Về hưu đâu cần phải nặng nề
Câu chuyện một bác sĩ khi rời vị trí lãnh đạo được hàng trăm người chia tay với tình cảm lưu luyến, yêu mến là câu chuyện cảm động hiếm thấy.
Về hưu đâu cần phải nặng nề.
Câu chuyện một bác sĩ khi rời vị trí lãnh đạo được hàng trăm người chia tay với tình cảm lưu luyến, yêu mến là câu chuyện cảm động hiếm thấy.
Trước đó, tháng 8-2016, dù còn hai tháng nữa mới nghỉ hưu nhưng ông Lê Như Tiến – khi đó là phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khoá 13 – đã chủ động bàn giao phòng làm việc và trả lại xe công.
Những câu chuyện đó một lần nữa đặt ra câu hỏi: Làm gì để về hưu thanh thản và được mọi người yêu mến?
Ông Lê Như Tiến (nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội):
Cán bộ khi đương chức làm nhiều việc tốt thì khi nghỉ hưu, trở về cuộc sống đời thường làm một người dân sẽ rất an nhàn, thanh thản. Người dân cũng rất công bằng, ai hết lòng vì dân khi về hưu dân vẫn yêu quý, thăm hỏi, chia sẻ lúc vui buồn.
Khi còn là ĐBQH, tôi đã chất vấn Chính phủ và tổng Thanh tra Chính phủ về việc làm sao ngăn chặn quan chức vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ, làm “chuyến tàu vét cuối cùng” trước khi hạ cánh.
Thực tế, nhiều người trước khi nghỉ thì tranh thủ ký những dự án lớn để hưởng lợi hoặc đưa hàng loạt con em vào hệ thống công quyền.
Những người như vậy, chưa cần về hưu mà khi đương chức cũng đã bị xem thường. Bởi nhân dân rất tinh tường, ngay khi đương chức họ cũng đã bị lãng quên. Khi trở về cuộc sống đời thường họ cũng sẽ rất cô đơn.
Công bộc của dân khi đương chức nên làm việc và hành xử sao cho khi về hưu không phải là một bóng tối trong lòng dân. Bởi cuộc sống vốn là quy luật nhân quả, gieo tình thương sẽ gặt tình thương.
Ông Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):
Cán bộ dù ở cương vị lãnh đạo địa phương hay trung ương đều phải gương mẫu. Nếu luôn nghĩ cho lợi ích cá nhân thì mọi người sẽ không cảm phục ngay cả khi còn đương chức.
Những người đạo đức giả sẽ không qua được mắt mọi người. Các cụ đã răn rằng mình vì mọi người thì mọi người sẽ vì mình.
Trước hay sau khi về hưu thì mỗi người cũng nên hài lòng với những gì mình có.
Đừng nên nghĩ rằng mình cần được những thứ này, thứ khác để rồi không thỏa mãn với vật chất hiện tại nên trước khi về hưu phải tranh thủ tham lam vơ vét nhiều tiền của, vật chất.
GS.TS Hồ Sĩ Quý (Viện hàn lâm Khoa học và xã hội VN):
Dù là cán bộ hay lãnh đạo cơ quan nào, khi về hưu mà được mọi người yêu mến là phần thưởng lớn hơn bất cứ điều gì.
Khi đương chức mà có tâm huyết, có năng lực cống hiến, không tham lam, giúp được người khác mà cảm thấy vui sướng thì khi về hưu đều sẽ được tôn trọng.
Cán bộ nếu có năng lực chuyên môn thì kể cả sau khi về hưu, công việc cũng luôn tìm đến. Khi vẫn gắn bó với niềm đam mê công việc để đóng góp cho xã hội cả khi đã về hưu thì chắc chắn sẽ luôn được người thân, bạn bè, cộng đồng yêu mến, kính trọng.
Các cán bộ khi còn đương chức chỉ cần ứng xử với mọi người một cách có đạo đức chứ không cần điều gì cao siêu thì lúc rời vị trí về cuộc sống thường ngày sẽ thanh thản.
Ông Trịnh Văn Sang (nguyên cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Long An):
Lúc sắp về hưu tôi cũng cảm thấy buồn và lo lắng. Cứ mường tượng một ngày không còn đến cơ quan, không tay bắt mặt mừng với anh em đồng nghiệp đã gắn bó với mình bao năm trời là thấy có gì đó quyến luyến.
Cảm nhận được điều đó nên tôi chuẩn bị tâm lý cho mình, để lúc chính thức nghỉ hưu không cảm thấy hụt hẫng.
Mình chỉ là nhân viên bình thường nên lúc rời công việc cảm thấy nhẹ nhàng, chứ những người có chức vụ càng cao càng dễ bị stress, nhất là những người lúc tại vị không được lòng nhân viên, thuộc cấp.
Lúc mới nghỉ hưu đúng là cảm giác rất trống vắng. May là tôi có đam mê chụp ảnh nên khoảng trống thời gian được lấp đầy bằng những buổi giao lưu, những chuyến du lịch, công tác xã hội.
Giờ tôi đã tìm được cảm giác cân bằng trong cuộc sống, khái niệm “nghỉ hưu” đối với tôi đúng nghĩa là một kỳ nghỉ.
Ông Diệp Văn Sơn (nguyên phó vụ trưởng, Bộ Nội vụ):
Có một thực tế ở nước ta là nhiều cán bộ không chuẩn bị được cho mình tâm thế sẵn sàng để về hưu, nhất là với những người chỉ quen với công việc hành chính.
Nếu để ý sẽ thấy những người lao động cực nhọc rất mong được về hưu để có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình.
Cán bộ có năng lực chuyên môn thực sự ở một lĩnh vực nào đó cũng rất sẵn sàng cho việc về hưu, vì khi đó họ sẽ không phải mất thời gian cho những công việc hành chính và có điều kiện để làm công việc chuyên môn, tăng thu nhập.
Tôi biết nhiều bác sĩ, kỹ sư giỏi thậm chí còn xin được về hưu sớm để mở phòng mạch, lập công ty riêng.
Ngược lại, nhiều cán bộ trong bộ máy hành chính quen ngồi phòng máy lạnh thì có tâm lý muốn kéo dài thời gian làm việc, không hẳn là để được cống hiến nhiều hơn, mà là để được hưởng lương lâu hơn, vì lương hưu thường rất thấp.
Những người thuộc nhóm này rất sợ về hưu. Khi nghỉ hưu họ sẽ bị hụt hẫng vì không biết phải làm việc gì, trong khi thời gian rảnh quá nhiều. Vì thế mới có tình trạng “chạy tuổi” để được ở lại lâu hơn trong bộ máy, thậm chí có trường hợp cán bộ hành chính cũng ráng kiếm học hàm phó giáo sư để được kéo dài thời gian công tác.
Tôi thấy ở Nhật, trước khi chuẩn bị cho một người về hưu họ hỏi kế hoạch của người đó sau khi nghỉ sẽ làm gì. Người nào muốn nuôi cá, nuôi chim thì họ sẽ mở lớp dạy kỹ thuật nuôi cá, nuôi chim. Ai muốn kinh doanh thì họ cũng sẵn sàng tư vấn.
Chúng ta có thể học tập cách làm này để chuẩn bị cho người sắp về hưu một tâm thế thoải mái, để hai chữ “về hưu” không còn gợi cảm giác nặng nề.