28/11/2024

Trước bầu cử, Đức tập trung chống tin tặc, tin giả

Khả năng một đảng thứ ba chen chân vào liên minh cầm quyền của nước Đức khá thấp. Và cuộc bầu cử lần này cũng không gặp lo ngại về việc bị tin tặc tấn công.

 

Trước bầu cử, Đức tập trung chống tin tặc, tin giả.

 

Khả năng một đảng thứ ba chen chân vào liên minh cầm quyền của nước Đức khá thấp. Và cuộc bầu cử lần này cũng không gặp lo ngại về việc bị tin tặc tấn công.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và đối thủ chính của bà ở cuộc bầu cử liên bang năm nay – ông Martin Schulz – đã trở về “tổng hành dinh” của mỗi người hôm 22-9 để chờ kết quả cuộc bầu cử diễn ra hôm nay 24-9.

 

“Lần đầu tiên từ sau Thế chiến thứ hai, một tư tưởng phát xít sẽ có ghế ngồi ở quốc hội

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel

Tẩy chay đảng cực hữu

Với những khảo sát trước cuộc bầu cử năm nay, Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) được xem sẽ có cuộc đấu tay đôi để giành ghế trong Quốc hội Đức (Bundestag).

Bất kể một số khác biệt về chính sách tị nạn và Liên minh châu Âu (EU), CDU và SPD có quan điểm tương đồng về tổng thể. Đây cũng là lý do hai đảng này đã ký thỏa thuận “đại liên minh” (grand coalition) hồi năm 2013 để nắm quyền.

Các liên minh này luôn là điều cần thiết để đảm bảo đủ số ghế đại đa số tại Bundestag (hơn 300 ghế/598 ghế). Nhưng ai cũng thấy, trong vài năm nay, hầu như CDU ở thế lớn hơn nên gần như SPD mờ nhạt, và điều đó gây áp lực nội bộ cho ông Schulz.

Nhưng đó có vẻ không phải mối bận tâm chính lúc này. Bất kể SPD đang bị CDU dẫn hơn 10% ở cuộc khảo sát gần nhất, mối lo vẫn nằm ở chỗ Đảng dân túy cực hữu Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD) đang giành tỉ lệ ủng hộ 11 – 13%, tức vượt mốc 5% để có khoảng 60 nghị sĩ góp mặt ở Bundestag.

“AfD không phải là lựa chọn. Họ là nỗi xấu hổ của đất nước chúng ta” – AFP dẫn lời ông Schulz. Bà Merkel cũng dành bài phát biểu ngày 22-9 để đả kích tư tưởng cực đoan của AfD, còn Ngoại trưởng Sigmar Gabriel (Đảng SPD) thì cáo buộc AfD đang được dẫn dắt bởi những người kích động thù hằn và tuyên truyền tư tưởng phát xít.

Trước bầu cử, Đức tập trung chống tin tặc, tin giả - Ảnh 4.

Cử tri ở thủ đô Berlin đi bỏ phiếu sớm ngày 24-9 – Ảnh: REUTERS

Không lo bị can thiệp

Bị “tin tặc Nga” tấn công và can thiệp – đây có vẻ là mối lo thường trực trong năm 2017, năm chứng kiến hàng loạt cuộc bầu cử khắp châu Âu. Trong tháng 5, bầu cử Pháp xuất hiện một số báo cáo về việc tin tặc liên quan tới Nga tấn công chiến dịch của ông Emmanuel Macron. Trước đó là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, theo quan sát vài ngày qua, không có dấu hiệu nào đáng lo ngại với cuộc bầu cử Đức. Báo chí Mỹ đặt dấu hỏi thẳng thừng rằng tại sao… không thấy bóng dáng của người Nga quanh đây.

Tờ Washington Post đi khá xa khi đăng bài bình luận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “cài cắm” các mối quan hệ đủ mạnh ở Đức, nên cơ bản không mấy cần thiết để can thiệp vào cuộc bầu cử năm nay. Hơn nữa, dù đang tích cực chuyển đổi, tìm cách thử sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, Đức vẫn đang phụ thuộc vào Nga ở lĩnh vực năng lượng, đơn cử là dự án đường ống khí đốt nối thẳng từ Nga sang Đức. Chính vì vậy, dù muốn hay không, ở Đức đã có sẵn những người ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà EU đang áp lên Nga.

Trong khi đó, New York Times dẫn lời một số chuyên gia lý giải rằng tại Đức không có tình trạng đấu đá và thù hằn giữa các đảng chính trị như ở Mỹ. Vì thế, những thông tin kích động, thù hằn cũng hiếm đất sống.

Ít cơ hội cho tin giả

Người Đức dường như có cách tiếp cận thông tin truyền thống hơn, tin tưởng vào truyền thông chính thống hơn so với những “con nghiện” Facebook và Twitter như người Mỹ. Điều này khiến thông tin bóp méo, sai sự thật ở cuộc bầu cử Đức ít có cơ hội phát tán. Đặc biệt, khác với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016, bà Merkel đã triệu tập cuộc họp cấp cao để đề cập trực tiếp tới vấn đề tin tặc và đề cao cảnh giác hơn.

GIANG LANG