28/11/2024

‘Xã hội đầy người vô phép, khó dạy lễ nghĩa cho học sinh’

Chia sẻ câu chuyện dạy lễ nghĩa cho học sinh, nhiều nhà giáo cho rằng không thể dạy các em theo kiểu giáo điều, càng không thể thiếu vai trò của gia đình, xã hội.

 

‘Xã hội đầy người vô phép, khó dạy lễ nghĩa cho học sinh’.

 

Chia sẻ câu chuyện dạy lễ nghĩa cho học sinh, nhiều nhà giáo cho rằng không thể dạy các em theo kiểu giáo điều, càng không thể thiếu vai trò của gia đình, xã hội.

 

Xã hội đầy người vô phép, khó dạy lễ nghĩa cho học sinh - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) ra vào trường đều chú bảo vệ – Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều độc giả cũng tiếp tục phản hồi xung quanh câu chuyện học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) chào bác bảo vệ, với mong ước về công tác giáo dục lễ giáo cho học sinh trong nhà trường.

Ông Đỗ Minh Hoàng (chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM):

Nguyên tắc lễ nghĩa là cần thiết và phải gìn giữ

Việc giáo dục lễ nghĩa trong nhà trường đã được ngành GD-ĐT TP.HCM triển khai từ nhiều năm nay và thực tế nhiều trường thực hiện rất tốt. Ví dụ, thời điểm này, khi khách đến các trường phổ thông ở quận 1, chắc chắn nhiều học sinh sẽ tự động cúi đầu chào khách mà không đợi ai nhắc nhở.

Tuy nhiên, ở một số trường, công tác này vẫn chưa được chú trọng, ban giám hiệu những nơi này cho rằng thời đại công nghiệp thì nên… giảm bớt phép tắc xã giao! 

Nhưng tôi cho rằng những nguyên tắc lễ nghĩa là cần thiết và phải gìn giữ. Như việc dạy học sinh gặp người lớn phải chào, đi đường gặp đám tang thì gỡ mũ xuống, cúi đầu; đưa đồ vật cho người lớn tuổi hơn mình phải đưa hai tay…

Vì vậy, Sở GD-ĐT TP lưu ý các trường cần tăng cường nhắc nhở học sinh vấn đề này. Phụ huynh cũng cần quan tâm hơn đến điều này và có cách giáo dục con em mình cho phù hợp.

Thầy Lê Văn Phước (hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM):

 

Không thể dạy học sinh kiểu lễ nghĩa giáo điều

Học sinh THPT ở độ tuổi không còn nhỏ nhưng cũng chưa hẳn đã trưởng thành. Thế nên một số em muốn chứng tỏ “cái tôi” của mình và bỏ qua những quy tắc lễ giáo thông thường.

Đã không ít lần tôi nói với học sinh trường tôi rằng: “Thầy rất buồn khi thấy nhiều em hồi học tiểu học, THCS rất ngoan, gặp người lớn là khoanh tay cúi đầu chào, nhưng khi lên lớp 10 các em lại không tiếp tục làm như vậy”.

Với học sinh lứa tuổi THPT, không thể giảng cho các em về lễ nghĩa theo kiểu giáo điều, chỉ có thể kể cho các em nghe những câu chuyện súc tích để dạy làm người. 

Hiệu quả thì thấy ngay trước mắt nhưng để duy trì hiệu quả ấy, không chỉ cần sự phối hợp của phụ huynh mà còn cần cả môi trường xã hội. Nếu môi trường xã hội đầy rẫy người cư xử vô phép thì nhà trường sẽ rất khó giáo dục học sinh.

Thầy Phan Văn Vinh (hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk):

Dạy học sinh ý thức trách nhiệm từ những việc nhỏ

Ở trường chúng tôi, trong lễ khai giảng, các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp… chúng tôi luôn nhắc nhở học sinh phải biết chào những người lớn tuổi, bất kể đó là thầy cô giáo, bác bảo vệ, chị lao công hay là cô nhân viên y tế.

Tôi cho rằng các em phải biết yêu thương, tôn trọng những người thầm lặng tạo nên môi trường học tập an toàn, sạch sẽ cho mình mỗi ngày. Ngoài việc chào, chúng tôi còn dạy học sinh phải biết tôn trọng, quan tâm người khác, có trách nhiệm với chính mình và môi trường học tập. 

Ví dụ, không được cho rằng việc của người lao công là quét dọn nên cứ thoải mái xả rác, có người giữ xe đạp nên cứ thế để xe lộn xộn… Chúng tôi quan niệm: từ ý thức trách nhiệm cho từng việc nhỏ, các em mới dần dần có trách nhiệm với những việc lớn hơn trong cuộc sống, cuộc đời…

Thầy Nguyễn Duy Khánh (giáo viên Trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang):

Giáo dục của ta chỉ đánh giá học sinh qua điểm số

Ở cấp học mầm non, tiểu học, học sinh được dạy đi thưa về trình, gặp người lớn tuổi phải vòng tay lễ phép chào. Nhưng càng lên cấp học cao hơn, hình ảnh đẹp này dường như ít đi. Thậm chí học sinh gặp thầy cô có khi còn không chào.

Từ đó, không biết từ bao giờ, hình ảnh trẻ nhỏ chào người lớn mất dần trong cuộc sống của chúng ta.

Giáo dục của chúng ta lâu nay chỉ quen cách đánh giá học sinh qua điểm số chứ chưa đánh giá qua việc làm cụ thể, cách hành xử của các em. Nhiều em viết những bài văn hay về lòng tốt, về đối nhân xử thế và nhận những điểm 9, 10 đỏ chót. 

Tuy nhiên, giữa thực tế và bài viết đôi khi hoàn toàn trái ngược nhau. Học sinh không lễ phép, không kính trên nhường dưới cũng chẳng sao, cuối năm các em vẫn là con ngoan trò giỏi!

Vậy nên cần thay đổi cách đánh giá học sinh. Hãy làm sao để các em thấy được điểm số trong những bài viết kia không phải là điều quan trọng. 

Hãy làm cho các em nhận ra những điều nhỏ nhất đầy ý nghĩa qua cái cúi đầu chào bác bảo vệ, cô lao công… Và các em sẽ thành người từ những điều giản dị này, chứ không phải từ điểm 9, điểm 10.

Tri ân bác bảo vệ, cô bảo mẫu…

Tôi là một phụ huynh, xin được kể hai câu chuyện như sau:

Hồi đầu năm 2016, tôi được dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Trong danh sách những người có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhà trường, được nhà trường tri ân ngoài các thầy cô giáo còn có cả bác bảo vệ.

Khi MC xướng tên bác bảo vệ, mời bác lên sân khấu để lãnh đạo Sở GD-ĐT TP tặng hoa, nhiều học sinh ngồi phía dưới hét lên đầy phấn khích: “Bác Thành”, “Bố Thành”…

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định lúc bấy giờ, cho biết: “Bác Võ Văn Thành đã gắn bó với Trường Gia Định mấy chục năm nay. Nói về quá trình phát triển của nhà trường, ngoài các thầy cô còn phải kể đến sự đóng góp thầm lặng của những người như bác Thành”.

Ngày 20-11 nhiều năm gần đây, học sinh Gia Định không chỉ tặng hoa, quà cho các thầy cô giáo mà còn tặng cho các cô lao công, chú bảo vệ, cô y tá…

Sự tri ân này đến từ nhiều câu chuyện cảm động, được cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Cúc lồng ghép khéo léo trong những tiết chào cờ đầu tuần của trường.

Tại lễ khai giảng năm học 2017-2018 ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM, các cô bảo mẫu, cấp dưỡng, lao công… đã lên sân khấu nhận hoa từ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Khi về nhà, con trai tôi (học lớp 1) đã hỏi tôi cặn kẽ về công việc của những người thầm lặng trong môi trường học đường ấy.

Sau khi nghe tôi giải thích tường tận, cháu đã nói thế này: “Vậy là học sinh như con phải biết ơn chú bảo vệ, cô cấp dưỡng, cô bảo mẫu… nữa phải không mẹ?”. (Vũ Xuân – TP.HCM)

“Cảm ơn cô đã ứng xử đẹp”

Năm nay con tôi học lớp 8, và tôi nhận ra chưa bao giờ mình lại mong ngóng cuộc họp phụ huynh học sinh với giáo viên chủ nhiệm đến thế.

Mới đây, đi học về con tôi kể: “Năm nay, tụi con không chỉ viết văn trong giờ văn mà còn trong giờ địa nữa”.

Thấy tôi ngạc nhiên, con nói tiếp: “Cô H. – chủ nhiệm lớp con – năm nay dạy địa. Cô yêu cầu tụi con mỗi đứa viết một bức thư gửi cho cha mẹ.

Nội dung là mục tiêu của học sinh trong năm lớp 8, phải làm gì để đạt mục tiêu, mong muốn cha mẹ làm gì để giúp mình… Cô nói sẽ gửi tới tận tay cha mẹ của mỗi học sinh vào buổi họp phụ huynh sắp tới”.

Con tôi còn kể: “Hôm nào cô vào lớp, sau khi lớp con đứng lên chào cô xong, cô cũng cúi chào tụi con, rồi nói: “Cô cảm ơn các con!”. Chỉ vậy thôi mà sau đó cô dạy gì tụi con cũng muốn nghe”.

Và thế là tôi mong đợi cuộc họp sắp tới với cô H., không chỉ vì những bức thư cô sẽ gửi tận tay phụ huynh, mà là tôi mong được gặp cô để nói lời cảm ơn: “Cảm ơn cô vì đã ứng xử rất đẹp”.

Cô đã là hình mẫu của sự ứng xử rất có văn hoá cho con tôi và các bạn của cháu, ở độ tuổi tụi nhỏ đã biết nhận ra đúng sai và biết phê bình người lớn. (Đoàn Khuyên)

NHÓM PV