10/01/2025

Bà Yingluck có được tị nạn ở Anh ?

Rời khỏi Thái Lan, liệu cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra có đủ tư cách để xin tị nạn và sống lưu vong ở nước ngoài?

 

Bà Yingluck có được tị nạn ở Anh ?

Rời khỏi Thái Lan, liệu cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra có đủ tư cách để xin tị nạn và sống lưu vong ở nước ngoài?






Một người ủng hộ bà YingluckMINH QUANG

Hôm qua 3.10, ông Srivara Ransibrahmanakul, Phó tổng trưởng cảnh sát Thái Lan, cho biết cơ quan ngoại giao Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) xác nhận với Bangkok rằng bà Yingluck từng có mặt tại Dubai, nhưng hiện đã chuyển đến Vương quốc Anh. Tuy nhiên, ông Srivara nói rằng phía cảnh sát đang chờ cơ quan tư pháp Thái Lan làm thủ tục đề nghị dẫn độ từ nước Anh. Trong lúc đó, bà Yingluck được cho là đang làm thủ tục xin tị nạn.
Nước Anh cũng là nơi anh trai bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong trong ngôi biệt thự trị giá hàng trăm triệu baht. Chính vì vậy, giới phân tích Thái Lan cho rằng việc xin tị nạn ở Anh đối với bà Yingluck không phải là vấn đề lớn.
Tiến sĩ Jade Donavanik, cố vấn của Hội đồng soạn thảo hiến pháp Thái Lan, nói rằng tị nạn chính trị sẽ thuận lợi hơn đối với bà Yingluck và bà cựu thủ tướng hoàn toàn có thể trông cậy vào quy chế này. “Bà ấy biết ở Anh sẽ an toàn và có thể xin tị nạn khi bỏ trốn. Nhưng nếu xin với tư cách thường dân, bà ấy không có cơ may được chấp nhận”, ông Jade phát biểu với phóng viên Thanh Niên.
Theo ông Jade, quân đội đang kiểm soát Thái Lan và đây là điều thuận lợi cho hồ sơ xin tị nạn của bà Yingluck. Ngoài ra, bà cựu thủ tướng không bị kết án tội tham nhũng hay chiếm đoạt tài sản quốc gia. Ông Jade cho rằng tị nạn là con đường tốt nhất đối với bà Yingluck vì về nước chấp hành án tù 5 năm hay kháng cáo không phải là “điều đáng để lựa chọn”. Bởi bà ấy sẽ thất bại, ngoài ra, luật mới của Thái Lan bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29.9, không cho người bị kết án tù như bà tham gia chính trị.
Tuy nhiên, ông Watchara Phetthong, cựu nghị sĩ của đảng Dân chủ, không đồng quan điểm, cho rằng việc xét xử bà Yingluck diễn ra công khai minh bạch. “Bà ấy cử một đoàn luật sư đến toà tham dự và bào chữa cho mình. Vì vậy không có gì khuất tất”, ông Watchara phát biểu. Ông thúc giục Bangkok nhanh chóng thông báo với các nước về tội trạng của bà Yingluck thông qua con đường ngoại giao nhằm ngăn cản việc xin tị nạn và sớm dẫn độ bà cựu thủ tướng.
Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-ocha cho biết không bận tâm đến việc bà Yingluck có xin tị nạn hay không. “Thủ tướng không quan tâm và không xem đó là vấn đề quan trọng ngoài việc thúc đẩy thực thi pháp luật để đưa kẻ phạm tội bỏ trốn về nước thụ án”, trung tướng Sansern Kaewkammerd, người phát ngôn của thủ tướng Thái Lan, phát biểu khi trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về phản ứng của chính quyền trước thông tin nói bà Yingluck xin tị nạn ở Anh.
Bà Yingluck có được tị nạn ở Anh ? - ảnh 2

 
 

 

Minh Quang (Văn phòng Bangkok)