11/01/2025

Trung Quốc chuyển chiến thuật ‘đường lưỡi bò’ ở Biển Đông ?

Trung Quốc được cho là vừa chuyển hướng mánh khoé pháp lý để thúc đẩy những yêu sách phi lý của nước này ở Biển Đông.

Trung Quốc chuyển chiến thuật ‘đường lưỡi bò’ ở Biển Đông ?

Trung Quốc được cho là vừa chuyển hướng mánh khoé pháp lý để thúc đẩy những yêu sách phi lý của nước này ở Biển Đông.

 

 

 

Trung Quốc xây dựng phi pháp các công trình trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam /// Ảnh: AMTI

Trung Quốc xây dựng phi pháp các công trình trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt NamẢNH: AMTI

Tờ Washington Free Beacon ngày 21.9 tiết lộ cách diễn giải phi lý mới của Trung Quốc được giới chức ngoại giao nước này thông báo trong cuộc họp kín với phía Mỹ ở thành phố Boston vào ngày 28 và 29.8. Cụ thể, Trung Quốc không còn tập trung vào cái gọi là “đường lưỡi bò”, mà chuyển sang vận dụng thủ đoạn gọi là “Tứ Sa”.
Theo cách mô tả sơ sài, rối rắm và phi lý của Vụ phó Vụ Điều ước và pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Tân Dân, cái gọi là chiến thuật “Tứ Sa” được hiểu là bao gồm việc ngụy xưng vùng nước lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đối với một vùng biển rộng lớn xung quanh 4 khu vực bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Pratas ở phía bắc Biển Đông và bãi Macclesfield ở phía tây, trong đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Vùng biển được ông Mã mô tả cũng bao phủ khu vực rộng không kém gì cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc nguỵ xưng.
Theo Washington Free Beacon, giới chức Mỹ tham dự cuộc họp đã bày tỏ sự bất ngờ trước chiến thuật pháp lý mới của Trung Quốc trong mưu đồ kiểm soát vùng biển này bởi nó chưa từng được đề cập trước đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins cho hay bộ này không bình luận về các cuộc thảo luận ngoại giao, song khẳng định Mỹ có quan điểm rõ ràng và nhất quán là các yêu sách về biển của mọi quốc gia ở Biển Đông và trên thế giới phải phù hợp với luật pháp quốc tế về biển như được thể hiện trong Công ước LHQ về luật Biển 1982.
Bước đi mới về pháp lý của Trung Quốc được triển khai sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) và tháng 7.2016 ra phán quyết bác bỏ dứt khoát yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Đại tá hải quân Mỹ về hưu Jim Fanell, từng là một sĩ quan tình báo thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, nhận xét Trung Quốc dường như chuyển hướng sang khái niệm mới về “Tứ Sa” sau khi yêu sách “đường lưỡi bò” khiến cả khu vực cảnh giác về mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của nó vẫn là nhằm kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.
Ông Fanell nói chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước hết phải nhắc nhở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới về phán quyết năm 2016 của PCA, vốn kết luận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc vừa phi pháp vừa phi lý. “Thứ hai, Mỹ nên triển khai thường trực một tàu sân bay hoặc một nhóm tác chiến viễn chinh đến Biển Đông để bảo đảm cho Trung Quốc biết rằng lời nói của chúng ta không phải là nói suông”, ông Fanell nói với tờ Washington Free Beacon.

 

Công Chính