Tối hậu thư cho lãnh đạo Catalonia
Chính phủ Tây Ban Nha doạ tước quyền tự trị của Catalonia nếu giới lãnh đạo vùng này không từ bỏ tuyên bố độc lập.
Tối hậu thư cho lãnh đạo Catalonia
Chính phủ Tây Ban Nha doạ tước quyền tự trị của Catalonia nếu giới lãnh đạo vùng này không từ bỏ tuyên bố độc lập.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngày 11.10 đã ra thời hạn cho Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont trong vòng 8 ngày phải từ bỏ tuyên bố độc lập, nếu không sẽ tước quyền tự trị của vùng này. “Nội các đã đồng ý về việc chính thức yêu cầu chính quyền Catalan xác nhận liệu đã tuyên bố độc lập hay chưa”, theo Reuters ngày 12.10 dẫn lời Thủ tướng Rajoy.
Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Rajoy cho biết thêm đến sáng 16.10, Thủ hiến Puigdemont phải trả lời câu hỏi trên. Trong trường hợp xác nhận đã tuyên bố độc lập cho Catalonia, ông Puigdemont sẽ có thêm 3 ngày (tức đến 19.10) để cân nhắc lại quyết định này. Nếu lãnh đạo Catalonia không thực hiện đúng yêu cầu trên, chính phủ trung ương sẽ bắt đầu các thủ tục tước quyền tự trị của Catalonia theo điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha, vốn cho phép sa thải chính quyền vùng này.
Diễn biến trên xảy ra theo sau việc chính quyền Catalonia ký văn kiện tuyên bố độc lập hôm 10.10 song hoãn tuyên bố chính thức để mở cửa đối thoại với Madrid. Thủ tướng Tây Ban Nha đã bác bỏ đề nghị đàm phán, đồng thời khẳng định chỉ có thể đối thoại khi Catalonia từ bỏ hoàn toàn ý định ly khai. Ông Rajoy cũng cảnh báo nếu rời Tây Ban Nha, Catalonia sẽ không bao giờ được kết nạp vào Liên minh Châu Âu.
Phản ứng trước tuyên bố trên của Thủ tướng Rajoy, Thủ hiến Puigdemont viết trên mạng Twitter rằng: “Chúng tôi đề nghị đối thoại và câu trả lời là tung ra điều 155. Đã rõ”. Hiện vẫn chưa rõ bước đi tiếp theo của chính quyền Catalonia.
Động thái của Thủ tướng Rajoy có thể làm gia tăng sự đối đầu giữa Madrid với Catalonia nhưng cũng cho thấy lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Theo giới quan sát, Thủ hiến Puigdemont đang đứng trước bài toán khó. Nếu ông khẳng định đã tuyên bố độc lập, chính quyền trung ương sẽ hành động mạnh tay. Còn ngược lại, đảng cánh tả Candidatura d’Unitat Popular (CUP) có lẽ sẽ ngưng ủng hộ chính quyền của ông.
“Rajoy có hai mục tiêu: nếu Puigdemont vẫn còn mơ hồ thì phong trào ủng hộ độc lập sẽ bị chia rẽ nhiều hơn. Nếu Puigdemont khăng khăng bảo vệ độc lập thì Rajoy sẽ có thể áp dụng điều 155. Dù sao đi nữa thì mục đích của Rajoy là khôi phục thượng tôn pháp luật tại Catalonia trước và điều này có thể dẫn đến cuộc bầu cử sớm trong vùng”, Phó giám đốc Antonio Barroso của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Teneo Intelligence tại thủ đô London (Anh) nhận định với Reuters.
Trước đó, bất chấp sự ngăn chặn quyết liệt từ Madrid, vùng Catalonia tiến hành trưng cầu dân ý tách khỏi Tây Ban Nha, dẫn đến đụng độ dữ dội giữa phe ly khai và lực lượng an ninh do chính phủ triển khai, khiến gần 1.000 người bị thương. Dù kết quả là khoảng 90% số người đi bỏ phiếu đồng thuận ly khai song số người đi bỏ phiếu chiếm chưa tới 50% tổng số cử tri hợp lệ. Điều này cho thấy có sự chia rẽ sâu sắc trong người dân Catalonia. Hồi cuối tuần trước, theo Reuters, hàng trăm ngàn người đã xuống đường tại Barcelona để phản đối ly khai, đồng thời kêu gọi đoàn kết vì một Tây Ban Nha thống nhất.
Theo truyền thông địa phương, vấn đề Catalonia đã phần nào phủ bóng đen lên lễ kỷ niệm mừng Quốc khánh nước này hôm 12.10. Nhà vua Tây Ban Nha Felipe và Thủ tướng Rajoy đã cùng đến tham dự lễ duyệt binh diễn ra tại thủ đô Madrid.
Huỳnh Thiềm