Ngành thuế quyết truy thu hơn 66 tỉ của Uber
Cục Thuế TP.HCM vẫn quyết truy thu số tiền 66.68 tỉ đồng từ Uber B.V, khẳng định rằng công ty này không thuộc diện xét miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hà Lan.
Ngành thuế quyết truy thu hơn 66 tỉ của Uber.
Cục Thuế TP.HCM vẫn quyết truy thu số tiền 66.68 tỉ đồng từ Uber B.V, khẳng định rằng công ty này không thuộc diện xét miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hà Lan.
Ngành thuế TP.HCM cho biết tính đến thời điểm 22-9-2016, Công ty Uber B.V Hà Lan chưa thực hiện kê khai và nộp thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % trên doanh thu của các cá nhân được hưởng như hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11828.
Thuế quyết truy thu, Uber nhùng nhằng
Cơ quan thuế cho biết, theo giải thích được đưa ra từ đại diện của Uber BV Hà Lan là do Uber BV Hà Lan cần thời gian để tập hợp dữ liệu các cá nhân kinh doanh vận tải hợp tác với Uber BV từ năm 2014 đến tháng 8-2016, kể cả một số người đã “không còn hợp tác kinh doanh vận tải” với Uber nữa.
Sau đó, Cục Thuế TP.HCM đã yêu cầu Uber B.V Hà Lan phải thực hiện ngay việc kê khai và nộp thuế của tất cả các cá nhân kinh doanh vận tải đã ký kết hợp đồng với công ty này kể từ ngày hoạt động tại TP.HCM.
Tuy nhiên sau đó Uber B.V cũng chưa thực hiện kê khai và khấu trừ nộp thay các cá nhân có ký hợp tác kinh doanh vận chuyển với doanh nghiệp này trong thời gian từ năm 2014 đến tháng 9-2016.
Đến ngày 2-3-2017, Cục Thuế tiếp tục có công văn số 1805 ra thời hạn chót cho Uber B.V phải thực hiện kê khai và nộp thay số thuế này của các cá nhân là ngày 10-3-2017. Dù vậy công ty này vẫn không thực hiện.
Ngày 30-6-2107 Cục Thuế TP.HCM tiếp tục ra công văn số 6107, trong đó, dựa vào số liệu Uber B.V Hà Lan ủy quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam thực hiện kê khai từ năm 2014 đến tháng 5 năm 2017 trên các tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài để tính ra số tiền mà Uber B.V phải kê khai và nộp thay cho các cá nhân.
Theo cách tính trên, số tiền thuế VAT và thu nhập cá nhân mà Uber Hà Lan phải nộp và Uber Việt Nam có trách nhiệm thực hiện kê khai và nộp thay là hơn 39,5 tỉ đồng, trong đó gồm hơn 26,3 tỉ đồng là thuế VAT và hơn 13,1 tỉ đồng thuế thu nhập cá nhân. Nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện.
Đến tháng 9 Cục Thuế TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu số tiền hơn 66,68 tỉ đồng đối với Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan).
Trong số đó, 10,3 tỉ đồng là số tiền phạt về hành vi kê khai sau dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, 4,9 tỉ đồng là tiền chậm nộp.
Riêng số thuế bị truy thu tăng lên do tính thêm 10,5 tỉ thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài.
Số thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay cho cá nhân cũng tăng lên lần lượt là 26,3 tỉ đồng và 14,6 tỉ đồng.
Vì sao có chuyện truy thu?
Uber B.V Hà Lan là tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014. Tuy nhiên trong thời gian đầu chưa có hướng dẫn thu thuế với tổ chức này.
Tháng 1-2016 câu chuyện thu thuế Uber B.V nóng lên khi trong một cuộc họp Sở Giao thông vận tải TP.HCM nêu ra thông tin: với quy mô khoảng 4.000 taxi Uber hoạt động tại TP.HCM, hàng ngày tổ chức này chuyển khoảng 1 tỉ đồng lợi nhuận về công ty quản lý tại Hà Lan. Số tiền trên được trích từ 20% doanh thu của taxi Uber.
Sau đó, cơ quan thuế khẳng định Uber B.V đã kinh doanh tại Việt Nam thì Uber phải có trách nhiệm nộp thuế.
Tổng Cục Thuế cũng có công văn 2529 hướng dẫn quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của Uber B.V (Hà Lan) tại Việt Nam.
Nhưng sau khi được ban hành, đã nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh công văn 2529 vì tại công văn hướng dẫn, Tổng cục Thuế xác định ngành nghề kinh doanh của Uber B.V là sử dụng giải pháp công nghệ để kết nối vận tải.
Do được xác định chỉ hoạt động cung cấp giải pháp công nghệ, Uber B.V chỉ phải kê khai nộp thuế trên 20% doanh thu còn các cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của Uber B.V có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT cho nhà thầu Uber theo tỉ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu với nhà thầu.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng Uber B.V thực chất là hoạt động vận tải.
Do nhiều ý kiến trái chiều, Tổng cục Thuế đã thu hồi văn bản hướng dẫn nói trên. Một tháng sau (tháng 9-2016) Bộ Tài chính đã có hướng dẫn mới về thu thuế Uber.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Uber B.V Hà Lan ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo quy định và thoả thuận phân chia kết quả kinh doanh theo doanh thu.
Cũng theo văn bản này, do không đủ điều kiện để nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ nên Uber sẽ nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu, tổng cộng mức thuế phải nộp là 5% (gồm 3% thuế VAT và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp).
Riêng cá nhân kinh doanh vận tải có ký kết hợp đồng với Uber Hà Lan phải nộp thuế theo tỉ lệ 3% đối với thuế VAT, 1,5% đối với thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng.
Sau đó Uber đã thực hiện kê khai thuế với phần doanh thu Uber được hưởng từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam và thực hiện khấu trừ nộp thay thuế với các tài xế là đối tác của Uber B.V từ tháng 9-2016 về sau.
Nhưng lúc này lại phát sinh vấn đề khi cơ quan thuế yêu cầu Uber B.V phải truy thu lại thuế của các tài xế từ khi công ty này bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam đến tháng 9-2016.
Tuy nhiên Uber B.V nêu ra nhiều lý do như nhiều tài xế đã nghỉ việc, không liên lạc được…
Phía Cục Thuế TP.HCM cũng liên tục có văn bản đốc thúc và cuối cùng dựa vào số liệu kê khai của Công ty Uber B.V Hà Lan uỷ quyền cho Uber Việt Nam thực hiện kê khai từ năm 2014 đến tháng 5 năm 2017 trên các tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài để tính ra số tiền mà Uber B.V phải kê khai và nộp thay cho các cá nhân.
Cục Thuế TP.HCM tính ra số tiền truy thu thuế, tiền chậm nộp và phạt vi phạm hành chính về hành vi kê khai sau dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp… số tiền 66,68 tỉ đồng.