28/11/2024

Yêu cầu các hãng hàng không bố trí nguồn lực để tăng chuyến bay

Cục Hàng không cho biết như vậy trong thông cáo phát ra chiều 4-10 về tình hình khai thác và giá vé trên đường bay Hà Nội – TP.HCM.

 

Yêu cầu các hãng hàng không bố trí nguồn lực để tăng chuyến bay.

 

Cục Hàng không cho biết như vậy trong thông cáo phát ra chiều 4-10 về tình hình khai thác và giá vé trên đường bay Hà Nội – TP.HCM.


Yêu cầu các hãng hàng không bố trí nguồn lực để tăng chuyến bay - Ảnh 1.

Do khó khăn về nguồn lực, Jetstar Pacific chưa thể tăng chuyến trên đường bay Hà Nội – TP.HCM trong giai đoạn đến giữa tháng 10-2017

Theo Cục Hàng không, giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10-2017, theo lịch khai thác của các hãng, trên đường bay giữa TP.HCM và Hà Nội trung bình có 47 chuyến/chiều/ngày, bằng 85,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 25 chuyến/chiều/ngày (tăng 8,7%), Vietjet Air khai thác 16 chuyến/chiều/ngày (giảm 15,7%), Jetstar Pacific khai thác 6 chuyến/chiều/ngày (giảm 53,8%).

Trong các ngày gần đây, số lượng hành khách không có chỗ trên đường bay TP.HCM – Hà Nội  tăng cao, hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không trên đường bay này đều đạt xấp xỉ 100%, lượng hành khách đặt chỗ trên hệ thống cho các ngày tiếp theo cũng đang ở mức cao.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do Jetstar Pacific phải huỷ một loạt chuyến bay, chủ yếu trên đường bay TP.HCM – Hà Nội do thiếu hụt nguồn lực, đặc biệt là phi công.

Vietjet Air cũng giảm tần suất khai thác từ trung bình 25 chuyến/chiều/ngày xuống 16 chuyến/chiều/ngày do đưa máy bay đi bảo dưỡng theo kế hoạch và tăng chuyến bay thuê chuyến quốc tế.

Trước tình hình trên, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Cục Hàng không đã có văn bản chỉ đạo các hãng hàng không yêu cầu bố trí mọi nguồn lực để tăng chuyến bay.

Cục Hàng không cho biết trong giai đoạn đến giữa tháng 10-2017, Vietnam Airlines đã có kế hoạch tăng trung bình 2-3 chuyến bay/chiều/ngày giữa TP.HCM và Hà Nội, đồng thời đổi máy bay lớn hơn trên một số chuyến bay thường lệ khác.

Vietjet Air đã có kế hoạch tăng 4-5 chuyến bay/chiều/ngày lên mức trung bình 20 chuyến bay/chiều/ngày TP.HCM – Hà Nội từ tuần thứ hai của tháng 10-2017.

Còn Jetstar Pacific, do khó khăn về nguồn lực, chưa thể tăng chuyến trên đường bay Hà Nội – TP.HCM trong giai đoạn đến giữa tháng 10-2017. Vì vậy, hãng này đã phối hợp với Vietnam Airlines đảm bảo vận chuyển để không ảnh hưởng đến hành khách do giảm chuyến bay.

Từ ngày 15-10 đến hết tháng 10-2017, Jetstar Pacific dự kiến khai thác ổn định trên đường bay  Hà Nội – TP.HCM với tần suất 6 – 7 chuyến/chiều/ngày và duy trì tần suất 8 – 9 chuyến từ tháng 11-2017.  

Về giá vé trên đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM, Cục Hàng không cho biết đang được quản lý và triển khai thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với cơ cấu nhiều dải giá trên một chặng bay, đảm bảo không vượt mức tối đa quy định.

Theo quy định hiện nay, mức trần giá vé máy bay chặng Hà Nội – TP.HCM và ngược lại là 3,2 triệu đồng/vé một chiều (chưa bao gồm thuế, phí và các loại giá dịch vụ khác; khung giá được áp dụng từ tháng 9-2015).

Cục Hàng không cho biết theo kê khai của các hãng hàng không, trung bình trên chặng bay Hà Nội – TP.HCM có trên 10 dải giá với mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế, phí và các loại giá dịch vụ khác).

Trong đó, mức giá tối đa vé phổ thông của Vietnam Airlines là 3,15 triệu đồng/vé một chiều, Jestar Pacific là 3 triệu đồng/vé một chiều, Vietjet Air là  2,87 triệu đồng/vé một chiều.

Theo Cục Hàng không, tùy tình hình thị trường, các hãng hàng không sẽ chủ động điều chỉnh, áp dụng các dải giá phù hợp theo kê khai đã gửi tới Cục Hàng không. Nhưng đến thời điểm này, dù giá nhiên liệu tăng hơn so với thời điểm 2015, nhưng các hãng hàng không Việt Nam vẫn đang bán vé trong trong dải giá đã kê khai với Cục Hàng không.

Cục Hàng không khẳng định trường hợp hãng hàng không vi phạm các quy định về giá, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu dừng ngay việc áp dụng mức giá vi phạm và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

TUẤN PHÙNG