11/01/2025

Sống chung với… rệp tại ký túc xá sinh viên

Gần đây, rệp xuất hiện nhiều ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Nhiều sinh viên hoảng hốt khi gặp phải rệp bò lổm ngổm trên giường.

Sống chung với… rệp tại ký túc xá sinh viên

Gần đây, rệp xuất hiện nhiều ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Nhiều sinh viên hoảng hốt khi gặp phải rệp bò lổm ngổm trên giường.

 

 

Coi chừng rệp cắn! - Ảnh 1.

Rệp làm ổ trên miếng ván giường của KTX Đại học Quốc gia – Ảnh: FB

“Rệp xuất hiện trong phòng từ trước hè nhưng tôi cứ tưởng con gì vô hại. Càng về sau rệp xuất hiện càng nhiều. Rệp hay ẩn nấp dưới giường, mền, gối. Các bạn trong phòng ai cũng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ nên đăng lên Facebook hỏi bạn bè. Khi biết đó là rệp ai cũng rất sợ nên đã báo cáo trưởng nhà” – N.P.L. (sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM) kể.

Nhiều bạn diệt rệp bằng những phương pháp thủ công nhưng chẳng “xinhê” gì nên cam chịu sống chung với rệp.

Bác sĩ Lê Đức Thọ – chuyên khoa da liễu – cho biết tình trạng dơ bẩn không phải là yếu tố thu hút rệp giường mà rệp bị “hấp dẫn” bởi độ ẩm của cơ thể, khí CO2 do con người tiết ra qua hơi thở.

“Rệp có thể nhịn đói, sống nhiều tháng mà không cần phải hút máu. Thông thường, rệp hút máu từ 3-15 phút, tùy giai đoạn tăng trưởng. Sau bữa hút máu, rệp quay trở lại nơi ẩn náu của chúng, thường quanh quẩn gần chỗ ngủ của con người. Rệp ít thấy ban ngày nhưng xuất hiện nhiều về ban đêm để cắn và hút máu người

Bác sĩ LÊ ĐỨC THỌ

Diệt rệp giường như thế nào?

Rệp giường không tự lan truyền mà phải có sự tác động của con người bằng cách di chuyển các vật dụng chứa ấu trùng từ nơi này sang nơi khác. 

Theo bác sĩ Thọ, có thể các bạn sinh viên vô tình mang ấu trùng rệp từ các bến xe, ga tàu vào ký túc xá, rồi chúng sinh sôi. 

Rệp thường sống ở những nơi khó bị phát hiện như khe giường, chăn, chiếu, gối… nên biện pháp đầu tiên đơn giản nhất là giũ sạch chiếu, chăn, gối. Gõ mạnh vạt giường xuống sàn nhà để tìm, diệt rệp. 

Lấy que khều bắt rệp ở các khe hở của giường. Sau đó, dùng nước sôi chế vào các khe, kẽ giường hoặc dùng que lửa hơ nóng để đốt chết rệp con và trứng. Tiếp theo, giặt quần áo, chăn nệm bằng nước nóng >50oC.

Cuối cùng, dùng dipterex 2-3% hoặc pyrethrin 0,1-0,2% phun xịt vào những nơi có rệp. Chỉ phun một lần cũng có thể tiêu diệt được rệp nhưng nếu cần có thể thực hiện thêm lần thứ hai (lần thứ hai cách lần thứ nhất tối thiểu 2 tuần).

Sống chung với... rệp tại ký túc xá sinh viên - Ảnh 3.

Sau khi hút no máu, bụng rệp phình to căng tròn, thân màu đỏ sẫm – Ảnh: N.V.L.

Nhận biết da tổn thương do rệp cắn

Rất nhiều người lầm tưởng giữa tổn thương da do rệp cắn với tổn thương do các côn trùng khác cắn (kiến ba khoang, muỗi, bọ chét… ). Đặc biệt, đối với các bạn sinh viên, họ thường lầm tưởng vết thương rệp cắn là do da đã tiếp xúc với dịch kiến ba khoang.

Bác sĩ Thọ cho biết vết cắn của rệp giường có xu hướng nằm ở các cạnh hoặc ở những vùng mặt duỗi của cơ thể tiếp xúc với chăn, chiếu, nệm như cánh tay, lưng, bả vai…

Phản ứng đặc trưng của da khi bị rệp cắn là nổi hồng ban – mụn nước hoặc sẩn mề đay kèm cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Tổn thương da điển hình tập hợp thành vệt dài hoặc kết cụm.

Vết cắn của rệp giường thường lành tính, ít biến chứng và có thể khỏi sau 1-2 tuần nhưng rất ngứa, vì thế không nên gãi hay chà xát mạnh vì có thể gây bội nhiễm vi khuẩn, để lại sẹo. 

Nên rửa vùng da tổn thương bằng nước sạch và xà phòng để làm sạch vết cắn, ngăn ngừa nhiễm khuẩn da, giúp giảm ngứa.

XUÂN MAI