11/01/2025

Học nghề có việc làm ngay

Nhiều cơ sở đào tạo nghề cho biết thị trường đang rất “khát” lao động nên có những nghề học viên chỉ cần học 3-6 tháng là có việc làm ngay.

 

Học nghề có việc làm ngay

 

Nhiều cơ sở đào tạo nghề cho biết thị trường đang rất “khát” lao động nên có những nghề học viên chỉ cần học 3-6 tháng là có việc làm ngay.


Nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn nhưng tìm không được lao động, ngược lại người trong độ tuổi lao động lại thất nghiệp rất nhiều. Nguyên nhân vì hai bên chưa gặp nhau

Phó trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật Vinatex TP.HCM

Nhóm ngành nghề học ngắn hạn dễ kiếm việc nhất gồm có kiểm tra chất lượng sản phẩm, điện, điện tử, cơ khí, may mặc…

Nhu cầu rất lớn

Ông Nguyễn Duy Tiến, phó trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật Vinatex TP.HCM, cho biết: “Mới đây có doanh nghiệp đến trường “đặt hàng” 200 lao động ngành điện, trình độ từ sơ cấp nghề (học 3-6 tháng) đến trung cấp nghề, ký hợp đồng trong năm nay. Dù rất muốn nhưng nhà trường không thể ký hợp đồng vì không có người học”.

Theo ông Tiến, ngành dệt may hiện rất khan hiếm nhân công. Khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp chỉ cần tuyển người có trình độ sơ cấp, kiến thức cơ bản đủ để nhận định sản phẩm đã đạt chuẩn chất lượng hay chưa. Do đó, người học tham gia lớp ngắn hạn 3 tháng là có thể xin việc vào vị trí này.

“Nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn nhưng tìm không được lao động. Ngược lại, người trong độ tuổi lao động lại thất nghiệp rất nhiều. Nguyên nhân vì hai bên chưa gặp nhau. 

Doanh nghiệp cần người có trình độ chuyên môn tham gia sản xuất trực tiếp bởi nhân sự cho vị trí quản lý, kỹ thuật hầu hết đã ổn định. Còn người lao động tốt nghiệp đại học rất nhiều nhưng lại e ngại phải lao động trực tiếp” – ông Tiến giải thích.

Tương tự, ông Bùi Văn Hưng – phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2 (TP.HCM) – cũng cho biết nhà trường tổ chức một khoá học chỉ chuyên sửa máy lạnh và rửa máy lạnh với thời gian 3 tháng. 

Hoàn thành kh học, người học ra có việc làm ngay với thu nhập khởi điểm từ 7 triệu đồng/tháng. Nếu không làm được thì học viên có quyền “bắt đền” trường.

“Hiện nay, với các ngành nhà hàng, công nghệ ôtô, điện công nghiệp… hầu hết doanh nghiệp chỉ đòi hỏi kỹ năng chứ không cần bằng cấp. Họ kiểm tra kỹ năng, tay nghề trực tiếp, đạt là họ nhận ngay. 

Nhiều doanh nghiệp đang liên kết với nhà trường để dạy sinh viên kỹ năng và nhà trường đang cố gắng cam kết ra trường có việc làm 100%” – ông Hưng cho biết thêm.

Doanh nghiệp trả học phí

Ông Nguyễn Duy Tiến cũng cho biết trường liên kết với Tổng công ty May Nhà Bè và Tổng công ty 28 tổ chức các lớp vừa làm vừa học trực tiếp tại công ty. Học xong học viên được cấp bằng CĐ hệ chính quy, học phí do doanh nghiệp trả cho trường. Vì vậy sinh viên học không phải nộp học phí.

Nhiều trường CĐ, trung cấp sắp xếp giờ học linh hoạt để sinh viên đi làm thêm, tiếp xúc và gắn với doanh nghiệp, vừa bồi dưỡng kỹ năng trực tiếp. 

Tại Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, với ngành xây dựng, điện công nghiệp, trường liên kết với doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực hành ngay tại công trường của doanh nghiệp, biến buổi thực hành thành buổi làm việc. Sinh viên được doanh nghiệp cấp bảo hiểm lao động và phải tuân thủ quy định của công trình.

“Chúng tôi luôn xác định sinh viên không phải công nhân. Sinh viên là người học, làm không bằng công nhân nên lương sẽ bằng một nửa của công nhân. Một buổi như vậy sẽ có hai người dạy.

Một người là giảng viên của trường, người còn lại là của doanh nghiệp đứng ra hướng dẫn cho sinh viên làm. Từ học kỳ 2 năm nhất, sinh viên đã được đi thực hành tại công trường” – ông Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng – hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, hiện nay các trường CĐ nghề đã thay phương thức đào tạo với 70% thực hành và 30% lý thuyết. Học lý thuyết phải song song với thực hành. Sinh viên mới vào học năm nhất, nhà trường đã cho xuống xưởng và doanh nghiệp ngay.

Gắn với doanh nghiệp

“Nhà trường gắn với doanh nghiệp, sinh viên vừa học ở trường vừa học ở doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trường còn thường xuyên cử người đến các doanh nghiệp xem xét những thay đổi máy móc, chuỗi sản xuất, khảo sát công nghệ để người học dễ dàng tham gia vào bộ máy sản xuất.

Ngoài ra, một số trường còn đảm bảo đào tạo liên tục, đào tạo lại miễn phí và cập nhật công nghệ mới nhất cho người đã tốt nghiệp” – bà Nguyễn Thị Hằng cho biết.

PHƯƠNG NGUYỄN