29/11/2024

Chương trình – sách giáo khoa mới: Đổi mới ở cấp THPT sẽ lùi tới 3 năm?

Thường trực Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH – gọi tắt là Thường trực Uỷ ban) vừa có Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông.

 

Chương trình – sách giáo khoa mới: Đổi mới ở cấp THPT sẽ lùi tới 3 năm?

 

Thường trực Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH – gọi tắt là Thường trực Uỷ ban) vừa có Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông.

 

 


Từ năm học 2021 – 2022 mới thực hiện đổi mới cấp THPTẢNH: NGỌC DƯƠNG.

Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh đến sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Đến nay, đề án về bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông chưa được phê duyệt, đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục triển khai còn chậm; đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được chuẩn bị kỹ, nhất là những yêu cầu liên quan đến dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá…
Theo cơ quan thẩm tra, còn nhiều việc cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng triển khai, tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện chương trình hiện hành.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị áp dụng CT-SGK mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 – 2020, THCS từ năm học 2020 – 2021 và THPT từ năm học 2021 – 2022. Như vậy, so với lộ trình được quy định trong nghị quyết của QH, việc áp dụng CT-SGK mới sẽ chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS và 3 năm ở các lớp THPT.
Thường trực Uỷ ban cho rằng, do việc triển khai xây dựng CT-SGK mới và các điều kiện bảo đảm đã bị chậm nên kiến nghị về lùi thời điểm áp dụng CT mới là cần thiết để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà. Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện, xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ so với kế hoạch ban đầu; tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và thời gian cần thiết để thực hiện, đồng thời có sự lưu tâm thoả đáng đến khả năng đáp ứng cũng như những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện. Từ đó, nghiên cứu, đề xuất một số phương án lùi thời gian bắt đầu áp dụng và phương thức triển khai CT-SGK mới; cung cấp đầy đủ thông tin về ưu điểm và hạn chế của các phương án để QH có căn cứ xem xét, quyết định.


Tuệ Nguyễn