11/01/2025

Bí mật chương trình viện trợ của Trung Quốc

Đa phần số tiền viện trợ của Trung Quốc thực chất là các khoản vay thương mại phải trả lãi theo thị trường.

 

Bí mật chương trình viện trợ của Trung Quốc.

Đa phần số tiền viện trợ của Trung Quốc thực chất là các khoản vay thương mại phải trả lãi theo thị trường.




Không có khả năng trả nợ, Sri Lanka phải bán 70% cổ phần cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc  ///  Reuters

Không có khả năng trả nợ, Sri Lanka phải bán 70% cổ phần cảng chiến lược Hambantota cho Trung QuốcREUTERS.

Nhóm chuyên gia thuộc Phòng Nghiên cứu dữ liệu AidData của Đại học William & Mary (Mỹ) phối hợp với 2 trường đại học Harvard (Mỹ) và Heidelberg (Đức) mới đây đã sử dụng số liệu từ 15.000 nguồn tin bao gồm báo đài, tài liệu đại sứ quán và báo cáo nhận viện trợ của nhiều quốc gia nhằm lý giải dòng tiền của Trung Quốc đi về đâu và sức ảnh hưởng của nó.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, trong giai đoạn 2000 – 2014, Trung Quốc ước tính chi 362 tỉ USD cho 5.000 dự án tại 140 quốc gia. Đa phần số tiền viện trợ được gửi đến châu Phi và số còn lại là những quốc gia gần Trung Quốc như Bangladesh, Campuchia, Kyrgyzstan, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Vào năm 2014, quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất là Nga (36,6 tỉ USD), đa phần nhằm hỗ trợ ngành dầu khí, theo AidData.
Trưởng nhóm nhiên cứu Bradley Parks, Giám đốc AidData, cho biết: “Nhìn chung, số tiền viện trợ Trung Quốc rót ra nước ngoài gần xấp xỉ Mỹ. Trong cùng giai đoạn 2000 – 2014, Mỹ chi 399 tỉ USD, đa phần đến những quốc gia châu Phi hoặc gần Trung Quốc. Tuy nhiên, hình thức viện trợ hoàn toàn khác nhau”. Tiến sĩ Parks lưu ý 79% viện trợ của Trung Quốc thực chất là các khoản vay thương mại, theo đó Bắc Kinh kỳ vọng phải được trả bằng lãi suất theo thị trường. Trong khi đó, chỉ có 7% viện trợ Mỹ theo dạng này và 93% còn lại là Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với lãi suất thấp cùng thời hạn thanh toán kéo dài.
Trung Quốc ngoài mặt tuyên bố viện trợ phát triển song thực chất không phải là hình thức ODA mà chủ yếu cho vay lấy lãi, nhằm thâm nhập thị trường, mở rộng sức ảnh hưởng và quảng bá văn hoá nước này ra khắp nơi, theo tiến sĩ Parks. Một ví dụ điển hình là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Tập đoàn Petroecuador (Ecuador) vay 1 tỉ USD trong một dự án được gọi là ODA, nhưng thực chất là để đổi lấy thỏa thuận dầu mỏ giữa hai bên với nhiều điều khoản chỉ có lợi cho Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc còn viện trợ cho Jamaica 230 triệu USD vào năm 2013 với điều kiện sẽ xây dựng Vườn Trung Hoa để quảng bá văn hóa và du lịch.
Các gói viện trợ từ Mỹ và phương Tây thường đòi hỏi các quốc gia phải tái cơ cấu nền kinh tế theo “nguyên tắc thị trường” và cải cách dân chủ cùng nhiều yêu cầu khác nhằm đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng. Tuy nhiên, những ràng buộc này trong một số trường hợp đi ngược lại nguyện vọng của chính phủ và người dân của nước nhận viện trợ. Bên cạnh đó, điều khoản ưu đãi ODA ngày càng trở nên khắt khe hơn, chẳng hạn rút ngắn thời hạn trả, do nhiều nước không có khả năng trả nợ.
“Chính vì thế, ngày càng nhiều quốc gia bị từ chối hoặc không còn muốn cầu cạnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), vốn bị phương Tây chi phối, đã tìm đến Trung Quốc, chẳng hạn Campuchia”, ông Parks cho hay. Bà Samantha Custer, Giám đốc đơn vị phân tích chính sách của AidData, dự đoán trong tương lai gần Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ trở thành quốc gia viện trợ nhiều nhất và có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, AidData cảnh báo Trung Quốc sẽ đi vào vết xe đổ của Mỹ trong thập niên 1990, đó là nhiều nước không có khả năng trả nợ. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn có thể đổi lấy nhiều lợi ích khác về kinh tế và địa chính trị. Chẳng hạn, hồi giữa năm 2017, Sri Lanka đã ký kết thỏa thuận trị giá 1,1 tỉ USD, bán 70% cổ phần cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc, nhằm trả bớt khoản nợ khổng lồ 8 tỉ USD.

 

Phúc Duy