10/01/2025

‘Cởi trói’ cho doanh nghiệp làm ăn

Bộ Công thương cần phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là nói phải đi đôi với làm.

 

‘Cởi trói’ cho doanh nghiệp làm ăn

Bộ Công thương cần phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là nói phải đi đôi với làm.

 

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng, nói như vậy tại buổi làm việc với Bộ Công thương về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, diễn ra sáng 22-9. 

Tại buổi làm việc, ông Dũng cũng cho biết Thủ tướng đã gửi lời khen Bộ Công thương trong việc tái cơ cấu bộ máy, nỗ lực xử lý 12 dự án thua lỗ và đặc biệt là đi tiên phong trong rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.

Nói phải đi đôi với làm

Đánh giá về quyết định của Bộ Công thương (ngày 21-9) về việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh và bỏ 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan, ông Dũng ví von rằng đây như một “công bố cách mạng”, đồng thời khẳng định buổi làm việc của tổ công tác cũng là dịp để “đốc thúc” cho bộ này thực hiện quyết liệt hơn.

“Công bố bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh, bãi bỏ 420 thủ tục kiểm tra chuyên ngành là không đơn giản. Bởi không thể công bố bừa, mà có sự giám sát của doanh nghiệp và người dân, báo chí” – ông Dũng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, theo ông Dũng, Bộ Công thương cần phải tiếp tục rà soát, cắt giảm thêm các điều kiện kinh doanh và nói phải đi đôi với làm.

Dẫn trường hợp một doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị viễn thông phản ảnh “xin giấy phép tạm nhập mất 1 tuần, đưa thiết bị tới nơi kiểm tra mất 10 ngày, xin giấy hợp chuẩn hợp quy mất 10 ngày và giấy nhập khẩu mất thêm 10 ngày”, ông Dũng cho rằng doanh nghiệp này đã phải “vắt chân lên cổ” bởi hải quan chỉ cho phép thời gian nộp các thủ tục trong 30 ngày!

Do vậy, theo ông Dũng, Bộ Công thương cần tiếp tục và quyết liệt rà soát kiểm tra chuyên ngành, rà soát và điều chỉnh các danh mục hàng hóa còn chồng chéo giữa Bộ Công thương và các bộ theo hướng một mặt hàng chỉ giao cho một cơ quan chủ trì; giảm danh mục hàng hóa kiểm tra và tỉ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan. 

Đặc biệt, phải áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, rà soát kiểm tra chuyên ngành thực phẩm nhập khẩu theo hướng giảm kiểm tra hàng hóa; rà soát các chứng từ có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất kiểm tra tương tự nhau.

“Ngoài ra, cần có sự chia sẻ thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, với cơ quan hải quan và các cơ quan khác. Thực hiện công khai và minh bạch, hạn chế việc một mặt hàng phải chịu điều chỉnh nhiều văn bản, giảm bớt giấy tờ và thủ tục để giảm tiêu cực” – ông Dũng nói.

Còn nhiều thủ tục gây khó cho doanh nghiệp

“Văn bản rất tốt nhưng thực tế lại không hoàn toàn như mong muốn của doanh nghiệp. Vì vậy, rất mong khi Bộ Công thương ban hành văn bản nhưng phải đảm bảo việc thực hiện theo đúng yêu cầu” – bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), đề nghị.

Dẫn trường hợp thủ tục dán nhãn năng lượng, dù Bộ Công thương đã bỏ thủ tục yêu cầu doanh nghiệp phải đến đăng ký với Bộ Công thương nhưng theo bà Thảo, trên thực tế doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải có số tiếp nhận thì sản phẩm mới được lưu hành! 

Tương tự là lĩnh vực khai báo hóa chất, dù Bộ Công thương tuyên bố sửa các thủ tục nhưng gần một năm nay vẫn chưa thực hiện.

Đại diện của Hiệp hội Gas VN cũng phàn nàn về quy định nhập khẩu gas phải khai báo hóa chất, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí. 

“Dù quy định này đã được Bộ Công thương đưa vào danh mục cho phép làm dịch vụ công trực tuyến từ nhiều tháng nay, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai” – vị này cho biết.

Theo vị này, để xin được giấy, doanh nghiệp phải mất ít nhất hai lần đến Cục Hóa chất (Bộ Công thương), nhưng vướng mắc nhất là thời gian để xin cấp được giấy mất tới 7 ngày. Trong khi đó, hải quan lại yêu cầu phải xuất trình ngay giấy tờ này khi làm thủ tục hải quan.

Chưa hết, thời gian mà khí dầu mỏ hoá lỏng từ cảng nước ngoài về VN chỉ mất 1-2 ngày. Thời gian dỡ hàng chỉ trong vòng 24 giờ. 

Nếu quá thời gian này, chủ tàu sẽ phạt lưu tàu lớn, từ 6.000-9.000 USD/ngày. “Nếu kéo dài thời gian xin cấp thủ tục khai báo hoá chất, doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí rất lớn” – vị này nói.

Trong khi đó, dù thừa nhận việc bãi bỏ thông tư 37 đã góp phần giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cho biết vẫn còn những quy định cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi như yêu cầu để nhập khẩu máy in, chủ doanh nghiệp phải có bằng cao đẳng trở lên, bắt đi học ba tháng…

Ông Trần Tuấn Anh (bộ trưởng Bộ Công thương):

Không chạy theo số lượng

1

 

Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trên tinh thần cầu thị, trung thực.

Việc cải cách này không phải mang tính bắt buộc, mà là quan điểm, sự tự nguyện, tự giác để thực hiện đồng bộ trong Bộ Công thương.

Đến nay chúng tôi cải cách đồng bộ chứ không riêng việc kiểm tra chuyên ngành, từ tái cơ cấu tổ chức bộ máy, tinh giản đến cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục.

Đây không phải phiêu lưu chính trị hay phiêu lưu quản lý chuyên môn. Chúng tôi không cố đạt con số nào gây ấn tượng, mà liên tục sửa, làm việc nhiều với các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương.

Ông Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN):

Phải gắn với hiệu quả mang lại cho DN

2

Ảnh: TỰ TRUNG

Cắt giảm điều kiện kinh doanh như trên là con số lớn, cho thấy quyết tâm của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có quá nhiều điều kiện kinh doanh hiện nay rất bất hợp lý, chỉ cần soi là cắt được hết.

Việc cắt giảm thủ tục cần được khuyến khích, nhưng cần rà soát tiếp để tăng chất lượng của hoạt động này một cách thực sự, tránh trường hợp “cắt toàn râu ria, số lượng nhiều mà chất lượng chưa đáng kể”.

Điều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là giảm nhiều thủ tục như vậy, thời gian thực hiện các thủ tục có giảm đi không?

Có nghĩa số lượng công việc có giảm không, hay vì lợi ích bộ máy lại tăng thêm việc khác để kiếm thêm, gây khó thêm cho doanh nghiệp.

Do đó, cần phải thực hiện đồng bộ, bởi cắt giảm thủ tục chỉ mới là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để đảm bảo hiệu quả bộ máy.