28/11/2024

Người nước ngoài đồng cảm chuyện ‘cúi đầu chào bác bảo vệ’

Câu chuyện học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ ở cổng trường dưới cái nhìn của nhiều người nước ngoài là bài học vỡ lòng về cách tôn trọng người khác, dù họ là ai và làm bất kỳ công việc gì.

 

Người nước ngoài đồng cảm chuyện ‘cúi đầu chào bác bảo vệ’.

 

 

Câu chuyện học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ ở cổng trường dưới cái nhìn của nhiều người nước ngoài là bài học vỡ lòng về cách tôn trọng người khác, dù họ là ai và làm bất kỳ công việc gì.


Người nước ngoài đồng cảm chuyện cúi đầu chào bác bảo vệ - Ảnh 1.

Hai bé Sóc và Nghé (TP.HCM) được ông bà đưa đến báo Tuổi Trẻ góp 1,5 triệu đồng mà hai bé đã tiết kiệm, giúp các bạn nhỏ miền Trung bị ảnh hưởng bởi cơn bão vừa qua. Các em đã được dạy bài học về yêu thương, chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn – Ảnh: THANH ĐẠM

* Bà Narumi Yoshikawa (giáo sư tại Đại học Waseda, Nhật Bản): Học cách biết ơn từ những điều nhỏ nhất

Tại Nhật Bản, chúng tôi xem việc học cách nói xin chào và cảm ơn là điều căn bản đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và thiếu niên.

Bạn cần phải học cách tôn trọng người khác, bất kể họ ở vị trí cao hay thấp hơn mình. Trong một sự kiện, tôi từng chứng kiến một nhóm nữ sinh trung học Nhật Bản đứng xếp thành hàng ngang, cúi đầu nói lời cảm ơn với người phục vụ trong nhà hàng.

Người Nhật Bản không có thói quen nói nhiều nhưng với chúng tôi, thái độ là yếu tố tiên quyết, được đặt lên trên tất cả mọi thứ và còn quan trọng hơn cả năng lực. Chúng tôi quan niệm rằng không ai có thể sống một mình mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. 

 

Đó có thể là bạn bè, người thân hoặc thậm chí là những người xa lạ. Chúng tôi học cách biết ơn từ những điều nhỏ nhặt nhất, không chỉ là những điều người khác làm cho mình mà còn cả với thiên nhiên, từng nhành cây, ngọn cỏ.

 

Ngoài ra, người Nhật Bản cũng rất quan trọng sự lịch thiệp và khiêm tốn. Đó là những đức tính rất cần thiết để hình thành nên nhân cách của một con người. Chúng tôi cũng quan niệm rằng khi ta cho đi điều gì thì sẽ nhận lại thứ ấy. Vì vậy, nếu bạn trao cho người khác một nụ cười và lời chào thì bạn cũng sẽ nhận lại từ họ điều tương tự.

Tôi may mắn có nhiều dịp gặp gỡ và làm việc với các bạn trẻ người Việt Nam. Họ là những người rất thân thiện, dễ thương và luôn lễ phép. Tôi rất có thiện cảm với các sinh viên Việt Nam.

* Ông Ray Kuschert (người Úc): Trẻ em VN rất biết kính trọng người khác

Sống ở Việt Nam 4 năm, tôi thấy nhiều trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam hình thành tư duy theo chiều hướng tích cực và rất biết kính trọng người khác. 

Có người nói rằng trong thời buổi bây giờ, người ta thường có xu hướng kính trọng những người trên quyền mình, hoặc những người giàu có và xem thường những người lao động chân tay. Tôi cũng cảm nhận về điều này và tình trạng này cũng xảy ra trong văn hoá phương Tây ngày nay. 

Văn hóa phương Tây hiện đại ngày nay dường như không đặt nặng chuyện tôn trọng tất cả mọi người nữa. Và điều này theo tôi là thật tệ.

Hàng ngàn lượt chia sẻ clip học sinh cúi đầu chào bác bảo vệHàng ngàn lượt chia sẻ clip học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ

TTO – Video clip ghi lại hình ảnh các học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cúi chào bác bảo vệ nhận được nhiều lời khen ngợi trên mạng xã hội.

* Ông Ross Munro (người New Zealand): Tôi cũng được vòng tay cúi chào

Tôi sống ở Bình Định 2 năm nay, cả ở thành phố Quy Nhơn và vùng nông thôn, tôi vẫn thường thấy cảnh các em nhỏ thể hiện sự kính trọng với người lớn bằng cách cúi chào hoặc gật đầu chào. Là giáo viên, tôi cũng thường thấy phụ huynh nhắc nhở con mình vòng tay cúi chào khi gặp tôi.

Ở đất nước tôi, khi còn nhỏ, tôi đã được dạy nhường ghế cho người cao tuổi trên các phương tiện giao thông công cộng hay giúp cụ già băng qua đường… 

Gần đây, nhiều bài báo phương Tây nói rằng trẻ em ngày nay không còn làm những điều đó nữa. Thật đáng buồn. Có lẽ chúng tôi cũng cần phải lan truyền nhiều video trẻ nhỏ làm việc tốt ở phương Tây.

* Ông Wayne Dean Jordan (người Anh): Chú trọng những bài học cho tuổi nhỏ

Sau 2 năm sống ở TP.HCM, tôi thấy giáo viên ở Việt Nam rất được tôn trọng. Tôi thường được nhiều học sinh cúi đầu chào và tôi rất trân trọng sự tôn trọng mà các em dành cho mình. Tôi nghĩ trẻ em Việt Nam đã được dạy lễ phép từ nhỏ.

Ở Anh, chúng tôi được dạy tôn trọng người lớn tuổi bằng cách bày tỏ sự tôn trọng và giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể. Một số hành động đơn giản như nhường chỗ trên tàu điện hoặc xe buýt, mở cửa…

Cùng với giáo viên, gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục cách hành xử của trẻ. Cha mẹ và giáo viên có thể chia sẻ những hiểu biết có giá trị về tính cách của trẻ thông qua những buổi làm việc giữa thầy cô và phụ huynh.

Những bài học ở lứa tuổi còn nhỏ nên bao gồm việc chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, biết nói xin lỗi và tha thứ cho nhau, sửa đổi, chấp nhận lẫn nhau, làm việc theo nhóm và hành xử lịch sự. Ví dụ, đối với cha mẹ, có thể dạy trẻ cách nói lịch sự với các nhân viên bán hàng, hay những người mà các em gặp trong thang máy, ngoài nhà hàng…

Hành động cúi chào bác bảo vệ có quá lạ, quá hiếm?Hành động cúi chào bác bảo vệ có quá lạ, quá hiếm?

TTO – Cúi chào bác bảo vệ, cô lao công trong trường học, như các bạn học sinh trường Lê Hồng Phong đã làm, có phải chuyện lạ, chuyện hiếm trong giới trẻ ngày nay? Cùng Tuổi Trẻ đi tìm câu trả lời.

* Cô Veronnica Nagathota (người Úc)Cha mẹ phải làm gương

Thế giới đang thay đổi rất nhiều trong bối cảnh bùng nổ Internet và mạng xã hội. Trong 10 năm đến Việt Nam 7 lần để làm tình nguyện (đặc biệt là Hà Nội), tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi trong cách hành xử của người trẻ.

Thanh niên bây giờ đang hoà nhập vào những cách cư xử hiện đại hơn. Đây có thể là điều tốt, nhưng cũng có thể là điều xấu nếu các giá trị truyền thống và văn hóa bị mai một.

Một trong những giá trị cốt lõi của người Úc là đối xử với mọi người bình đẳng, bất kể địa vị của họ trong cuộc sống, bất kể bạn là sếp hay nhân viên. Ở Úc, dạy trẻ em cách cư xử đạo đức là trách nhiệm của cha mẹ.

Trẻ con bắt chước những ví dụ mà chúng thấy, vì vậy nếu cha mẹ biết tôn trọng người khác và cư xử đạo đức thì con trẻ cũng sẽ cư xử như vậy. Trẻ con muốn gây ấn tượng với cha mẹ nhiều hơn là với giáo viên, chúng muốn cha mẹ tự hào về mình. Do vậy, việc cha mẹ dành thời gian cho con cái cũng rất quan trọng.

* Ông Jake Mallalieu (người Anh)Chúng tôi có “lớp học công dân”

Khi tôi bắt đầu dạy tiếng Anh ở Việt Nam vào tháng 9-2016, các em học sinh trong trường cấp II nơi tôi làm việc cũng cúi đầu chào mỗi khi gặp tôi trong trường.

Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã dạy rằng phải luôn kính trọng người lớn. Đó là một quy tắc được dạy từ rất sớm. Sự kính trọng này thể hiện qua các hành động như chừa lối đi cho người lớn tuổi trên vỉa hè, đề nghị giúp họ xách túi mua đồ hay hỏi xem họ có cần giúp qua đường không. 

Tuy nhiên, trên thực tế cũng không có nhiều người làm được như vậy nên khi có những clip về “người tốt việc tốt”, nó cũng được lan truyền nhanh như clip về học sinh Trường Lê Hồng Phong cúi chào bác bảo vệ.

Tại các trường trung học (học sinh 11-16 tuổi) ở Anh, mỗi tuần/lần chúng tôi có một “lớp học công dân”. Trong lớp học này, trẻ em học về những điều như: chính trị, tôn giáo, sự khác biệt văn hoá, tác hại của việc bắt nạt, tác hại của ma tuý và rượu, sức khoẻ tình dục… và nhiều chủ đề khác nhằm giáo dục người trẻ trở thành người có đạo đức tốt cho xã hội.

Ở Anh, chúng tôi còn có một cuộc họp gọi là “buổi tối của cha mẹ”. Đây là cuộc họp giữa thầy cô và phụ huynh (đôi khi cả học sinh cũng có thể tham dự). Tại đó, chúng tôi thảo luận về hành vi của học sinh ở trường học và ở nhà. Tôi nghĩ đây là một ý tưởng tốt để cải thiện hành vi của học sinh và Việt Nam cũng nên tham khảo việc này.

Là một giáo viên ở TP.HCM, tôi sẽ rất vui nếu được ngồi cùng cha mẹ các em để thảo luận về những nỗ lực của các em trong lớp học và hướng phát triển cho các em.

BÌNH MINH – NGỌC ĐÔNG ghi