp sự cố. Lần này, nguyên nhân được xác định do sập nguồn, mất tín hiệu kết nối với trạm cập bờ Hồng Kông. Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia American Gateway (AAG) có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 TBps, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11.2009. Tuyến bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, nhánh cáp rẽ vào VN tại Vũng Tàu nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.

Không chỉ có AAG, đại diện của Tập đoàn viễn thông (VNPT) cũng vừa mới phát hiện sự cố trên tuyến cáp quang biển quốc tế SMW-3. Đây là tuyến cáp quang Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu 3 duy nhất đi theo chiều kết nối từ châu Á sang Ấn Độ, vào châu Âu. Được đưa vào sử dụng từ tháng 9.1999, SMW-3 là tuyến cáp quang biển sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang có dung lượng hệ thống là 320 Gbps nối VN với 39 nước trên thế giới. Tại VN, tuyến cáp quang biển này cập bờ tại Đà Nẵng.
Trước sự cố này đại diện của VNPT cam kết tổ chức định tuyến lưu lượng qua hướng ưu tiên, xây dựng phương án mở ứng cứu thêm lưu lượng trên các hướng cáp khác (tuyến cáp APG, CSC), tập trung nguồn lực về nhân sự và công nghệ, tăng cường kiểm tra để các tuyến cáp đất liền hoạt động ổn định… nhằm đảm bảo tối đa chất lượng.
Trả lời Thanh Niên chiều 13.10, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin – Truyền thông), cho biết cơ quan này cũng đã tiếp nhận thông tin các tuyến cáp quang, trong đó có AAG gặp sự cố.

Đứt cáp, sập nguồn... người dùng internet tự chịu - ảnh 1

Tôi mở shop bán nem online qua Facebook nhưng suốt 2 ngày qua mạng chập chờn không vào được, giờ cả thùng hàng trăm cái nem bị chua không bán được. Buôn bán cả tháng thành công cốc

Đứt cáp, sập nguồn... người dùng internet tự chịu - ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Thu H. (ngụ Q.Cầu Giấy, Hà Nội)



Đây không phải lần đầu tiên các tuyến cáp quang quốc tế gặp trục trặc. Ngày 27.8, hai tuyến cáp quang biển IA và AAG cùng lúc đột ngột đứt cáp. Sự cố này làm ảnh hưởng đến dung lượng kết nối quốc tế từ VN hướng đi Hồng Kông. Ngay sau đó, tuyến cáp SMW-3 cũng gặp sự cố khiến VNPT bị mất liên lạc trên cả 3 tuyến gồm: 700 G cáp AAG, 10 G cáp IA, và 80 G cáp SMW-3. Trước đó, ngày 18.2, tuyến cáp AAG xảy ra sự cố đứt cáp cập bờ khu vực Hồng Kông, internet mất kết nối từ VN đi Hồng Kông, Singapore và Mỹ. Ngày 10.1, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) đã gặp sự cố đứt cáp theo hướng kết nối đi Hồng Kông.

Nguyên nhân các tuyến cáp quốc tế liên tục gặp sự cố, đặc biệt AAG, theo ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, do được đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước nên việc thiết kế chưa tốt. Điều này cũng lý giải vì sao tuyến cáp quang biển đưa vào sử dụng sau như APG ít bị sự cố hơn. Để sửa chữa, theo ông Thắng, các đơn vị quản lý tuyến cáp phải làm thủ tục xin phép nước sở tại, nơi quản lý vùng biển có vị trí cáp bị đứt. Quá trình này phải mất vài ngày, sau đó mới được phép đưa phương tiện vào sửa chữa.
Theo các chuyên gia viễn thông, do tuyến cáp quang biển thường tập trung ở các vị trí cảng biển lớn, sầm uất của nhiều quốc gia (VN có nhánh đấu nối là Đà Nẵng, Vũng Tàu); bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật theo quy định, các tuyến cáp quang biển được chôn sâu từ 1,5 – 2 m, được bọc 2 lớp thép, nhưng do là sợi quang, nên khi bị tác động va đập của tàu bè, cáp quang rất dễ bị cong, vênh, đứt.
Người dùng thiệt hại


Năm 2017: 5 lần đứt cáp, sập nguồn
– 10.1: Đứt cáp TGN-IA
– 18.2: Đứt cáp AAG
– 20.6: Đứt cáp APG
– 28.8: Đứt đồng loạt 3 cáp AAG, TGN-IA, SMW-3
– 12.10: Sập nguồn, lỗi sự cố AAG, SMW-3

Trong sự cố sập nguồn các ngày 12 – 13.10, chị N.B.Đ.N, giám đốc một công ty thương mại tại Hà Nội, cho biết công ty của chị đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ hợp đồng với đối tác nước ngoài. “Đối tác hẹn ngày 12.10 gửi hợp đồng qua mail để kiểm tra ngay trong ngày trước khi ký kết. Thế nhưng, cả ngày hôm đó tôi không thể nào tải được mail xuống, đến sáng 13.10 cũng vẫn “bó tay”. Khi gọi lại đối tác nước ngoài họ rất thất vọng về sự thiếu chuyên nghiệp này và đang dọa cắt hợp đồng trị giá cả tỉ đồng”, chị N. bực bội.

Còn chị Nguyễn Thị Thu H. (ngụ Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đang khổ sở với cả thùng nem chua khi Facebook bị treo khiến một loạt đơn hàng của khách không cập nhật được. “Tôi mở shop bán nem online qua Facebook nhưng suốt 2 ngày qua mạng chập chờn không vào được, giờ cả thùng hàng trăm cái nem bị chua không bán được. Buôn bán cả tháng thành công cốc”, chị H. đau khổ nói.
Không chỉ buôn bán, kinh doanh, rất nhiều cá nhân cũng chịu cảnh mất tiền oan ức. Anh Ngô Thành P., nhân viên văn phòng tại Vĩnh Phúc, cho biết ngày 12.10 có book vé máy bay đi công tác trong TP.HCM. Khi chuẩn bị đến khâu thanh toán bằng thẻ visa, anh nhập đầy đủ các thông số, đến khi bấm nút thanh toán thì mạng bị… đơ. “Tôi thấy hệ thống treo trong khoảng mấy phút, đến khi máy điện thoại báo ting ting trừ tiền trong tài khoản cũng là lúc mạng bị sập. Giờ lại phải làm đủ các thủ tục mà không biết có được hoàn tiền hay không nữa”, anh P. lo lắng.
Hai tuyến cáp quang gặp nạn khiến tốc độ internet trong các ngày 12 – 13.10 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Cả ngày hôm qua tôi ngồi chờ mail của đối tác nước ngoài gửi về để xem lại hợp đồng mà không làm sao truy cập vào được gmail”, chị Kiều Oanh – giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội, chia sẻ khi sử dụng mạng FPT tại văn phòng mình làm việc.
Những sự cố đứt cáp, sập mạng khiến thiệt hại của các cá nhân, doanh nghiệp ngày càng lớn. Trong khi đó, trả lời câu hỏi phía nhà mạng sẽ giải quyết các trường hợp bị thiệt hại do sự cố cáp quang ra sao, đại diện các nhà mạng cho biết theo quy trình sẽ tiếp nhận các khiếu nại thông qua nhiều nguồn khác nhau như báo chí, văn bản, trực tiếp hay qua Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng… Còn đại diện VNPT cho biết khách hàng có thể gửi khiếu nại tới VNPT thông qua biểu mẫu tại các trung tâm chăm sóc khách hàng. Song việc giải quyết như thế nào thì phải xem xét riêng từng trường hợp.
Có thể yêu cầu bồi thường thiệt hạ


Lợi nhuận lớn nhưng không đền bù
Từ trước tới nay chỉ thấy khách hàng nộp tiền chậm thì bị cắt mạng, còn đứt cáp thì tôi chưa bao giờ thấy nhà mạng đền cho ai cả. Trong khi một thực tế rất rõ là lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông hiện nay rất lớn, thuộc tốp đầu trong nền kinh tế.
Chuyên gia Ngô Trí Long

Luật sư Nguyễn Thị Bình, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết luật Thương mại có điều khoản ghi rõ: Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do việc vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm…

Ngoài ra, theo luật Viễn thông, trong trường hợp mạng viễn thông thường xuyên bị chậm làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đường truyền, không đúng chất lượng đường truyền như đã thỏa thuận, người tiêu dùng được quyền “khiếu nại về giá cước, chất lượng dịch vụ; được hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại trực tiếp khác do lỗi của doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông gây ra”.
Bên cạnh đó, điều 524 bộ luật Dân sự cũng quy định: “Trong trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. 

Luật quy định như vậy, nhưng từ trước đến nay hầu như không được cơ quan, doanh nghiệp nào áp dụng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Nhìn từ góc độ kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, sự cố đứt cáp, sập nguồn khiến nhà mạng cũng phải chịu chi phí tổn thất lớn để sửa chữa, bảo dưỡng. Đôi khi do những nguyên nhân khách quan như động đất, bão lũ hay cá mập cắn. Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan, do chất lượng cáp kém thì cần phải có phương án chia sẻ với người dùng, đền bù cho họ theo đúng quy định. 

Luật sư Nguyễn Thị Bình hướng dẫn: Trong trường hợp người sử dụng mạng viễn thông muốn nhà mạng phải bồi thường cho mình do đường truyền internet chậm so với hợp đồng đã thỏa thuận trước đó, thì người sử dụng cần phải thực hiện các việc sau: Khiếu nại trực tiếp với nhà mạng đang cung cấp về chất lượng sản phẩm của mình; chứng minh được chất lượng đường truyền không đáp ứng đúng như thỏa thuận; yêu cầu bồi thường thiệt hại, như phải bỏ tiền ra mua gói cước 3G để sử dụng. Cuối cùng, nếu không giải quyết được thì người sử dụng có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng để khởi kiện được thì cũng mất nhiều thời gian và công sức, kể cả chi phí. Vì vậy, hầu hết khách hàng cũng buông xuôi luôn.
Tiêu Phong



Anh Vũ