Nỗi lòng người từng… thất nghiệp
Cách đây một năm, tôi cũng mang tâm trạng rối bời khi vừa mới tốt nghiệp đi tìm việc làm.
Nỗi lòng người từng… thất nghiệp.
Cách đây một năm, tôi cũng mang tâm trạng rối bời khi vừa mới tốt nghiệp đi tìm việc làm.
Ám ảnh tìm việc làm
Sau thời khắc bảo vệ khoá luận, đằng sau những nụ cười nhẹ nhõm là bao nỗi lo âu. Với những bạn có điều kiện chưa vội đi làm ngay thì khỏi nói rồi, các bạn ấy thường đi du lịch hay vô tư về chơi với gia đình. Nhưng đa phần đều bị ám ảnh hai từ “việc làm”.
Cứ mỗi ngày trôi qua, khi nghe tin một đứa bạn nào đó có việc thì lòng mình vừa mừng cho bạn nhưng cũng càng nặng trĩu hơn khi nghĩ mình sẽ về đâu? Cái cảm giác chẳng dám về nhà, nỗi sợ khi bị ai đó hỏi việc làm sao rồi, hay cứ mỗi lần nghe cha mẹ gọi điện hỏi hôm nay phỏng vấn sao rồi con… đôi khi chỉ là những lời quan tâm nhưng mình buồn, nặng lòng, nhiều đêm thức trắng.
Rồi ngày nào cũng lôi CV (bản lý lịch), thư xin việc ra chỉnh sửa một ít, chẳng dám ra khỏi phòng trọ, ngồi vạch hết trang web này tới web kia tìm thông tin. Thỉnh thoảng cũng thấy được một tin tuyển dụng mình thích nhưng đọc xong phần mô tả lại không dám nộp vì thiếu tự tin… Nói chung đủ kiểu cười ra nước mắt.
Rồi cũng được mời đi phỏng vấn các kiểu. Chỗ nhận thì xa, bất tiện, chỗ thích thì lại không đậu… Đến ngày cận kề lễ tốt nghiệp mà việc chưa ổn… lúc đó lo gấp trăm ngàn lần, xô xấp xô ngửa, thấy ai đăng cái gì cũng nộp đơn, bất kể công ty nào gọi cũng đi phỏng vấn, và họ trả chế độ sao cũng chịu vì lúc này tâm trạng bất ổn như rau bán ế trong chợ chiều mà còn mưa…
TIN LIÊN QUAN
Tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ giảm
Đây là số liệu mới nhất vừa được Bộ LĐ-TB-XH và Tổng cục Thống kê công bố. Theo đó trong quý 1/2017, cả nước có trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 8.300 người so với quý trước.
Đứng quá lo lắng, vội vàng
Lo lắng, vội vàng không giúp ta giải quyết được vấn đề đâu. Hãy đặt ra cho mình những điều mình mong muốn theo nhu cầu riêng chứ đừng vội chạy theo bạn bè. Có bạn thì muốn lương thật cao bất kể làm xa gần, đi ca đêm. Có bạn thì muốn làm gần nhà, có bạn muốn làm đúng ngành, có bạn làm nhóm ngành liên quan được rồi… Nói chung tuỳ quan điểm mọi người.
Từ từ, không ngừng tìm kiếm cơ hội nhưng không chọn bừa chọn đại để rồi chỉ mất thời gian. Hãy xem như chúng ta không có gì để mất, đi phỏng vấn đậu thì tốt không đậu thì thôi, có gì đâu mà rầu… bất chấp đi, tìm hiểu kỹ và giữ sự tự tin. Bốn năm đại học đã qua, thêm một vài tháng nữa chẳng là bao đâu… rồi mọi thứ sẽ ổn.
Hãy chỉnh CV cho tốt, không chém gió, trình bày đúng nhưng dùng từ ngữ cho hay, đặt tên thư xin việc rõ ràng, nhìn vào biết đó là gì, của ai, hãy viết phần nội dung email ấn tượng để người khác muốn mở CV của mình ra đọc. Lưu ý nhiều bạn có thói quen tìm thông tin trên các trang vietnamwork, timviecnhanh, việc làm indeed… thấy có nút “apply” sẵn là bấm luôn. Hoàn toàn không nên, vì nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn chưa thực sự quan tâm, bấm vô tội vạ thôi. Thay vì vậy, hãy tìm email, điện thoại của người đăng thông tin đó, gửi cho những người có trách nhiệm. Trên các web, có thể họ không kiểm tra mỗi ngày nhưng email cá nhân, đa phần bất cứ ai cũng kiểm tra hằng ngày.
Đa phần vừa ra trường lương cộng phụ cấp dao động 5 – 7 triệu đồng (cũng có người cao hơn), bạn nên linh hoạt tìm hiểu mặt bằng chung của mỗi công ty trước khi đi phỏng vấn để người ta hỏi đề xuất cho phù hợp vì cao quá họ sẽ loại, thấp quá mình sẽ tiếc.
TIN LIÊN QUAN
Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời năm 2014 quy định người tốt nghiệp THCS chỉ cần học 2 năm là có bằng trung cấp. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung cấp, đối tượng này mới 17 tuổi, nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng.
Cái gì biết, nói biết
Đa phần trong tin tuyển dụng, người sử dụng lao động mô tả vĩ mô lắm! Các bạn cũng đừng quá lo, nếu thấy viết biết HPLC, GCMS…, các bạn lướt liền. Nói thiệt, có người được nhận vào mấy tháng còn chưa rành huống gì. Cái người ta cần là bạn biết gì về nó, nguyên tắc ra sao, cấu tạo thế nào, dùng làm gì, phân tích cái gì… nói chung vài nét chính thôi. Có lần đi phỏng vấn, sếp hỏi: “Em biết dùng máy UV Vis không?”. Tôi mạnh miệng bảo biết. Anh dẫn đến máy kêu mình nói cách sử dụng. Trước mặt là máy UV VIS TOSIBA 2600 khá hiện đại sử dụng bằng phần mềm máy tính mình chưa có cơ hội tiếp cận bao giờ. Lúc bấy giờ mới thưa thiệt rằng mình không biết vận hành nhưng có thể trình bày nguyên lý hoạt động.
Các bạn cũng đừng cho rằng tìm việc phải đúng ngành học 100%, cùng nhóm ngành là được rồi. Vì thực tế có nhiều vị trí công việc đố bạn lục hết cũng không tìm ra được ngành nào dạy để làm vị trí đó. Việc học công nghệ sinh học mà làm được bên hoá – thực phẩm – môi trường… cũng có cái hay, chỉ sợ bạn không thích ứng theo kịp mà thôi.
Trần Hoài Tâm
(cựu sinh viên ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)