10/01/2025

Thái Lan: bao giờ cho đến… bầu cử?

Hơn ba năm trôi qua kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền, người dân Thái Lan vẫn mòn mỏi đợi chờ ngày đi bỏ phiếu tổng tuyển cử.

 

Thái Lan: bao giờ cho đến… bầu cử?

 

Hơn ba năm trôi qua kể từ khi chính quyền quân sự lên nắm quyền, người dân Thái Lan vẫn mòn mỏi đợi chờ ngày đi bỏ phiếu tổng tuyển cử.


Chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khẳng định sẽ tổ chức bầu cử, nhưng chưa ấn định thời điểm rõ ràng.

Đã sẵn sàng cho tổng tuyển cử

Theo luật định, Uỷ ban dự thảo hiến pháp Thái Lan có thời hạn 240 ngày tính từ ngày 22-5-2014 (đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck) để soạn và trình dự thảo hiến pháp mới. Đây cũng là thời hạn cho lộ trình tiến hành tổng tuyển cử toàn dân. Tuy nhiên, đã 3 năm 4 tháng trôi qua và đến nay các điều kiện để tổ chức tổng tuyển cử đã sẵn sàng, chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vẫn chưa thông báo về việc tiến hành bầu cử dân sự.

Theo Bangkok Post, các chính trị gia và nhiều thành viên Hội đồng Hoà bình và trật tự quốc gia Thái Lan nhận định với các điều kiện hiện tại, có thể tổ chức bầu cử dân sự trong năm nay vào khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Song Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chối khẳng định thông tin được nhiều người dân Thái chờ mong này.

Hành động của ngài thủ tướng khiến nhiều người dân cảm thấy mất kiên nhẫn. Các nhà ngoại giao nước ngoài cũng công khai quan tâm chờ đợi các hướng dẫn tổ chức bầu cử. Các bên đều cho rằng Thủ tướng Prayut nên có câu trả lời phù hợp cho công luận và cộng đồng quốc tế, nhất là khi chuyến công du đến Nhà Trắng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra ngày 3-10 đang đến gần.

Trì hoãn quá lâu

Thái Lan từng công bố lộ trình dân chủ “6-4-6-4”, gồm sáu tháng để soạn thảo hiến pháp mới, bốn tháng để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân cho dự thảo hiến pháp, sáu tháng soạn thảo luật để vận hành nhà nước, hỗ trợ hiến pháp và bốn tháng để vận động trước cuộc bầu cử. Theo lộ trình này, cuộc bầu cử lẽ ra diễn ra vào giữa năm 2017.

Đầu năm nay, trong bối cảnh dư luận nghi ngờ về việc nó sẽ tiếp tục bị trì hoãn khi một thành viên Uỷ ban dự thảo hiến pháp Thái Lan, ông Somjet Boonthanom, dự đoán cuộc bầu cử sẽ không thể diễn ra cho đến tháng 3 hoặc tháng 4-2018, Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan khẳng định cuộc bầu cử sẽ được diễn ra đúng lộ trình.

Nhưng chỉ một tháng sau tuyên bố chắc nịch đó, trước sự ngạc nhiên của dân chúng cũng như giới quan sát, Thái Lan thông báo cuộc bầu cử sẽ không diễn ra trong năm 2017, mà được hoãn sang tháng 2-2018.

Giải thích về vấn đề này, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha luôn nhất quán quan điểm không vội vàng, rằng chính quyền đang hành động để xây dựng các điều kiện cho phép một cuộc bầu cử quốc gia diễn ra. Ông cũng không sốt ruột với những áp lực từ dư luận, mà bình thản đối đáp trong một cuộc phỏng vấn với Reuters: “Tôi không hỏi liệu Thái Lan có cần tổ chức một cuộc bầu cử, mà tôi chỉ hỏi điều gì có thể xảy ra nếu những người tương tự được bầu một lần nữa”.

Vẫn hút khách quốc tế

Bất chấp những bất ổn chính trị và quốc tang, thủ đô Bangkok của Thái Lan vẫn là thành phố hấp dẫn hàng đầu với du khách quốc tế. Đây là kết quả được đưa ra trong bảng xếp hạng Global Destination Cities 2017 của MasterCard dựa trên số lượng và các khoản chi tiêu của du khách. Năm 2016, Bangkok đón hơn 19,4 triệu lượt khách quốc tế và được dự đoán cán mốc hơn 20 triệu trong năm 2017. B.DUY

Hồng Vân