11/01/2025

Thách thức cho kinh tế chia sẻ

Dù đang là xu hướng bùng nổ nhưng mô hình kinh tế chia sẻ, nổi bật là dịch vụ taxi của Uber, đang đối mặt không ít thách thức.

 

Thách thức cho kinh tế chia sẻ

Dù đang là xu hướng bùng nổ nhưng mô hình kinh tế chia sẻ, nổi bật là dịch vụ taxi của Uber, đang đối mặt không ít thách thức.




Trên một chuyến đi sử dụng dịch vụ Uber tại MỹNGÔ MINH TRÍ

Tuần qua, truyền thông quốc tế liên tục đưa tin dịch vụ có một không hai tại Trung Quốc: chia sẻ búp bê tình dục. Điều này chứng minh mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) thực sự bùng nổ, có thể ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh.
Từ bùng nổ, hút vốn khủng
Hiểu đơn giản thì kinh tế chia sẻ là mô hình tận dụng tối đa tài sản của một người để khai thác kinh doanh: có thể đưa xe hơi làm dịch vụ taxi trong lúc rỗi rảnh, nhà dư phòng thì có thể cho khách thuê kiểu home stay, có vườn rộng thì san sẻ lại để người khác thuê trồng trọt nhỏ… Đến nay, các dịch vụ như vậy được áp dụng từ ngành “xe ôm”, taxi, xe đạp… đến cả dịch vụ cho thuê dù đi mưa, chuyên cơ, du thuyền.
Từ những mảng cơ bản, các “đại gia” về kinh tế chia sẻ đang ngày càng bành trướng như Uber cung cấp cả dịch vụ cho thuê trực thăng và kho bãi hậu cần kèm vận chuyển giao hàng, Airbnb từ chỗ cho thuê phòng trống nay cũng đã mở rộng thêm dịch vụ đặt chỗ ở khách sạn… Xa hơn, tỉ phú Elon Musk, nhà sáng lập một loạt tập đoàn lớn (Tesla, Paypal, SpaceX, The Boring…), từng khẳng định sẽ sớm đưa xe tự hành Tesla vào hoạt động taxi kiểu Uber.
Trước sự bùng nổ đó, nhiều quỹ đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới không ngừng rót vốn cực lớn cho các mô hình kinh doanh trên. Đầu tháng 9, cả thế giới xôn xao khi Quỹ đầu tư Vision, thuộc Tập đoàn viễn thông Softbank (Nhật), kết hợp cùng một số đối tác để bỏ thêm 10 tỉ USD vào Uber. Tuy nhiên, ngày 22.9, tờ The Wall Street Journal đưa tin thương vụ này đang gặp khó khăn vì một số nhà đầu tư hiện có không muốn chia sẻ nhiều quyền lợi với Softbank. Hiện nay, Uber có giá trị thị trường hơn 70 tỉ USD và đang là cái bánh mà giới đầu tư đều muốn chia phần.
Đối thủ của Uber là Lyft cũng vừa được Alphabet, tập đoàn mẹ của Google, tuyên bố đang xét rót thêm 1 tỉ USD.
Đến chỉ trích
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ xu hướng kinh doanh trên. Uber ra đời khiến giới tài xế taxi truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập. Ngày 23.9, truyền thông Anh dẫn thông báo từ cơ quan quản lý phương tiện giao thông ở thủ đô London của nước này cho hay tạm thời không tiếp tục gia hạn giấy phép cho Uber sau khi hết hạn vào ngày 30.9 tới. Lý do được đưa ra là Uber chưa thể hiện trách nhiệm những vấn đề liên quan an toàn và an ninh công cộng. Quyết định này đang tạo ra tranh cãi khi đại diện Uber khẳng định sẽ “đấu tranh”.
Thách thức cho kinh tế chia sẻ - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Hồng Kông mạnh tay truy quét Uber

Cảnh sát Hồng Kông ngày 23.5 bắt giữ 21 tài xế Uber vì tội lái và cho thuê dịch vụ xe mà không đăng ký bảo hiểm rủi ro, đánh dấu đợt truy quét Uber đang diễn ra tại đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Thực tế, không riêng gì ở London, Uber còn gặp rắc rối ở California (Mỹ). Giữa tháng 9, Bloomberg dẫn lời ông Antonio Villaraigosa, cựu Thị trưởng thành phố Los Angeles ở bang California và là người đang tranh cử chức thống đốc bang này, cho rằng Uber cùng với Lyft cần quan tâm quyền lợi giai cấp trung lưu. Cụ thể ở đây là những người lái taxi vốn từng đạt thu nhập có thể lên đến 100.000 USD (hơn 2,2 tỉ đồng) mỗi năm thì nay đang gặp khó khăn. Ông lo ngại khi kinh tế chia sẻ phát triển quá mạnh sẽ khiến lực lượng thất nghiệp tăng cao. Chính vì thế, ứng viên này khẳng định nếu đắc cử sẽ quyết tâm “cải thiện môi trường kinh doanh”, siết chặt hoạt động của mô hình kinh doanh trên.
Hệ lụy xã hội từ mô hình kinh tế chia sẻ cũng là vấn đề đang được quốc hội Mỹ quan tâm. Đầu tháng 9, Hạ viện Mỹ đã tổ chức điều trần về vấn đề này khi hiện có đến 3,2 triệu người đang làm việc với mô hình kinh tế chia sẻ. Hiện nay, nhiều người tham gia mô hình này không tham gia bảo hiểm y tế, chế độ hưu bổng như các lao động thông thường.
Hồi cuối tháng 8, chuyên trang The Regulatory Review đưa tin chính quyền thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ) đang đẩy mạnh các quy định để siết chặt hoạt động của dịch vụ cho thuê nhà Airbnb. Cụ thể, chính quyền chỉ cho mỗi chủ kinh doanh được sử dụng thêm 1 căn nhà ngoại trừ căn nhà đang ở để hoạt động Airbnb. Điều này đồng nghĩa với việc không cho phép người dân thuê nhiều nhà để cho thuê lại thông qua Airbnb. Mặt khác, với căn nhà thứ 2, người chủ không được cho thuê quá 180 đêm mỗi năm. Nhiều bang khác của Mỹ cũng đang đẩy mạnh kiểm soát các dịch vụ kinh tế chia sẻ.
Thách thức cho kinh tế chia sẻ - ảnh 2

 
 


Ngô Minh Trí