Trung Đông chưa xong IS lại gặp chuyện người Kurd.
Bất chấp mọi cản trở thậm chí đe doạ, ngày 25-9, lãnh đạo khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq đã tổ chức trưng cầu ý dân với chủ đích đòi quyền tự quyết, hướng tới một nền độc lập tách khỏi Iraq.
Trung Đông chưa xong IS lại gặp chuyện người Kurd.
Bất chấp mọi cản trở thậm chí đe doạ, ngày 25-9, lãnh đạo khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq đã tổ chức trưng cầu ý dân với chủ đích đòi quyền tự quyết, hướng tới một nền độc lập tách khỏi Iraq.
Từ đầu tháng 9 đến nay, người Kurd Iraq, đứng đầu là Masoud Barzani, chịu những áp lực nặng nề từ mọi phía nhằm ngăn cản cuộc trưng cầu ý dân (TCYD) đã định. Tất cả các bên liên quan đều có chung lập trường “ủng hộ sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Iraq” để ngăn cản chủ đích độc lập của người Kurd.
Bị ngăn cản tứ bề
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra lời kêu gọi trì hoãn cuộc TCYD. Chính quyền Mỹ sốt sắng can thiệp để ít nhất là không tổ chức TCYD vào lúc này, nhằm tập trung mọi nỗ lực cho cuộc chiến chống IS. Nhưng căng thẳng nhất là ba quốc gia láng giềng của Iraq là Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Mặc dù đang có nhiều mâu thuẫn chồng chéo giữa ba quốc gia này, họ đều có chung lập trường kiên quyết không để người Kurd ly khai.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố không chấp nhận chuyện người Kurd độc lập. Hội đồng an ninh quốc gia nước này coi việc tổ chức TCYD tại Kurdistan của Iraq là “đe dọa an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ họp bất thường để gia hạn cho quân đội nước này “được quyền can thiệp quân sự vào Iraq – Syria” thêm một năm nữa.
Tehran dọa sẽ đóng các cửa khẩu biên giới với Kurdistan. Iran đã ngưng toàn bộ các chuyến bay của nước này đến các sân bay ở Kurdistan Iraq. Cố vấn an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani tuyên bố “có thể can thiệp quân sự” vào Kurdistan Iraq. Quân đội Iran cũng kéo đến tập trận giáp biên giới với người Kurd Iraq.
Còn tại Iraq, quốc hội nước này tuyên bố cuộc TCYD của người Kurd là “bất hợp pháp và hoàn toàn vô hiệu”. Thậm chí, Thủ tướng al-Abadi còn đe dọa tạm ngưng cuộc chiến chống IS để đối phó với “tham vọng của người Kurd” mà ông này khẳng định là “không thể chấp nhận được”.
Chấp nhận mọi giá để đòi độc lập
Đối diện với làn sóng phản kháng quyết liệt từ mọi phía, nhất là sự đe doạ thẳng thừng, công khai từ các chính phủ Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu khu tự trị Kurdistan Iraq Barzani vẫn kiên định quyết tâm tổ chức TCYD như đã định.
Để khẳng định quyết tâm không thể lay chuyển giành độc lập cho người Kurd, Barzani tuyên bố thẳng thừng “sẵn sàng chống lại bất cứ hành động xâm lược nào”, mặc dù ông vẫn nói “không tin là sẽ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự”. Thậm chí, người đứng đầu Kurdistan Iraq nói: “Chấp nhận mọi giá” và “có thể chúng ta sẽ phải hi sinh tính mạng để đạt được mục tiêu (độc lập) của chúng ta”!
Người Kurd Iraq viện dẫn điều 140 của hiến pháp Iraq năm 2004 (sau khi chế độ Saddam Hussein bị Mỹ xóa sổ), theo đó quy định cho người Kurd được tổ chức TCYD vào năm 2007 để quyết định có ở lại Iraq hay không. Đến năm 2007, chính quyền Iraq khi ấy đã không cho phép người Kurd tổ chức TCYD như hiến pháp quy định.
Iraq cũng như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều lo ngại trong trào đòi độc lập của người Kurd. Họ là một sắc tộc đông đảo đến mấy chục triệu người sống tại một khu vực địa lý thuộc lãnh thổ bốn quốc gia kể trên.
Trong thế kỷ 20 từng nổ ra bảy cuộc khởi nghĩa giành độc lập của người Kurd. Đáng kể nhất là sự ra đời của thực thể gọi là “nhà nước dân chủ nhân dân Mahabad” tại khu vực người Kurd Iran vào năm 1946. Tiếp đó là cuộc khởi nghĩa của Mustafa Barzani – cha của người đứng đầu Kurdistan Iraq hiện nay – vào năm 1962 để phục hồi nhà nước Mahabad tại Iraq. Hai cuộc khởi nghĩa này cũng như mọi nỗ lực độc lập khác của người Kurd đều bị các chính quyền trung ương dìm trong máu.
Nhưng ý chí sắc tộc mạnh mẽ, kiên cường của người Kurd không bị tiêu diệt. Từ năm 1970, Iraq đã phải cho thành lập khu vực Kurdistan tự trị và tại Iran cũng có khu vực gọi là Kurdistan ở tây bắc nước này.
Cuộc TCYD đã được tổ chức tại Kurdistan Iraq ngày 25-9. Chưa biết kết quả ra sao và diễn biến tiếp theo thế nào, nhưng chắc chắn sự kiện này là mở đầu cho những hệ lụy nghiêm trọng lâu dài không dễ ứng xử ở Trung Đông.
Đồng minh của Mỹ
Năm 1991, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết thiết lập “vùng cấm bay” tại Kurdistan để bảo vệ người Kurd trước chính quyền Saddam Hussein. Từ đó, người Kurd Iraq thực sự trở thành đồng minh tin cậy của Mỹ. Người Kurd Iraq là lực lượng “trong đánh ra” hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến do chính quyền George W. Bush phát động lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Rồi Kurdistan cũng là đồng minh tin cậy của Mỹ trong cuộc chiến chống IS mà tổng thống Barack Obama phát động từ giữa năm 2014 và Donald Trump kế tục đến nay.