11/01/2025

Singapore nhận dân nhập cư kiểu “hớt váng sữa”

Cánh cửa cho người nhập cư vẫn đang mở rộng ở Singapore. Nhưng người nhập cư phải “chất” cả văn hoá lẫn tay nghề.

 

Singapore nhận dân nhập cư kiểu “hớt váng sữa”.

 

Cánh cửa cho người nhập cư vẫn đang mở rộng ở Singapore. Nhưng người nhập cư phải “chất” cả văn hoá lẫn tay nghề.


Cách đây hơn một tuần, Hiệp hội Nhân dân Singapore (People’s Association) đã phát hành cẩm nang mang tên Chuẩn mực xã hội mong muốn – Cho một cộng đồng h nhập và hài hoà. Đây là nỗ lực mới nhất để cải thiện và củng cố những hành vi, chuẩn mực xã hội trong một cộng đồng Singapore đa sắc màu.

Lựa chọn của chúng ta phải là… đón nhận người nhập cư. Tôi hiểu người Singapore không thoải mái lắm với việc nhìn thấy quá nhiều gương mặt xa lạ, nhưng thái độ này sẽ phải đổi lại là sự trì trệ về kinh tế và tệ hơn, không ai chăm sóc người già của các bạn sau đó

Cố thủ tướng Singapore LÝ QUANG DIỆU

Cửa vẫn mở

Các quy tắc trong cẩm nang ra mắt ngày 23-9 nêu trên phản ánh một đặc thù mà Singapore phải đối mặt trong việc tận dụng nguồn lực từ dân nhập cư, trong khi phải có những điều chỉnh hợp lý để giữ cho xã hội nước này đạt trạng thái hài hòa, tránh xung đột về văn hóa, lối sống.

Đối với Singapore, người nhập cư vẫn sẽ đóng vai trò nổi bật trong sự phát triển kinh tế cũng như định dạng bộ mặt của đảo quốc sư tử trong tương lai, phó giáo sư về luật Eugene K B Tan tại ĐH Quản trị Singapore viết trên Today Online ngày 29-9.

Trong khi nhân khẩu học là yếu tố ảnh hưởng tới chính sách công, thì diễn biến dân số của Singapore đang có chiều hướng xấu. Tính tới tháng 6 năm nay, dân số Singapore ở mức 5,61 triệu người – chỉ tăng 0,1% so với năm 2016. Năm ngoái, dân số nước này phát triển chậm nhất trong hơn 10 năm qua. Dữ liệu của Phòng Dân số và năng lực quốc gia ngày 27-9 cho thấy tỉ lệ sinh ở Singapore đang thấp đi, và độ tuổi trung bình toàn dân tăng lên. Cụ thể năm 2016 có 33.167 trẻ được sinh ra, giảm so với 33.725 của năm 2015.

Tỉ lệ sinh thấp và tuổi thọ tăng khiến độ tuổi trung bình của Singapore hiện nay là 41,3, cao hơn một chút so với năm 2016, đồng thời số cư dân trên 65 tuổi cũng tăng (14,4% so với 13,7% của năm 2016).

Với lực lượng lao động trong nước dự kiến giảm từ năm 2020, không cách nào khác là phải duy trì chính sách cửa mở cho dân nhập cư, như lời cố thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói vào năm 2012, theo ông Eugene Tan.

Trong năm 2016, đã có 22.102 người nhập tịch Singapore – con số cao nhất 10 năm qua. Phần lớn công dân mới là người Đông Nam Á, kế đến là các khu vực khác ở châu Á và người ở châu lục khác. Ngoài ra, có thêm 31.050 người được cư trú vĩnh viễn, nâng tổng số người cư trú dạng này ở Singapore lên 527.000 người.

Cạnh tranh để tốt hơn

Singapore rất thận trọng trong chính sách nhập cư trong viễn cảnh dân số chỉ tăng lên 6,9 triệu người vào năm 2030. Chuyện nhập cư ở quốc đảo này đang ẩn chứa hai tình thế xung khắc nhau. Chính phủ lo ngại nếu dân số không đáp ứng đầy đủ về chất và lượng, Singapore có thể sẽ lao vào cuộc suy thoái về kinh tế, xã hội, chính trị. Còn một bộ phận không nhỏ người bản địa lại cảm thấy không vui khi có quá nhiều người nhập cư.

Để giải quyết bài toán này, Chính phủ Singapore đã thực hiện các nỗ lực song song: truyền tải giá trị của Singapore dưới tư cách một cộng đồng đa dạng nhưng thống nhất ở bản sắc từ chính sự đa dạng ấy; thực hiện chính sách thu hút dân nhập cư “xịn”.

Điểm thứ hai, Singapore phải tiến hành điều chỉnh hành vi của du khách và người nhập cư thông qua những hoạt động đa dạng. Một ngày sau khi phát hành cẩm nang về chuẩn mực xã hội nêu trên, nhà cầm quyền cũng chào đón du khách Trung Quốc tại sân bay Changi bằng một danh sách dài 30 trang về những gì “nên và không nên làm” ở Singapore.

Những nỗ lực điều chỉnh này nhằm làm giảm xung đột văn hóa, ứng xử tiềm tàng giữa người Singapore với người nhập cư. Và hơn nữa, ngay từ chính khâu “đầu vào”, chính quyền Singapore cũng định hướng sàng lọc kỹ lưỡng hơn để đáp ứng cả văn h lẫn khả năng đóng góp.

“Thực tế của kinh tế toàn cầu trong hệ thống nhập cư của Singapore cho thấy các nước chào đón nhập cư như Singapore và Úc đang cạnh tranh nhau trong cùng một thị trường tìm kiếm tài năng” – ông Eugene Tan nhận định.

Theo đó, áp lực từ người nhập cư đã ảnh hưởng lên chính trị rõ rệt tại Mỹ (bầu cử 2016) hay Anh (bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu). Vì thế, để cân bằng giữa lợi ích lao động nhập cư và nguy cơ bất ổn xã hội, các nước này đều nâng cao tiêu chí về dân nhập cư. Ngược lại tại các “thị trường” người nhập cư truyền thống như Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á… kinh tế đã phát triển ổn định nên người nhập cư cũng có nhiều lựa chọn hơn, và họ sẽ chọn đến những nước nào đó không có ác cảm với người nhập cư.

NHẬT ĐĂNG