29/11/2024

Trông chờ vào sự thay đổi của giáo viên

Trước những đổi mới được thể hiện trong đề minh hoạ môn toán kỳ thi vào lớp 10 vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố, nhiều ý kiến cho rằng giáo viên sẽ giữ vai trò quyết định việc học sinh đậu hoặc trượt trong kỳ thi này.

 Từ đề minh hoạ kỳ thi vào lớp 10 môn toán:

Trông chờ vào sự thay đổi của giáo viên

 

Trước những đổi mới được thể hiện trong đề minh hoạ môn toán kỳ thi vào lớp 10 vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố, nhiều ý kiến cho rằng giáo viên sẽ giữ vai trò quyết định việc học sinh đậu hoặc trượt trong kỳ thi này.


 

 

 

Học sinh lớp 9 tại TP.HCM trong giờ học môn toán 	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Học sinh lớp 9 tại TP.HCM trong giờ học môn toánẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 

 Không nhiều giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới
Theo nhiều chuyên gia, những thay đổi của đề minh hoạ môn toán tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM đặt ra yêu cầu giáo viên (GV), học sinh (HS) phải điều chỉnh cách dạy và học theo hướng tăng thực tiễn, tăng vận dụng. Nếu không kịp thời thay đổi, có thể sẽ đi lệch định hướng và hệ quả là tỷ lệ HS trượt kỳ thi lớp 10 có thể sẽ tăng cao.
Giáo viên môn toán một trường THCS tại Q.1 phân tích: “Phần lớn các câu hỏi đổi mới theo kiểu tích hợp nhiều môn học. Tức là kiến thức toán trong lý, hoá, sinh… chứ không hoàn toàn là toán như chương trình truyền thống. Kiểu tích hợp này là định hướng mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới. Tuy nhiên, chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện tại chưa thể hiện điều này. Vì vậy, để có thể lái HS đi theo hướng tích hợp và thực tiễn thì vai trò của GV sẽ rất lớn”.
Một trưởng phòng giáo dục cũng nêu thực tế: “Hiện tại số lượng GV đủ giỏi, chịu đổi mới, chịu chuyển động theo cái mới vẫn ít hơn rất nhiều so với GV bảo thủ theo cách dạy truyền thống. Tất nhiên, những HS may mắn được học với những GV nhìn ra cái mới và biết cách bo theo thì kết quả sẽ tốt. Ngược lại, những HS không may mắn phải học với những GV chưa kịp thay đổi thì hệ quả là điểm sẽ thấp, nguy cơ trượt kỳ thi vào lớp 10. Mà lỗi không hoàn toàn là của các em”.
Vị trưởng phòng này cho rằng những thay đổi theo hướng tích cực mà Sở đang làm là cần thiết. Tuy nhiên, đối với GV cần cho họ thời gian để chuẩn bị. Nếu cần thiết thì cần có những biện pháp mạnh mẽ để “thay máu” đội ngũ GV. Khi GV đã sẵn sàng, việc áp dụng một cách học mới sẽ công bằng đối với HS”.
Kiến thức đề minh hoạ có nằm ngoài SGK ?
Một số GV cho rằng đề minh hoạ môn toán vừa được Sở công bố thấy chỉ có khoảng 30% kiến thức nằm trong SGK.
Trước thông tin này, lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học, đơn vị phụ trách biên soạn đề thi, khẳng định tất cả kiến thức của đề minh hoạ đều là kiến thức cơ bản trong chương trình và theo đúng chuẩn của Bộ yêu cầu đối với HS hoàn thành lớp 9. Trong đó, 3 câu đầu là 3 câu hỏi theo cách cũ thường thấy trong SGK, hơi thiên về cách kiểm tra kiến thức. Các câu hỏi còn lại là dạng bài có cách hỏi mới, chưa có nhiều trong SGK chứ kiến thức không nằm ngoài chương trình.
Một số GV toán tại Q.1 cũng khẳng định các yêu cầu kiến thức của đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình. Trong đó, có khoảng 30% là dạng toán truyền thống, 60% là dạng toán đòi hỏi HS vận dụng kiến thức cơ bản để giải quyết vấn đề và 10% là dạng bài có tính phân loại.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay Sở sẽ hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho GV để tăng cường phương pháp giảng dạy theo hướng vận dụng. Dự kiến sau lần công bố đề minh họa này, vào đầu học kỳ 2, Sở sẽ công bố đề minh hoạ một lần nữa để GV và HS thêm cơ hội tiếp cận với việc đổi mới.
Từ nội dung đề minh hoạ biên soạn theo hướng tăng cường tính vận dụng thực tiễn, nhiều GV băn khoăn căn cứ vào giáo trình nào để dạy. Trước vấn đề này, lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học cho biết ngay từ năm 2006, trong chương trình và chuẩn kiến thức kỹ năng, Bộ GD-ĐT đã khẳng định không bắt buộc GV phải dạy theo SGK mà phải đảm bảo theo đúng chuẩn kiến thức kỹ năng. SGK là tài liệu tham khảo chính thức. Tức GV phải dạy làm sao để HS đạt được những chuẩn kiến thức kỹ năng mà Bộ quy định nên có thể có phương pháp giảng dạy, cách dẫn dắt, các ví dụ minh họa khác SGK để làm sao có hiệu quả nhất. Do đó việc kiểm tra đánh giá căn cứ theo chuẩn kiến thức kỹ năng chứ không nhất thiết phải bám SGK.
HS cũng phải tự chuyển động nếu GV không đổi mới !

Ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán, Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay để đưa ra định hướng dạy và học phù hợp thì GV, HS cần bám sát vào cấu trúc đề chứ không phải đề minh họa. Trong cấu trúc đề thi đã được công bố có quy định rất rõ về các dạng bài sẽ có trong đề thi ứng với số lượng câu hỏi. Những dạng toán trong này vẫn hoàn toàn nằm trong chương trình giáo dục THCS nhưng thay đổi yêu cầu đối với HS thay vì bê nguyên kiến thức, áp dụng một cách máy móc thì phải biết phát triển, biết vận dụng kiến thức. Ông Lộc cũng khẳng định: “Những thay đổi này vẫn dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản. Vì vậy, trong trường hợp GV chưa chủ động chuyển động trong bài giải thì HS vẫn có thể tự chuyển động bằng cách nắm vững kiến thức cơ bản và tự liên hệ với thực tiễn”.


 

Lam Ngọc – Bích Thanh