28/11/2024

Bà Suu Kyi đối mặt khủng hoảng Rohingya

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cam kết tìm ra giải pháp bền vững để tiến tới hoà bình, ổn định và phát triển cho mọi cộng đồng trong nước.

 

Bà Suu Kyi đối mặt khủng hoảng Rohingya

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cam kết tìm ra giải pháp bền vững để tiến tới hoà bình, ổn định và phát triển cho mọi cộng đồng trong nước.


 

 

 

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu tại thủ đô Naypyitaw ngày 19.9ẢNH: REUTERS

Trong bài phát biểu toàn quốc được phát sóng trực tiếp ngày 19.9, Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi lần đầu lên tiếng về cuộc khủng hoảng liên quan đến cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở miền bắc Myanmar. Đài CNN dẫn lời bà tuyên bố: “Tôi biết thế giới đang quan tâm đến tình hình ở bang Rakhine. Là một thành viên có trách nhiệm, Myanmar không sợ sự giám sát quốc tế. Có những cáo buộc và cả sự bác bỏ. Chúng tôi phải lắng nghe tất cả và đảm bảo những cáo buộc đó dựa trên bằng chứng xác thực trước khi hành động”.
Tuyên bố của bà Suu Kyi đưa ra giữa lúc dư luận thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào phản ứng của chính phủ Myanmar. Theo báo cáo của LHQ, hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy khỏi bang Rakhine để sang tị nạn ở quốc gia láng giềng Bangladesh, sau khi quân đội Myanmar tiến hành chiến dịch truy quét nhóm nổi dậy tấn công đồn cảnh sát hồi cuối tháng 8. Theo bà Suu Kyi, quân đội được chỉ đạo kiềm chế, đồng thời dùng mọi biện pháp để tránh gây thương vong cho dân thường vô tội.
Trong phát biểu của mình, bà Suu Kyi lên án tất cả sự vi phạm nhân quyền và bạo lực bất hợp pháp, đồng thời cam kết khôi phục hoà bình, ổn định và luật lệ tại bang Rakhine. Mặc dù không nêu tên cộng đồng người Rohingya, nhưng bà bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với những ai phải chịu đau khổ, phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc xung đột. Bà cũng nhấn mạnh muốn tìm hiểu tại sao nhiều người Hồi giáo chạy sang Bangladesh, trong khi hơn 50% làng của người Hồi giáo không hề bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Đối với những người đã rời đi, Myanmar sẵn sàng cho phép hồi hương, đồng thời đảm bảo an ninh và hỗ trợ nhân đạo cho họ thông qua một tiến trình xác minh. Tuy nhiên, quá trình này được cho là rất phức tạp vì hầu hết người Rohingya bỏ chạy chỉ mang theo ít đồ đạc, trong khi nhà cửa của họ có thể đã bị đốt phá, theo AFP.
Trước sức ép của dư luận, bà Suu Kyi mời giới quan sát bên ngoài tới Myanmar và trực tiếp tìm hiểu tình hình. Naypyitaw kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để chấm dứt cuộc xung đột và góp phần xây dựng hoà bình khắp nước này. Bài phát biểu của cố vấn Suu Kyi được các nhà ngoại giao Nga, Trung Quốc và cả phương Tây hoan nghênh dù vẫn còn những hoài nghi và dè dặt.
Cũng trong hôm qua, ông Marzuki Darusman, lãnh đạo nhóm điều tra của LHQ về bạo lực ở Myanmar đã yêu cầu Hội đồng Nhân quyền LHQ cho thêm thời gian để làm rõ các cáo buộc giết người hàng loạt, tra tấn, xâm phạm tình dục, đốt phá ở bang Rakhine. Tuy nhiên, đại sứ Myanmar tại LHQ Htin Lynn cho rằng cuộc điều tra đó không phải giải pháp hữu ích.
Bà Suu Kyi đối mặt  khủng hoảng Rohingya - ảnh 1

 
 


Ngọc Mai