29/11/2024

Sửa luật để cứu dự án thua lỗ?

Sau khi áp dụng biện pháp tự vệ đối với ngành phân bón hồi tháng trước, Bộ Công thương lại kiến nghị sửa luật thuế để “hà hơi thổi ngạt” cho các nhà máy phân bón đang lỗ nặng.

 

Sửa luật để cứu dự án thua lỗ?

Sau khi áp dụng biện pháp tự vệ đối với ngành phân bón hồi tháng trước, Bộ Công thương lại kiến nghị sửa luật thuế để “hà hơi thổi ngạt” cho các nhà máy phân bón đang lỗ nặng.



 

Đạm Hà Bắc vẫn lỗ 35 tỉ đồng và tồn kho khoảng 8.500 tấn /// Ảnh: Chí Hiếu

Đạm Hà Bắc vẫn lỗ 35 tỉ đồng và tồn kho khoảng 8.500 tấnẢNH: CHÍ HIẾU

Tồn kho, thua lỗ
Theo báo cáo của Bộ Công thương, 4 nhà máy phân bón nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ kéo dài của ngành là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 1 (Hải Phòng) và DAP số 2 (Lào Cai) thì hầu hết đã quay trở lại hoạt động ổn định với phụ tải trung bình đạt từ 75 – 90%. Nhờ các giải pháp “thắt lưng buộc bụng” nên kết quả kinh doanh các nhà máy này đã cải thiện.
Tuy nhiên, trong thực tế, ngoại trừ Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng đã có lợi nhuận không đáng kể (khoảng 4 tỉ đồng trong tháng 8) thì các nhà máy còn lại vẫn lỗ nặng, tồn kho lớn. Nhiều nhất là đạm Ninh Bình lỗ 68 tỉ đồng, hàng tồn kho còn khoảng gần 33.000 tấn; đạm Hà Bắc lỗ 35 tỉ đồng và hàng tồn kho là 8.500 tấn. DAP số 2 Lào Cai dù tồn kho chưa tới 7.500 tấn nhưng cũng lỗ đến 50 tỉ đồng.
Liên quan đến xử lý các dự án thua lỗ ngành phân bón, Văn phòng Chính phủ giữa tuần qua đã phát đi thông tin cho biết, tại cuộc họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém và thua lỗ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo, đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật Thuế số 71. Có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, luật Thuế số 71 quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Điều này đồng nghĩa với việc các nguyên vật liệu và chi phí đầu vào để sản xuất sẽ không được khấu trừ VAT đầu vào, khiến chi phí đội lên hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Vì thế, giá thành sản phẩm tăng lên đáng kể, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của nhà máy, nhất là trong bối cảnh thua lỗ đang kéo dài.
Đề xuất sửa đổi luật thuế trên bắt nguồn từ kiến nghị của Bộ Công thương về việc bảo vệ cho sản xuất phân bón VN nói chung và nỗ lực giải quyết các khó khăn, tồn tại của 4 dự án trên.

Vì 4 dự án hay vì ngành phân bón ?

Nhận định xung quanh nội dung này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Việc ban hành chính sách giảm thu trong bối cảnh phải đi xử lý các yếu kém của các dự án hàng nghìn tỉ đồng do các doanh nghiệp (DN) nhà nước gây ra mà lại bàn chuyện tăng VAT để gián tiếp mọi người dân phải gánh chịu là điều không nên”.
Theo ông Bùi Kiến Thành, những dự án của các DN nhà nước thường đã có nhiều chính sách ưu đãi, giờ lâm vào khó khăn mà tiếp tục tạo ra ưu đãi nữa thì càng không có lợi cho nền kinh tế về lâu dài. “Không nên có chính sách đặc biệt cho DN nhà nước, trừ khi đó là đơn vị phục vụ công ích. Còn DN sản xuất kinh doanh thì hãy đặt họ vào môi trường cạnh tranh sòng phẳng”, ông Thành nói.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đặt vấn đề nếu cả ngành phân bón gồm 20 – 30 DN gặp khó thì chính sách này ra đời cũng là điều dễ hiểu, nhưng nếu ngành phân bón chỉ có 5 DN lớn mà giờ vì 4 “ông” này khó khăn mới ban hành chính sách giảm thuế thì đây là điều cần xem xét. Nguyên tắc bao trùm là làm sao để nhà nước đỡ thiệt hại nhất. Nếu để 4 nhà máy này chết thì dễ nhưng điều đó cũng chẳng giúp nhà nước thu thêm được thuế. Vậy, nếu có chính sách thuế giảm cho họ lúc này mà để họ đỡ chết, vừa giải quyết được việc làm và nhiều mục tiêu khác thì cần giảm có lộ trình nhất định. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Nếu Chính phủ nói vì cứu mấy ông thua lỗ này mà phải giảm thuế cho ngành phân bón thì khi đó mới đáng nói. Còn nếu chính sách giảm thuế hướng đến cả ngành vì nó đang khó cả, thì Chính phủ nên minh bạch, thông tin để người dân chia sẻ”.
Trong tháng 8, Bộ Công thương cũng đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với một số mặt hàng phân bón, bắt nguồn đầu tiên từ yêu cầu của hai công ty phân bón lỗ nặng thuộc Tập đoàn Vinachem. Cụ thể, trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ của vụ việc, ngày 4.8, Bộ Công thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Căn cứ theo quyết định này, mức thuế tự vệ tạm thời là 1,85 triệu đồng/tấn và bắt đầu có hiệu lực chính thức từ ngày 19.8, kéo dài không quá 200 ngày. Biện pháp tự vệ tạm thời sẽ chấm dứt hiệu lực sau ngày 6.3.2018 hoặc trong trường hợp Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

 

Chí Hiếu