11/01/2025

Việt kiều trẻ về nước đầu tư vào giáo dục

Một số Việt kiều trẻ quyết định từ bỏ công việc ổn định, mức lương cao tại Mỹ để trở về VN lập nghiệp.

 

Việt kiều trẻ về nước đầu tư vào giáo dục.

Một số Việt kiều trẻ quyết định từ bỏ công việc ổn định, mức lương cao tại Mỹ để trở về VN lập nghiệp.




Lê Đôn, Tổng giám đốc Everest Education, hướng dẫn học sinh tại trườngẢNH: NGỌC DƯƠNG.

Những người thuộc thế hệ Việt kiều sinh ra tại Mỹ đang sinh sống và làm việc ở VN luôn mong muốn làm việc có ích cho cộng đồng, phát triển thành công tại quê hương và hiểu rõ hơn về quê hương. Trong số đó có Lê Đôn (32 tuổi) và Tony Ngô (36 tuổi), hai nhà đồng sáng lập trường dạy toán bằng tiếng Anh tại TP.HCM.
Ban đầu cha mẹ Lê Đôn, Tổng giám đốc Trường Everest Education (E2) tại TP.HCM, rất lo lắng và không muốn con cái trở về VN. “Ba mẹ bảo tại sao tôi đang có công việc ổn định ở Mỹ lại từ bỏ và về VN mở công ty start-up (khởi nghiệp)”, anh nói. Anh trở về VN lúc 26 tuổi, hợp tác với người bạn thời đại học Tony Ngô thành lập ngôi trường chuyên phát triển tư duy độc lập, logic và kỹ năng toán học cho học sinh.
Không giống như Lê Đôn, Tony Ngô lại nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình khi bày tỏ ý định về VN khởi nghiệp. “Năm 2007 tôi về VN làm thực tập sinh cho quỹ đầu tư ở VN. Dù không sinh ra ở VN, nhưng tôi nghĩ mình nên góp cho sự phát triển của quê hương. Người thân, gia đình cũng động viên tôi làm điều gì tốt đẹp cho VN”, Tony chia sẻ. Dù vậy, anh cũng khiến người thân, nhất là vợ, phải ngạc nhiên khi đưa ra quyết định từ bỏ công việc tại một công ty tài chính lớn ở Phố Wall.
Tony kể: “Sau mùa hè năm đó, tôi và Đôn bắt đầu lên kế hoạch thành lập công ty start-up ở VN, nghiên cứu thị trường giáo dục và phương pháp giảng dạy trong suốt 3 năm. Chúng tôi cũng phải thuyết phục gia đình về quyết định nghỉ việc ở Mỹ để toàn tâm toàn ý phát triển E2. Khi đó vợ tôi vừa sinh con đầu lòng”. Lê Đôn và Tony Ngô nghiên cứu cách dạy toán của Mỹ, Singapore và mở lớp học miễn phí để tìm hiểu xem liệu mô hình này có phù hợp với học trò VN hay không.
Việt kiều trẻ về nước đầu tư vào giáo dục - ảnh 1

Tony Ngô và Lê Đôn (trái)

Đến năm 2011, hai Việt kiều trẻ thuê phòng học ở TP.HCM để dạy miễn phí môn toán theo phương pháp hoàn toàn mới và chỉ sử dụng tiếng Anh vào cuối tuần, với mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh trung học có nguyện vọng du học. “Được phụ huynh và học sinh đánh giá cao, chúng tôi mạnh dạn mở E2. Một điều đáng chú ý là học sinh ở VN làm toán giỏi hơn cả Mỹ, nhưng lại không hiểu vì sao phải học và áp dụng vào thực tế như thế nào. Chính vì thế, chúng tôi thiết kế chương trình đảm bảo càng thực tế sinh động càng tốt nhằm phát triển tư duy phản biện”, Đôn giải thích về ý tưởng khởi nghiệp độc đáo.
Sau gần 10 năm hình thành và phát triển, E2 hiện có 3 chi nhánh, thu hút hàng trăm học sinh. Tony cho hay công ty vừa nhận được số tiền đầu tư lên đến 1,4 triệu USD (gần 32 tỉ đồng) để mở rộng quy mô đào tạo. Hướng phát triển sắp tới của E2 là tăng cường ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và mở rộng chương trình dạy toán phục vụ tất cả đối tượng học sinh, chứ không chỉ riêng những em từ trường quốc tế. “Khả năng tiếp thu của học sinh VN rất tốt, nhưng cần trang bị thêm phương pháp học tập. Cha mẹ và phụ huynh có xu hướng là phải tăng cường thời lượng, nhưng không quan tâm đến phát triển phương pháp học tập”, theo anh Tony.
Nhận thấy nhiều sinh viên hiếu học VN có hoàn cảnh khó khăn, Tony còn thành lập tổ chức phi chính phủ SEO-Vietnam vào năm 2009, nhằm hỗ trợ gầy dựng thế hệ chuyên gia không chỉ thành công trong lĩnh vực của họ mà phải có nhiều đóng góp phục vụ cho cộng đồng. SEO-Vietnam có 2 chương trình: hỗ trợ sinh viên năm 1 và năm 2 gặp khó khăn tài chính và sinh viên năm 3 và năm 4 vào làm thực tập tại các công ty, tập đoàn hàng đầu. Những sinh viên xuất sắc sẽ được tuyển dụng nếu chứng minh được năng lực trong quá trình thực tập. “Tính đến nay SEO-Vietnam đã hỗ trợ trên 400 bạn trẻ”, anh Tony cho biết. Sắp tới, E2 đầu tư mạnh vào sử dụng công nghệ, phát triển app để giúp giáo viên và học sinh kết nối tốt hơn sau giờ học, tăng cường tính tương tác.

 

Phúc Duy