5 ca nô vừa được hạ thuỷ phục vụ 7 tuyến du lịch đường sông mới do Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) chính thức được giới thiệu vào sáng qua (28.9), thể hiện quyết tâm vực dậy du lịch đường thủy của TP.HCM sau “cái chết lâm sàng” của một số tuyến trước đó.
Đánh thức du lịch đường sông.
5 ca nô vừa được hạ thuỷ phục vụ 7 tuyến du lịch đường sông mới do Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) chính thức được giới thiệu vào sáng qua (28.9), thể hiện quyết tâm vực dậy du lịch đường thủy của TP.HCM sau “cái chết lâm sàng” của một số tuyến trước đó.
Ông Trần Việt Hùng, Tổng giám đốc Saigontourist, cho biết điểm đến của 7 tour này không mới nhưng sẽ được làm mới hơn bằng cách đưa thêm điểm tham quan và dịch vụ. Đơn cử, trước đây tour bến Bạch Đằng – Củ Chi chỉ đưa du khách đến Củ Chi rồi về lại nơi xuất phát, thì nay trên đường về, du khách sẽ được ghé thăm nhà vườn, nhà cổ ở Bình Dương.
7 tour du lịch đường sông mới gồm: Tour du lịch miền đông gồm 2 tuyến: Tân Cảng – Bình Dương – Bến Đình, Tân Cảng – Bình Dương – khu du lịch sinh thái cá Koi Hải Thanh; Tour khám phá rừng ngập mặn: Tân Cảng – Cần Thạnh (Cần Giờ); Tour du lịch xanh: Tân Cảng – bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh); Tour tham quan địa đạo Củ Chi: Tân Cảng – Bến Đình (Củ Chi); Tour du lịch nhà vườn Tân Cảng – Long Phước (Q.9) và tour du lịch hạ nguồn sông Sài Gòn với lịch trình: Tân Cảng – Vàm Sát.
Tour đi Cần Giờ không chỉ xuống đến khu du lịch sinh thái Dần Xây như trước mà đưa khách đến thẳng Cần Thạnh – trung tâm Cần Giờ để tham quan kết hợp đi chợ và một số dịch vụ khác.
Điểm tham quan trong tour ở Q.9 đưa thêm chương trình đi viếng chùa… 5 ca nô thuộc dòng mới và hiện đại nhất, có thiết kế sang trọng, sức chứa 25 khách/chiếc, vận tốc tối đa 50 km/giờ nên thời gian di chuyển cho từng tuyến được rút ngắn hơn rất nhiều.
Chỉ mất 45 phút để chạy thẳng từ Tân Cảng đến TP.Thủ Dầu Một, trung tâm tỉnh Bình Dương và mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ để tới Vàm Sát (Cần Giờ), trong thời gian đó, du khách hoàn toàn có thể thoải mái ngắm cảnh sông nước, cảnh TP từ một góc nhìn mới mà không phải lo lắng về vấn đề kẹt xe, khói bụi như du lịch đường bộ.
Theo kế hoạch phát triển du lịch đường thuỷ TP.HCM giai đoạn 2017 – 2020 vừa ban hành, số lượng khách du lịch đường thuỷ đến TP năm 2017 – 2018 đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm, dự báo tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo.
TS Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục, cho rằng thực chất đi đường thủy là để hiểu những cái trên bờ. Vì vậy, cần phải bố trí để khách tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm ẩm thực, văn hoá 2 bên bờ sông, bờ kênh. Phải xây dựng các bến đỗ, không cần thiết phải làm các con đường đổ bê tông quá lớn, chỉ cần đủ cho các xe trung chuyển phục vụ khách đến điểm tham quan. Ở những nơi đặc biệt, có thể dùng xe điện hay thậm chí là các phương tiện đơn giản như xe ngựa, tận dụng hết những gì độc đáo của VN, tạo ấn tượng cho du khách.