12/01/2025

Cuộc sống ở Triều Tiên dưới lệnh cấm vận

Dường như nếp sinh hoạt của người dân Triều Tiên vẫn không có nhiều xáo trộn, bất chấp căng thẳng leo thang và các lệnh cấm vận liên tiếp.

Cuộc sống ở Triều Tiên dưới lệnh cấm vận

Dường như nếp sinh hoạt của người dân Triều Tiên vẫn không có nhiều xáo trộn, bất chấp căng thẳng leo thang và các lệnh cấm vận liên tiếp.



Một cửa hàng điện thoại thông minh (ảnh trái) và nữ nhân viên công sở ở Bình Nhưỡng /// CNN/Reuters

Một cửa hàng điện thoại thông minh (ảnh trái) và nữ nhân viên công sở ở Bình NhưỡngCNN/REUTERS

Trong bối cảnh tình hình khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, một số phóng viên báo đài nước ngoài vẫn được phép đến CHDCND Triều Tiên để khám phá những góc thường nhật tại đất nước còn bị xem là “hết sức bí ẩn này”. Trong đó, phóng viên Will Ripley của CNN đã có hành trình 15 ngày tiếp cận trực tiếp với nhiều người dân thủ đô Bình Nhưỡng lẫn các tỉnh thành khác, dĩ nhiên là dưới sự “bảo vệ” nghiêm ngặt của giới an ninh.
Bức tranh đa sắc
Hồi đầu tháng 9, cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ Jocko Willink nêu ý tưởng thả 25 triệu chiếc điện thoại iPhone xuống Triều Tiên rồi phát sóng wifi để “giúp người dân nắm được thông tin thật”. Tuy nhiên, ông Willink có lẽ không biết rằng người dân Triều Tiên có thể dễ dàng tìm cho mình một chiếc điện thoại thông minh sản xuất nội địa giữa lòng thủ đô Bình Nhưỡng. Theo phóng viên CNN, điện thoại mang nhãn hiệu Arirang có giá khoảng 350 USD và đầy đủ các ứng dụng phổ biến để người dùng có thể chụp ảnh, nghe nhạc và chơi trò chơi điện tử.
Bên cạnh đó, bất chấp bị hạn chế nhập xăng dầu theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, các phương tiện công cộng vẫn hoạt động bình thường và trên tàu điện ngầm, nhiều người cũng dán mắt vào màn hình điện thoại, không khác gì những nước khác. Thay đổi rõ nhất chỉ là xe hơi càng trở nên hiếm thấy và người dân thủ đô chuyển qua đi làm bằng xe đạp hoặc xe máy điện. Một khác biệt lớn nữa là những người tiếp xúc với phóng viên đều thân thiện, lịch sự chứ không khó gần và tỏ ra ngần ngại với người nước ngoài như trong quá khứ.
Thông thường, người dân Bình Nhưỡng làm việc 10 – 12 tiếng mỗi ngày và 6 ngày một tuần. Chủ nhật là ngày nghỉ ngơi hoặc dành cho các hoạt động tình nguyện như cắt cỏ hay tập nhảy dân vũ. Buổi tối họ xem phim bằng ti vi độ phân giải cao hoặc hát karaoke và không ngại biểu diễn những ca khúc Anh – Mỹ nổi tiếng trước mắt người nước ngoài dù phát âm không chuẩn. Ngoài ra, khác với nhiều người lầm tưởng, dân Triều Tiên vẫn quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc và phương Tây. Các nhãn hiệu thời trang của Mỹ và Đức, cả chính hãng và hàng nhái, đều xuất hiện ở Bình Nhưỡng.
Cuộc sống ở Triều Tiên dưới lệnh cấm vận - ảnh 1

Nông dân ở tỉnh Bắc Hwanghae nghỉ ngơi cùng binh sĩ REUTERS

Cách thủ đô khoảng 60 km về phía nam, tỉnh Bắc Hwanghae lại là một bức tranh hoàn toàn khác. Người dân chủ yếu làm nông và trông khắc khổ hơn hẳn. Bữa ăn của họ không có nhiều thịt cá mà chủ yếu là cơm, rau, trứng và kim chi. Dù vậy, một nông dân tên Kim Gyo-son khẳng định với CNN rằng thời kỳ đói kém đến mức phải ăn vỏ cây để sống đã qua từ lâu. “Chúng tôi đủ gạo ăn và có thể sắm sửa máy cày, đời sống cũng thoải mái”, Kim nói trong lúc vợ ông gắp thức ăn cho phóng viên.
“Chỉ bắn Mỹ xấu”
Phóng viên CNN không nhắc nhiều về Hàn Quốc nhưng trong phóng sự, nước Mỹ được đề cập xuyên suốt. Từ học sinh ở Wonsan, vùng đất cảng có bãi thử tên lửa thường xuyên của Triều Tiên, đến nông dân ở Bắc Hwanghae đều tin tưởng tuyệt đối vào chính quyền và nhu cầu “trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ”. Họ viện dẫn Iraq và Syria là những đất nước “bị xâm lược” vì không có năng lực phòng vệ mạnh. Tại Wonsan, đa phần đều tuyên bố cảm thấy tự hào mỗi khi Triều Tiên phóng thử tên lửa từ địa điểm bí mật ở thành phố này.
Trả lời CNN, một phụ nữ bật khóc khi nói về mong muốn đến Mỹ. “Không phải tôi muốn đào tẩu mà chỉ muốn trực tiếp tìm hiểu tại sao Mỹ lại thù ghét chúng tôi như vậy”, bà nức nở nói. Liên tục tiếp nhận thông tin từ hệ thống truyền thông nhà nước mà họ tin tưởng tuyệt đối, hầu hết người dân Triều Tiên đều khẳng định không ghét người dân Mỹ mà chỉ căm thù “chính quyền xâm lược”.
Trong một phân cảnh, phóng viên Will Ripley phỏng vấn một nhóm học sinh cấp 2 đang mải mê chơi điện tử sau giờ học. Các em túm tụm quanh thùng game bắn súng và một em nói mục tiêu ngắm bắn “chính là người Mỹ”. “Chú cũng là người Mỹ nè, mấy con có muốn bắn chú không?”, Ripley hỏi. Cả nhóm bỗng ngập ngừng, khuôn mặt ra chiều suy nghĩ và cuối cùng một em quả quyết là “chỉ bắn người Mỹ xấu mà thôi”.

 

Ngọc Mai