10/01/2025

Thấy gì từ biểu ngữ ‘vì quá nhiều bất công’ của taxi Vinasun?

Những chiếc Vinasun dán biểu ngữ “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” phần nào phản ánh sự bất bình đẳng của giới taxi truyền thống khi bị trói buộc với nhiều quy định.

 

Thấy gì từ biểu ngữ ‘vì quá nhiều bất công’ của taxi Vinasun?

 

 Những chiếc Vinasun dán biểu ngữ “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” phần nào phản ánh sự bất bình đẳng của giới taxi truyền thống khi bị trói buộc với nhiều quy định.


Thấy gì từ biểu ngữ vì quá nhiều bất công của taxi Vinasun? - Ảnh 1.

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi bình thường, dù cùng hoạt động vận chuyển hành khách nhưng Uber và Grab hiện được quản lý như xe gia đình, trong khi hoạt động taxi phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo. 

Theo đó, hiện có đến 13 tiêu chuẩn áp đặt mới hội đủ điều kiện hoạt động taxi như phù hiệu, logo, bảng giá cước, nhật ký hành trình, hộp đen…

Ngoài ra, theo nghị định 86 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh, từ năm 2016 taxi phải trang bị máy in hoá đơn tiền cước, chưa kể còn chịu sự giám sát của hàng loạt cơ quan như Bộ GTVT, UBND các cấp, cơ quan đăng kiểm, thuế và bắt buộc thực hiện các điều kiện hoạt động trên. 

“Để không bị chế tài của pháp luật, các doanh nghiệp taxi phải tuân thủ pháp luật nghiêm túc” – giám đốc một hãng taxi bức xúc.

 

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, taxi phải thực hiện đúng về việc sử dụng lao động, trong khi taxi công nghệ chỉ hợp đồng với tài xế dựa trên sự kết nối phần mềm, không có hợp đồng lao động là vi phạm Luật lao động Việt Nam. 

 

“Grab và Uber áp dụng các chiêu khuyến mãi, siêu giảm giá, siêu rẻ, trợ giá cho lái xe và chủ xe, chi hoa hồng cho lái xe, chủ xe và người giới thiệu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh toàn bộ thị trường vận chuyển hành khách” – ông Long nói.

Ngoài ra, việc áp thuế giữa hai loại hình taxi công nghệ và taxi chưa hợp lý nên giá cước taxi đắt hơn taxi công nghệ, khiến cho các hãng taxi trong nước yếu thế hơn trong cạnh tranh. 

“Trong khi giá cước của taxi công nghệ được tự do “thay đổi” liên tục mà không có quản lý, còn các hãng taxi muốn điều chỉnh giá cước phải báo cáo, kê khai và đăng kiểm đồng hồ tính cước với cơ quan chức năng cũng là bất hợp lý, ai cũng thấy nhưng chẳng cơ quan nào đứng ra nhận sai để sửa” – một chuyên gia bình luận.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, không phải Grab hay Uber mà bất cứ doanh nghiệp nào đó có phần mềm ưu việt hơn sẽ tạo sự cạnh tranh, được người tiêu dùng lựa chọn. 

“Cần phân tích, đánh giá và nhìn nhận một cách đầy đủ và khách quan hơn những lợi ích mà công nghệ đã mang lại cho xã hội và người tiêu dùng, đồng thời cũng thấy rõ những bất cập để xây dựng cơ chế chính sách cho phù hợp” – ông Long nói.

Do đó, ông Long cho rằng trong khi bản thân hoạt động taxi phải thay đổi, cơ quan quản lý cần sửa đổi bổ sung nghị định 86/2014 của Chính phủ để tạo được sự công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, kích thích và tạo động lực các hãng taxi ứng dụng công nghệ cao. 

“Vấn đề cốt lõi mà các nhà quản lý phải quan tâm là bảo vệ quyền lợi của hành khách, không hạn chế và triệt tiêu kinh doanh mà phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng và minh bạch” – ông Long nhấn mạnh.

PGS.TS Từ Sỹ Sùa (Đại học Giao thông vận tải TP.HCM) cũng cho rằng thay vì đòi siết lại hoạt động của Uber và Grab, các hãng taxi hiện nay nên yêu cầu cơ quan quản lý tạo lập môi trường kinh doanh công bằng. 

Theo đó, những điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang áp dụng với hoạt động taxi truyền thống phải được xem xét loại bỏ hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

Theo các chuyên gia, cần loại bỏ những điều kiện bất hợp lý như phải kê khai giá cước taxi bởi giá xăng dầu lên xuống liên tục. 

“Mỗi lần kê khai, có hãng taxi tốn đến 800 triệu đồng để kiểm định lại đồng hồ tính cước. Việc cơ quan chức năng đặt điều kiện này là không phù hợp với kinh tế thị trường” – một chuyên gia nói, đồng thời đặt câu hỏi vì sao, ai đã trói buộc không cho taxi được linh hoạt điều chỉnh giá cước?

Ngoài ra, không cần thiết quy định taxi phải gắn hộp đen, cho phép kéo dài thêm thời hạn sử dụng cho taxi thay vì quy định chỉ có 8 năm… 

“Vừa rồi Thủ tướng đã yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, bãi bỏ những điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng đã đến lúc xem xét loại bỏ những điều kiện kinh doanh taxi không hợp lý gây khó cho hoạt động của các hãng taxi” – vị chuyên gia này nói.

Hà Nội yêu cầu gỡ các biểu ngữ trên taxi

TTO – Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp, chủ hãng kinh doanh vận tải taxi tháo bỏ toàn bộ biểu ngữ có nội dung phản đối quyết định 24 của Bộ GTVT và hoạt động của các xe taxi công nghệ như Grab, Uber…

NGỌC ẨN