‘Tôi ngạc nhiên thấy chân tóc rụng của mình có hạt gì đó…’
Nhiều người mắc một số bệnh da đầu nhưng không hiểu lý do vì sao. Sau khi chữa hết bệnh, lại bị tái phát, mới biết do… mũ bảo hiểm mất vệ sinh.
‘Tôi ngạc nhiên thấy chân tóc rụng của mình có hạt gì đó…’
Nhiều người mắc một số bệnh da đầu nhưng không hiểu lý do vì sao. Sau khi chữa hết bệnh, lại bị tái phát, mới biết do… mũ bảo hiểm mất vệ sinh.
Bệnh da đầu do mũ bảo hiểm bẩn gây ra rất thường gặp. Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng gây cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến công tác, học tập, cũng như có thể gây mất ngủ, suy nhược thần kinh
BS HUỲNH HUY HOÀNG
Các bác sĩ da liễu cho biết người dân chưa có thói quen vệ sinh mũ bảo hiểm nên có rất nhiều người mắc bệnh da đầu. Thường gặp nhất là bệnh do nấm Trichophyton. Nấm trên da đầu có mảng da đỏ, có khi có mụn nước, mụn mủ, tiết dịch, rất ngứa, có người bị đứt tóc hoặc rụng tóc…
Nấm da đầu mới vỡ lẽ
Chị T.V. (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi hay bị ngứa da dầu, rụng tóc rất nhiều, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Quan sát những cộng tóc rụng tôi thấy có hạt gì đó như nhân mụn trứng cá (màu trắng, cứng) bám vào chân tóc. Đi khám da liễu, bác sĩ kết luận tôi bị nấm da đầu. Tôi rất ngạc nhiên vì tôi gội đầu 3 lần/tuần, tóc thì không uốn, sấy… Điều trị xong, lại mắc bệnh trở lại”.
Anh Nguyễn Văn P. – tài xế xe ôm – cho biết với tính chất công việc, anh phải đội mũ bảo hiểm hàng giờ. Da đầu anh hay bị ngứa, gàu rất nhiều mặc dù anh thường xuyên gội đầu vào mỗi tối.
Tìm hiểu, chị T.V. mới vỡ lẽ là do chiếc mũ bảo hiểm: “Mũ này mỗi ngày tôi hay đội đi ngoài đường. Từ khi tôi giặt hết các mũ thì đầu tôi khỏi bị nấm”.
Vi nấm, vi khuẩn dễ phát triển khi mũ dơ
BS Lê Thái Vân Thanh – giảng viên ĐH Y dược TP.HCM – cho hay da đầu là nơi ra nhiều mồ hôi, dễ tiếp xúc với nhiều tác nhân gây bệnh. Khi đội mũ bảo hiểm thường xuyên, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng sẽ khiến da đầu trở nên khó “thở” hơn, tăng tiết mồ hôi, bã nhờn. Đây chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, vi nấm phát triển, gây nên những bệnh da đầu như gàu, nấm da đầu, viêm nang lông, chí…
Mũ bảo hiểm thường có cấu tạo kín, cứng, lớp vỏ bên trong mũ làm bằng xốp, không thoáng khí, nếu không vệ sinh mũ bảo hiểm định kỳ thì bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn tích tụ trong mũ sẽ ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, TS.BS Vân Thanh cũng cho biết thói quen dùng chung mũ bảo hiểm cũng gây ra các bệnh về da đầu, đặc biệt khi chúng ta đi xe ôm hay các loại xe tương tự.
Lưu ý các bệnh da đầu thường gặp
“Hiểu biết một số bệnh da đầu do đội mũ bảo hiểm sẽ giúp ta chọn lựa biện pháp phòng ngừa thích hợp, phương pháp điều trị đúng đắn” – BS Huỳnh Huy Hoàng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, nói.
Theo BS Hoàng, gàu là thủ phạm gây ra ngứa da đầu nhiều nhất. Gàu là do tế bào chết ở da đầu bong ra, có vảy màu trắng. Gàu phát triển khi gặp môi trường thuận lợi như: nhiễm vi nấm, da đầu ẩm ướt, nhiều mồ hôi.
Viêm nang lông là bệnh vừa do dị ứng, vừa do nhiễm trùng. Triệu chứng thường gặp là nổi lên những mẩn đỏ nhỏ, đóng ít vảy hoặc rịn ra chút chất dịch, ở vùng nang lông, ngứa lúc ra mồ hôi.
Một loại bệnh thường gặp nhất là bệnh do nấm Trichophyton. Cần xét nghiệm nấm trước khi điều trị. Điều trị với thuốc chống nấm, có khi phải cạo trọc đầu mới khỏi. Chí cũng là loại dễ lây từ người này sang người khác, nhất là đội mũ bảo hiểm chung với người bị chí ở đầu.
Cần gội đầu bằng thuốc diệt chí cho tất cả mọi người trong gia đình hoặc tập thể nếu mắc bệnh.
Chữa ngứa đầu do đội mũ bảo hiểm
– Vệ sinh da đầu sạch sẽ, tránh đội mũ bảo hiểm khi tóc còn ẩm ướt.
– Giặt mũ bảo hiểm ít nhất 1 lần/tuần. Những ngày còn lại nên vệ sinh mũ bảo hiểm bằng các phương pháp như phơi nắng hoặc xịt dung dịch sát khuẩn…
– Có thể dùng vải bỏ vào trong mũ bảo hiểm hoặc đội mũ áo khoác trước khi đội mũ bảo hiểm của người khác.
– Chọn mua mũ bảo hiểm thoáng khí.