11/01/2025

Phải thay đổi để vực dậy đồng bằng sông Cửu Long

Trò chuyện với Tuổi Trẻ ngay trước thềm Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ông Lê Minh Hoan – bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp – có những chia sẻ và đề xuất để phát triển ĐBSCL.

 

Phải thay đổi để vực dậy đồng bằng sông Cửu Long

 

Trò chuyện với Tuổi Trẻ ngay trước thềm Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ông Lê Minh Hoan – bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp – có những chia sẻ và đề xuất để phát triển ĐBSCL.

 

 

Ông Hoan nói:

– Là một vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL vừa mang trên mình nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa góp phần vào xuất khẩu nông, thuỷ sản. Đây cũng là vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và có nền kinh tế thị trường bén rễ từ rất sớm.

Tuy nhiên cho đến nay, ĐBSCL là vùng trũng về kết cấu hạ tầng, y tế, giáo dục – đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Suất đầu tư chưa tương xứng và thiếu điểm nhấn. Những điều đó đã làm hạn chế sức bật của cả vùng.

Thời thế thay đổi, nhận thức phải thay đổi

* Đồng Tháp được đánh giá là địa phương đi tiên phong trong sản xuất nông nghiệp, như xây dựng cánh đồng lớn, HTX kiểu mới, thí điểm tích tụ ruộng đất ở một số nơi… Vậy đã có kết quả gì chưa, thưa ông?

– Trong vài ba năm gần đây, Đồng Tháp cố gắng phát hiện những điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp. Từ đó tìm tòi, khuyến khích những mô hình mới, cách làm mới có hiệu quả từ cơ sở.

Có thể tóm tắt linh hồn của đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh là: “Hợp tác – liên kết – thị trường” và “Tăng cường chế biến nông sản – nâng cao chất lượng – giảm chi phí sản xuất”. Đó là kim chỉ nam cho các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa đề án từ nay về sau, không thể khác.

Phải thay đổi tư duy của người sản xuất, dù rất khó. Cung – cầu thế giới, xu thế tiêu dùng đã khác rồi. Người ta ăn ít hơn, nhưng phải ăn ngon, sạch. Lâu nay mình cứ hô hào đẩy mạnh sản lượng mà không chú trọng chất lượng, không chú trọng đến độ sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kế nữa là tạo ra mối liên kết thật sự bằng niềm tin với nhau giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Hiện nay khoảng cách này rất xa, cứ mỗi mùa vụ xong thì bên này nói bên kia bẻ kèo. 

Nếu không tạo được niềm tin, không tạo ra được sự liên kết thì sẽ còn phải lo giải cứu sản phẩm này sản phẩm kia hoài thôi.

* ĐBSCL màu mỡ nhưng người dân có mức sống thấp. Đâu là điểm nghẽn khiến các chính sách nâng chất đời sống người dân chưa đi vào thực tế?

– Trong nền kinh tế kế hoạch hóa, các chính sách vĩ mô tập trung vào khâu sản xuất, lấy sản lượng làm mục tiêu với cách tư duy rằng: tăng sản lượng sẽ tăng thu nhập.

Trong nền kinh tế thị trường, điều đó không còn phù hợp. Chính thị trường mới quyết định cung cầu hàng hoá. Chính chi phí đầu vào và chất lượng nông sản mới quyết định sự cạnh tranh. 

Chính công nghệ chế biến mới mang lại giá trị gia tăng cao. Và cuối cùng là khơi thông thị trường phân phối mới quyết định sản xuất bền vững.

Tất cả những yếu tố đó nằm trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Nói cách khác, cần chuyển tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị và chế biến sâu. Người nông dân tham gia công đoạn của chuỗi ngành hàng, nó sẽ “đẻ” ra việc làm, nghề mới phục vụ chuỗi ngành hàng.

Lúc đó người nông dân không đơn thuần là nông dân nữa mà là nhà kinh tế, nhà chế biến, nhà kỹ thuật…

Phải thay đổi để vực dậy đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Phải liên kết lại

* Biến đổi khí hậu đang là vấn nạn, đòi hỏi phải có quyết sách, mô hình phát triển bền vững ĐBSCL. Theo ông, các tỉnh trong khu vực cần phải làm gì để phát triển trong thời gian tới?

– Tôi nghĩ trước thách thức kép (vừa chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa chịu ảnh hưởng của những vấn đề liên quan đến nguồn nước), chắc chắn phải điều chỉnh lại quy hoạch vùng sản xuất, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Hơn lúc nào hết, liên kết vùng, bắt đầu liên kết từng tiểu vùng có hệ sinh thái tương đồng để phân công, phân việc rõ ràng hơn. 

Vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và suy thoái nguồn nước dẫn đến xâm nhập mặn và hạn hán cần phải đặt ra một cách đồng bộ từ vùng nước mặn ở duyên hải, vùng nước lợ và vùng nước ngọt đầu nguồn.

Để giải được bài toán này, trung ương cần có hỗ trợ để các địa phương mạnh dạn hành động.

* Vậy trong khi chờ quyết sách hoặc sự hỗ trợ từ Chính phủ, các địa phương trong vùng tự ứng phó như thế nào?

– Đây là câu hỏi rất khó.

Tôi xin chia sẻ một điều là nhân hội nghị này, đã có một số nhà khoa học trao đổi với tôi, họ cho rằng không có đường nào khác là xây dựng lại nền tảng mềm về sự hợp tác. Sự hợp tác đó bằng hình thức liên kết tiểu vùng hoặc vùng. 

Người dân không làm ăn nhỏ lẻ nữa mà vào tổ hợp tác, cộng đồng doanh nghiệp cùng ngồi với nhau tham gia hội ngành hàng đúng nghĩa, một loại hợp tác đúng thực chất. 

Ba chủ thể gồm nông dân, doanh nghiệp và chính quyền cùng hợp tác với nhau, kết nối ba cái này lại mới thành công.

Nếu không thì có đưa chính sách nào vào cũng khó hiệu quả được.

Phải thay đổi để vực dậy đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Xâm nhập mặn tại ĐBSCL năm 2016Nguồn: Viện KHTL miền Nam – Đồ hoạ: N.KH.

* Nhưng thưa ông, vấn đề hợp tác, liên kết đã được nói tới từ nhiều năm qua nhưng chưa thấy kết quả gì?

– Cái khó của chuyện hợp tác, liên kết vừa qua là không ai chỉ huy ai cả, không có người nào cầm trịch. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chưa làm được bởi đó chỉ là cơ quan điều phối, thay mặt Chính phủ.

Tư duy nông dân là mùa vụ, tư duy doanh nghiệp là thương vụ, còn tư duy chính quyền là nhiệm kỳ. Chính các áp lực đó làm người ta không nghĩ dài hơi được, mà muốn liên kết là một quá trình dài 5 – 10 năm. Mặc dù Thủ tướng phê duyệt đề án liên kết rồi, nhưng tính hợp tác còn yếu, mạnh ai nấy làm.

Giờ phải tính khác liên huyện, liên tỉnh. Ví dụ xoài ở Đồng Tháp có, Tiền Giang cũng có, nhà đầu tư đặt nhà máy ở đâu cũng được, miễn là tiêu thụ cho cả hai tỉnh. 

Đề án liên kết ba tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang) tháng 10 này chúng tôi sẽ trình Thủ tướng, chúng tôi cùng san sẻ, cái gì bên Long An và Tiền Giang làm rồi thì Đồng Tháp khỏi làm, hoặc là mỗi lần vận động thu hút đầu tư thì phải vận động đầu tư cho cả tiểu vùng chứ không phải cho riêng tỉnh mình.

Chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo, ban điều hành, các sở ngành vào cuộc rồi. Bắt tay liên kết, chúng tôi không quá cầu toàn mà đã thống nhất chọn du lịch liên kết trước. 

Chúng tôi quan niệm không ôm đồm nhiều thứ quá rồi cuối cùng không được thứ nào cả, nên chọn cái nào dễ làm trước, thành công rồi sẽ tiếp tục làm cái khó hơn.

HOÀNG TRÍ DŨNG – CHÍ QUỐC