11/01/2025

10 quốc gia châu Phi vẫn buôn bán vũ khí với Triều Tiên

Triều Tiên và nhiều quốc gia châu Phi đã và đang trở thành những đối tác thương mại ngày càng gắn kết, nhất là trong các thương vụ mua bán vũ khí.

10 quốc gia châu Phi vẫn buôn bán vũ khí với Triều Tiên

Triều Tiên và nhiều quốc gia châu Phi đã và đang trở thành những đối tác thương mại ngày càng gắn kết, nhất là trong các thương vụ mua bán vũ khí.

 

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Công nghệ Massachusetts, hiện mỗi năm Bình Nhưỡng xuất khẩu lượng hàng hoá giá trị hơn 100 triệu USD tới châu Phi.

Một ủy ban của LHQ đang điều tra cáo buộc các nước châu Phi gửi hàng triệu USD cho Triều Tiên để mua vũ khí và các dịch vụ huấn luyện quân sự.

Báo cáo mới nhất của LHQ cho biết tính tới thời điểm này trong năm 2017, Triều Tiên đã xuất khẩu lượng hàng hoá trị giá 270 triệu USD.

Uỷ ban của LHQ sẽ điều tra những cáo buộc liên quan tới Triều Tiên trong các việc: huấn luyện lực lượng bảo vệ tổng thống cho Cộng hoà dân chủ Congo và Angola; bán vũ khí tự động cho Congo; bán vũ khí và radio quân sự cho Eritrea; bán hệ thống tên lửa chống máy bay cho Mozambique; sửa chữa và nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và hệ thống rađa phòng không của Uganda; bán cho Tanzania các hợp đồng trị giá 12,5 triệu USD liên quan tới vũ khí, khí tài quân sự.

Ngoài ra uỷ ban này cũng sẽ điều tra về những vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ chưa được nêu rõ của Benin, Botswana và Zimbabwe. Đồng thời xác minh việc có phải Triều Tiên đang xây dựng một trung tâm thu thập thông tin tình báo và nhà máy sản xuất đạn dược ở Namibia hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng cảnh báo bất cứ nước nào có quan hệ kinh tế hay quân sự hoặc bất cứ dạng thức quan hệ nào khác, nghĩa là “đang hỗ trợ và tiếp tay cho một chính quyền nguy hiểm”.

Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đe doạ cắt đứt quan hệ thương mại cũng như huỷ bỏ chương trình hỗ trợ của họ với những nước tiếp tục làm ăn với Triều Tiên.

LHQ và Mỹ đặc biệt quan ngại về mối quan hệ giữa Namibia và Bình Nhưỡng, trong năm qua cũng đã gây áp lực để các nhà lãnh đạo Namibia cắt đứt quan hệ với Triều Tiên.

Tuy nhiên tại Namibia, quốc gia có 2,5 triệu dân, Triều Tiên đã thực sự cắm rễ được rất sâu trong quan hệ.

Uganda cũng bị cáo buộc có quan hệ sâu sắc với Triều Tiên khi tổng thống của nước này, ông Yoweri Museveni, biết nói tiếng Triều Tiên.

Trên thực tế, một nguồn tin của đài Mỹ cho biết chỉ 7% các nghị quyết LHQ liên quan tới châu Phi được châu lục này ủng hộ, thực thi.

D. KIM THOA