Ông Abe đặt cược vào bầu cử sớm
Động thái này có thể giúp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tận dụng thời điểm uy tín còn cao nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ phản ứng ngược.
Ông Abe đặt cược vào bầu cử sớm.
Động thái này có thể giúp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tận dụng thời điểm uy tín còn cao nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ phản ứng ngược.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trên truyền hình ngày 25-9, ông Abe thông báo sẽ giải tán quốc hội ngày 28-9, đồng thời kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 22-10.
Cú hích Triều Tiên
Ông Abe nhấn mạnh cuộc bầu cử sớm này sẽ là sự thẩm định đối với các kế hoạch chi tiêu an ninh xã hội và khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản cũng khẳng định sẽ từ chức nếu Đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông không giành đại đa số ghế sau bầu cử.
Đa số giới quan sát quốc tế nhìn nhận rằng cuộc bầu cử sớm này là động thái nhằm tranh thủ lúc LDP vẫn còn sự ủng hộ cao, trong khi nếu tiến hành bầu cử bình thường vào cuối năm 2018, chưa chắc đảng cầm quyền còn uy tín như hiện nay.
Trong thời gian gần đây, chính quyền của Thủ tướng Abe đã gặp nhiều sóng gió. Đầu tiên là làn sóng phản đối việc thông qua luật đưa quân ra nước ngoài hỗ trợ đồng minh. Tiếp theo là vụ lùm xùm tham nhũng liên quan tới ông Abe và phu nhân, cũng như việc Bộ trưởng quốc phòng Tomomi Inada từ chức sau cáo buộc bê bối trong xử lý tài liệu quân đội.
Hậu quả là từ chỗ sự ủng hộ cho ông Abe khoảng 60% trong tháng 3-2017 theo khảo sát của Nikkei, đã rớt xuống 37% trong tháng 7.
Thực tế sau thời gian khó khăn, hiện nay mức độ ủng hộ ông Abe đã cải thiện đáng kể, lên 50% theo khảo sát của báo Nhật Yomiuri Shimbun. Phần lớn sự thay đổi trong thời gian qua đáng chú ý nhất nằm ở sự kiện Triều Tiên liên tục có động thái phóng tên lửa, thử nghiệm hạt nhân, trong đó gồm hai lần phóng ngang qua lãnh thổ Nhật Bản.
Theo CNBC (Mỹ), chính sách cứng rắn của ông Abe với Triều Tiên đã giúp ông giành lại sự ủng hộ từ người dân. “Chính quyền đã cường điệu về hiểm họa Triều Tiên – họ đã cho dừng các chuyến tàu điện, đặt cảnh báo và gửi tin nhắn cho mọi người mỗi lúc tên lửa bay ngang không phận Nhật – vì vậy tôi nghĩ là hợp lý nếu nói chính quyền đã tận dụng tối đa vấn đề Triều Tiên để giành lợi thế chính trị” – Phillip Lipscy, trợ lý giáo sư tại ĐH Stanford (Mỹ), nói.
Canh bạc?
Có nhiều lý do để ông Abe quyết định tổ chức bầu cử sớm bên cạnh việc lấy lại sự ủng hộ từ chuỗi sự kiện Triều Tiên. Trong đó, một điểm khiến thủ tướng Nhật tự tin là ông đang được xem như ngôi sao duy nhất trong chính trường Nhật Bản.
“Sự ủng hộ của Abe không phải nằm ở chính sách của ông ấy hay do mọi người kiên nhẫn với ông, mà vì hiện nay không có ai thay thế. Ông ấy sẽ đi đến cùng vì không ai đủ khả năng đẩy ông ra cả” – Bloomberg dẫn lời Jeff Kingston, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại ĐH Temple, Nhật Bản.
Nắm quyền từ năm 2012, ông Abe được đánh giá cao khi giúp người Nhật khắc phục hậu quả sóng thần năm 2011, cũng như triển khai chính sách kinh tế một thời được mệnh danh là “Abenomics”. Tuy nhiên bức tranh kinh tế của Nhật Bản theo thời gian không phải màu hồng nữa. Khảo sát gần nhất cho thấy kinh tế Nhật Bản đạt kỷ lục tăng trưởng liên tiếp trong 6 quý liền, nhưng hồi tháng 7, tiền lương đã giảm mạnh nhất trong 25 tháng.
Bên cạnh đó, một thực tế không thể chối cãi là Nhật đã bị Trung Quốc vượt mặt ở vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Hãng Nikkei phân tích trong bài viết ngày 25-9, với tiêu đề “Canh bạc bầu cử ích kỷ của Shinzo Abe”.
AFP trong khi đó cảnh báo rằng việc tổ chức bầu cử sớm của ông Abe cũng tiềm ẩn khả năng thất bại như trường hợp của Thủ tướng Anh Theresa May trong năm nay. Bà May cũng muốn tận dụng uy tín cao để củng cố vị thế, nhưng rốt cuộc đã mất thêm nhiều ghế ở quốc hội.
Yoel Sano, người đứng đầu bộ phận phân tích rủi ro chính trị và an ninh toàn cầu ở BMI Research, cho rằng ông Abe có thể thất bại trong trường hợp cử tri nghĩ rằng bầu cử sớm là chiêu trò, và cảm thấy họ bị lợi dụng giống như bà May ở Anh trước đây.
Lúc này, điểm cộng cho ông Abe nằm ở việc các phe đối lập còn chưa ổn định. Khảo sát của Nikkei vừa qua cho thấy 44% cử tri vẫn bầu cho LDP, trong khi chỉ 8% nói sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ đối lập. Gần đây, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike đã lập Đảng Hi vọng để theo đuổi tham vọng làm thủ tướng Nhật, nhưng đến nay chưa có đột phá nào đáng kể, đặc biệt nếu bầu cử ngay vào ngày 22-10.
Đi vào lịch sử?
Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm, ông Abe sẽ trở thành thủ tướng có thời gian lãnh đạo dài nhất lịch sử Nhật Bản, theo Bloomberg. Trước đây vào giai đoạn 2006-2007, ông đã có thời gian ngắn lãnh đạo nhưng phải chấm dứt vì lý do sức khoẻ. Năm 2012, chính trị gia sinh năm 1954 này đắc cử lần nữa và điều hành Nhật Bản đến nay. Nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, ông sẽ làm thủ tướng tới năm 2021. Hiện tại, ông cũng là người có thời gian lãnh đạo quốc gia lâu nhất trong khối các nền kinh tế G7, sau Thủ tướng Đức Angela Merkel.