Phiến quân ở Myanmar để ngỏ khả năng đàm phán hòa bình
Các phiến quân Hồi giáo Rohingya cho biết sẵn sàng hưởng ứng mọi động thái hoà bình từ chính quyền Myanmar dù tuyên bố ngừng bắn họ đưa ra tháng trước gần kết thúc.
Phiến quân ở Myanmar để ngỏ khả năng đàm phán hòa bình.
Các phiến quân Hồi giáo Rohingya cho biết sẵn sàng hưởng ứng mọi động thái hoà bình từ chính quyền Myanmar dù tuyên bố ngừng bắn họ đưa ra tháng trước gần kết thúc.
Đội quân cứu thế Arakan Rohingya (ARSA) không cho biết họ sẽ hành động như thế nào sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc vào nửa đêm 9-10, nhưng nhóm phiến quân này “xác nhận sẽ chấm dứt làn sóng bạo lực và áp bức” nhắm vào người Rohingya.
“Ở bất kỳ thời điểm nào, nếu Chính phủ Myanmar muốn hoà bình thì ARSA sẽ chào đón chiều hướng này và ngược lại” – ARSA tuyên bố. Hãng tin Reuters cho biết người phát ngôn của Chính phủ Myanmar vẫn chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố trên của ARSA.
Trước đó hôm 10-9, khi ARSA tuyên bố một tháng ngừng bắn của nhóm phiến quân Hồi giáo này tại bang Rakhine, một người phát ngôn của chính quyền Myanmar đã nói rằng: “Chúng tôi không có chính sách đàm phán với khủng bố”.
Nhóm phiến quân này đã phát động các cuộc tấn công tổng hợp vào khoảng 30 chốt an ninh và một doanh trại quân đội chính phủ ngày 25-8 với sự giúp đỡ của hàng trăm người dân Rohingya bất bình với chính quyền.
Đáp lại, quân đội Myanmar đã tiến hành một cuộc càn quét khắp bang miền bắc Rakhine, buộc hơn nửa triệu người dân Rohingya chạy trốn sang Bangladesh trong khi LHQ lên tiếng cho rằng đây là một cuộc “thanh lọc sắc tộc”.
Chính quyền Myanmar đã phản đối cáo buộc của LHQ, cho rằng hầu hết trong số 500 người chết trong trận càn là “các phần tử khủng bố” đã tấn công dân làng và đốt làng trước đó.
Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel Hoà bình cho các hoạt động đấu tranh vì nhân quyền ở đất nước mình, đã phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ thế giới vì không làm được gì để cải thiện tình hình khiến hàng ngàn người dân đang phải đi tị nạn đầy thống khổ.