Cơ hội để kinh tế tư nhân nắm chủ đạo
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban IV) vừa được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ký quyết định thành lập ngày 3.10 đã nhận được nhiều quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Cơ hội để kinh tế tư nhân nắm chủ đạo.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Ban IV) vừa được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ký quyết định thành lập ngày 3.10 đã nhận được nhiều quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Quyết định này nằm trong chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường.
Trong đó nêu rõ những giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng…
|
Điều đặc biệt là Ban IV có tiếng nói của doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn trong và ngoài nước như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin VN, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, làm trưởng ban và ông Don Lam – Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó chủ tịch Hội đồng nghị sự toàn cầu về ASEAN, Diễn đàn kinh tế thế giới, làm phó trưởng ban.
Đưa tiếng nói doanh nghiệp nhỏ tới Chính phủ
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng thêm một tổ chức tập trung nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân là tốt, điều đó chứng tỏ vị trí và vai trò của DN tư nhân VN đã và đang có những thay đổi lớn, đặc biệt từ sau Hội nghị T.Ư 5 khóa 12 ban hành nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân (Nghị quyết 10-NQ/TW).
Còn theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, đây là một quyết định đúng đắn và cần thiết dù khá chậm so với nhu cầu phát triển kinh tế. Thực tế, Chính phủ đã có những tổ tư vấn độc lập, đâu đó cũng có những ban tư vấn, cố vấn trong xây dựng cải cách và thường là các chuyên gia kinh tế độc lập.
Thế nên, nay xuất hiện thêm Ban IV, trong đó có các doanh nhân lớn nắm vai trò chủ đạo là khác biệt quan trọng. Hy vọng sẽ giúp Chính phủ bổ khuyết, hoàn thiện hơn cho cải cách vĩ mô nói chung. “Xem qua danh sách các thành viên hội đồng tư vấn đều liên quan các DN trẻ, tôi nghĩ những nội dung của Ban IV nên tập trung làm thế nào để có tiếng nói của những DN nhỏ và vừa nhiều hơn”, ông Bùi Kiến Thành nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh hy vọng Ban IV sẽ có những kiến nghị thúc đẩy nền kinh tế tư nhân, giải tỏa những hạn chế mà tư nhân vướng phải lâu nay chứ không hẳn kiến tạo thêm những ý kiến mới nữa.
“Mặc dù có nhiều ý kiến chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ trong phát triển kinh tế tư nhân, song mọi thứ vẫn chuyển biến còn chậm. Vẫn có đến 97% DN tư nhân nhỏ gặp khó khăn tiếp cận vốn, vấn nạn nhũng nhiễu… mà do “thấp cổ bé họng” nên kêu mãi cũng chẳng ai nghe. Thế nên, tôi rất hy vọng nhóm tư vấn Ban IV sẽ có những kiến nghị cải thiện tình hình này”, ông Doanh nói.
Dẹp nạn vận động chính sách
Nhiều ý kiến lại đặt lên vai nhóm tư vấn Ban IV trọng trách lớn hơn là “dẹp loạn” được nạn vận động chính sách. Ông Doanh nói thêm: “Bộ máy kinh tế của chúng ta đã từng hình thành nhiều nhóm lợi ích. Liệu chúng ta có phát triển kinh tế tư nhân theo đúng cơ chế thị trường là cạnh tranh hay phát triển kinh tế tư nhân theo quen biết không? Ngoài cố gắng giải quyết được những vướng mắc nội tại của khối DN tư nhân, mong ban này có những sáng kiến nhằm tư vấn được công khai minh bạch. Không chỉ là tiếng nói của những người trong ban nghiên cứu thôi, mà họ phải có sự hợp tác chặt chẽ với các DN ngoài ban, tranh thủ ý kiến rộng rãi của cộng đồng DN. Đó mới là quan trọng”.
Khắc phục nhược điểm vận động chính sách cho nhóm DN hoặc nhóm lợi ích nào đó, theo chuyên gia, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban IV. Còn ông Thành cho rằng các cảnh báo là cần có, song hơi sớm để bàn vấn đề này.
“Chúng ta đang ủng hộ tiếng nói của những DN trong và ngoài nước để có chính sách sát sườn với DN, là vấn đề lớn của đất nước. Thế nên những nhà tư vấn biết đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích nhóm DN hay một DN nào đó sẽ giúp Chính phủ cải cách mạnh mẽ hơn. Nếu làm tốt, họ sẽ giúp Chính phủ tạo điều kiện để đất nước có những DN lớn mạnh, nắm vai trò chủ đạo của nền kinh tế chứ không phải DN đầu tư nước ngoài (FDI) nắm chủ đạo như hiện nay”, ông Thành nói.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng đối thoại với các ‘ông lớn’ tư nhân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thành công của kinh tế tư nhân so với những năm trước đây là rất lớn.
Nguyên Nga