11/01/2025

Ngân sách lo trả nợ, tăng trưởng kinh tế gặp khó

Nhu cầu chi không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực khiến ngân sách gặp khó khăn, mà nguyên nhân chủ yếu là do nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh.

 

Ngân sách lo trả nợ, tăng trưởng kinh tế gặp khó

 

Nhu cầu chi không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực khiến ngân sách gặp khó khăn, mà nguyên nhân chủ yếu là do nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh.

 

Đấy là ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn tài chính Việt Nam: Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững diễn ra ở Hà Nội ngày 21-9.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng của nợ công khi cho biết theo dự báo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2017 nợ công của Việt Nam vào khoảng 62,8% GDP và sẽ tăng lên mức 63,4% GDP vào cuối năm 2018. 

“Nhưng nếu tính cả nợ xây dựng cơ bản, nợ không xử lý được của các doanh nghiệp Nhà nước, nợ công của Việt Nam rất đáng lo ngại”, ông Tuấn cảnh báo.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng bày tỏ lo ngại chi thường xuyên tăng quá nhanh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, chi đầu tư công vài năm gần đây lại giảm từ 25% tổng chi ngân sách xuống 20%.

“Rõ ràng cơ cấu chi có vấn đề bởi muốn phát triển nhưng chi đầu tư lại giảm, trong khi chi thường xuyên lại tăng. Chưa kể chi trả nợ lãi có xu hướng tăng nhanh và đã lên tới 20% tổng chi ngân sách sau khi không thể duy trì mức ổn định 15% suốt hơn một thập kỷ qua” – ông Ánh khuyến cáo.

Theo bản tin nợ công số 5 vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ công Việt Nam trong năm 2015 chiếm 61% GDP với hơn 94 tỉ USD (tương đương hơn 2 triệu tỉ đồng), trong đó, nợ nước ngoài là 39,6 tỉ USD và nợ trong nước là hơn 54 tỉ USD.

Trong năm 2015, Chính phủ đã trả được hơn 13,3 tỉ USD, tương đương hơn 288.000 tỉ đồng, chủ yếu là trả nợ vay trong nước.

Về cơ cấu vay nợ theo thị trường, từ năm 2013 trở lại đây Chính phủ chủ yếu vay trong nước, hạn chế vay nước ngoài.

Năm 2015, nợ trong nước là 54 tỉ USD, trong khi đó năm 2011 vay trong nước dừng lại ở con số 20 tỉ USD.

Phải chặn đà chi thường xuyên

Phát biểu tại diễn đàn, tiến sĩ Nguyễn Thành Long (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết chi thường xuyên rất lớn và tăng mạnh trong những năm vừa qua, từ 55,1% tổng chi vào năm 2001 lên 65,67% tổng chi trong năm 2016. 

Ngược lại, chi đầu tư phát triển bị “bóp” lại, giảm từ 31% tổng chi năm 2001 còn 25% năm 2016.

Để giảm nợ công và giảm căng thẳng cho ngân sách, theo các chuyên gia, cần phải chặn đà tăng của chi thường xuyên, đồng thời có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển. 

“Chi thường xuyên tăng quá nhanh, cần phải tính toán và rà soát để cắt giảm. Nếu chúng ta cứ theo chi thường xuyên như hiện nay, ngân sách trong 5-7 năm tới sẽ không đáp ứng được” – một chuyên gia nhận định.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng đã đến lúc có giải pháp chặn đà gia tăng của chi thường xuyên, đồng thời tập trung nguồn lực cho sự phát triển. 

Theo ông Tuấn, vốn dành cho đầu tư công chiếm 8-10% GDP nhưng hiệu quả rất thấp. Chi đầu tư công từ nguồn vốn ODA cũng chỉ chiếm 10-15% trong tổng chi đầu tư.

“Hầu hết các công trình trọng điểm của quốc gia đều là vốn từ ODA. Vốn trong nước đầu tư cho công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải có năm không vượt quá 2%. Đấy là một vấn đề” – ông Tuấn nói.

Cùng với việc giảm chi, nhiều chuyên gia cũng cho rằng để ngân sách bớt căng thẳng, cần mở rộng cơ sở thu.

Chẳng hạn, theo đại diện Ngân hàng Thế giới, việc đánh thuế tài sản được các nước áp dụng từ lâu, nhưng Việt Nam hiện mới chỉ tính thuế đối với đất, do đó, cần sớm tính đến chính sách thuế tài sản.

LÊ THANH